Theo Cốc Cốc, tổng lượng tìm kiếm về địa điểm du lịch nội địa và quốc tế, vé máy bay, khách sạn, hành trang du lịch đều tăng đáng kể so với quý trước.
Quý II cũng là giai đoạn bắt đầu cao điểm du lịch hè của người dân, đặc biệt sau khi ngành du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại từ tháng 3 năm nay.
Du lịch và hàng không đón lực cầu
Hạ Long và đảo Phú Quý là hai điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng về lượng tìm kiếm cao nhất, lần lượt là 59% và 33%. Ngoài ra, người Việt cũng đẩy mạnh tìm kiếm một số địa điểm du lịch phổ biến như Phú Quốc (27%), Đà Nẵng (22%), Phú Yên (20%), Nha Trang (19%), Đà Lạt (10%).
Đối với du lịch quốc tế, Thái Lan hiện dẫn đầu điểm đến được người dùng tìm kiếm khi tăng trưởng những 97%, áp đảo hoàn toàn so với quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore (68%). Ngoài ra, người Việt cũng quan tâm hơn đến một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Lượng tìm kiếm thông tin về Mỹ cũng tăng trưởng mạnh (30%), xếp thứ 3 từ khóa thịnh hành.
Quý II, lượng tìm kiếm từ khóa “vé máy bay giá rẻ” tăng 220%, “đặt vé máy bay online” tăng 99%, “vé khứ hồi tăng 48%”.
Số lượt tìm kiếm từ khóa “vé máy bay giá rẻ” tăng 220%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng hành khách giai đoạn 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8%. Số lượng khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, tăng 904,6% trong khi khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt, tăng 52,6%.
Các hãng hàng không nội địa vận chuyển tổng cộng 20,1 triệu lượt khách, tăng 56,1%.
Dự kiến trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt, tăng 190% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng số lượng khách quốc tế được dự đoán đạt 5 triệu lượt, tăng 844%, trong khi khách nội địa đạt 82,8 triệu lượt, tăng 178,4%.
Thời gian qua, lượng khách đến sân bay Nội Bài và Tân Sân Nhất tiếp tục tăng kỷ lục. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất cho biết có thể sớm vượt qua mục tiêu đón 7 triệu lượt khách trong năm nay.
Trong khi đó, số lượng chuyến bay cập cảng Nội Bài vượt công suất thiết kế của ga hành khách quốc nội T1. Sản lượng bay quốc nội bình quân tại Nội Bài tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, lượng tìm kiếm về các thông tin hướng dẫn chuẩn bị du lịch cũng có xu hướng tăng mạnh, điển hình như từ khóa “kinh nghiệm du lịch” (107%), “visa du lịch” (75%) hay “hộ chiếu” (32%).
Đáng chú ý, trong bối cảnh một số quốc gia yêu cầu du khách mang hộ chiếu Covid để chứng minh điều kiện sức khỏe trước khi nhập cảnh, lượng tìm kiếm loại chứng minh này tăng gần 3 lần so với quý I.
So với quý trước, người tiêu dùng Việt cũng mạnh tay chi tiền cho cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp, điển hình như “villa” (53%), “deluxe” (49%), “resort” (35%) hay “khách sạn 5 sao” (21%).
Các kênh đầu tư ảm đạm
Trái với du lịch, nghỉ dưỡng, lĩnh vực tài chính chứng kiến sự sụt giảm mạnh về mức độ quan tâm. Trong bối cảnh chỉ số VN-Index tụt dốc và thị trường chứng khoán ảm đạm, lượng tìm kiếm về “cổ phiếu” và “trái phiếu” giảm lần lượt là 22% và 8%.
Trên thực tế, quý II là giai đoạn số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng đột biến. Từ tháng 4-6, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết đã có tổng cộng 1,17 triệu tài khoản chứng khoán mở mới.
Đáng chú ý, hai tháng 5 và 6 có số lượng tài khoản mở mới vượt 400.000 đơn vị, cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Các kênh đầu tư phổ biến như chứng khoán, tiền mã hóa đều rung lắc mạnh trong quý II. |
Do có diễn biến tiêu cực hơn chứng khoán, lượng tìm kiếm về “crypto” (tiền mã hóa) giảm hơn 41% so với quý đầu năm. Song, sự sụp đổ của dự án LUNA đã khiến lượng tìm kiếm đồng tiền số này tăng những 522%.
Khía cạnh khác của mảng tài chính là dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm chỉ tăng nhẹ so với quý I. Trong đó lượng tìm kiếm từ khóa “cổng thanh toán” tăng trưởng nhiều nhất (20%).
Sau dịch, thị trường việc làm diễn biến khởi sắc khi mở ra nhiều cơ hội hơn với người lao động. Cụ thể, lượng tìm kiếm về từ khóa ”tìm việc kế toán trưởng tại hà nội”, “tìm việc 24h” và “tìm việc làm tại hà nội” tăng trưởng lần lượt là 542%, 74% và 30%.
Trong khi lượng tìm kiếm về hai ngành giáo dục, kiến trúc trong quý II ghi nhận xu hướng tăng thì lượng tìm kiếm về ngành thiết kế lại có xu hướng giảm (-30%).