Trưa 4/4 tại Bệnh viện Quân đội 108, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần, hưởng thọ 96 tuổi.
“Mới tuần trước thôi tôi còn vào viện thăm anh. Anh yếu nhưng vẫn nhận ra tôi và khẽ chào. Vậy mà nay nghe tin anh ra đi. Nhanh quá. Anh em Trường Sơn không khỏi tiếc thương”, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn mở đầu câu chuyện với Zing.vn bằng giọng nghẹn ngào.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục chính trị - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), đã gắn bó với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hơn 50 năm, từ khi là người lính lái xe Trường Sơn.
"Ông là con người tài trí và mưu lược, ít nói nhưng vô cùng sâu sắc, nghiêm khắc nhưng có trái tim ấm áp. Ông luôn nghĩ nhiều, đặt ra và giải quyết xuất sắc các ý tưởng chiến đấu", thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nói về vị chỉ huy của mình.
Người chỉ huy góp công lập quốc
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Ông sinh năm 1923 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng quê nghèo Quảng Bình. Suốt cuộc đời, ông đã chứng kiến từng bước trưởng thành, lớn mạnh của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu. |
Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Đồng. Sau Cách mạng Tháng 8, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Một năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đồng chí có công lao lớn trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đầu năm 1950, Nguyễn Hữu Vũ được điều lên căn cứ cách mạng ở Việt Bắc, đổi tên là Đồng Sỹ Nguyên và công tác ở Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng).
Năm 1961, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Trung Quốc. Sau 2 năm học, ông trở về giữ chức Tổng tham mưu phó Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là 1 trong 2 sĩ quan quân đội được thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
Sau chiến tranh, tướng Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng... Đến tận những năm cuối đời, vị tướng huyền thoại của đường Trường Sơn vẫn không ngừng trăn trở với những vấn đề thời sự của đất nước.
Cuộc đấu trí trên tuyến đường huyền thoại
Thành tích quân sự vẻ vang nhất của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường mòn chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Những ai gần ông, làm việc với ông, chứng kiến cách vị Tư lệnh bằng mưu lược và trí tuệ thiên bẩm của mình vượt qua những khó khăn thử thách sẽ luôn cảm thấy tin tưởng và khâm phục ông”, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận.
Nhưng mỗi khi kể về chiến tích của mình, trong lòng tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn gợn lên nỗi day dứt. "16 năm tuyến đường hoạt động, 22.000 quân ta đã ngã xuống, trên 30.000 đồng chí khác nhiễm chất độc da cam mà di chứng đến ngày nay vẫn vô cùng nặng nề...". Trên tuyến đường khốc liệt này, máu của chính vị tư lệnh đã đổ.
Bất kỳ một sự mất mát dù nhỏ nhất cũng khiến tôi đau lòng, dù hi sinh ít cũng là đáng tiếc
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói về những chiến sĩ hy sinh trên tuyến vận tải Trường Sơn.
Ngày 29/1/1966, trong chuyến đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến dịch tại Đường số 9, xe chở trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (khi đó là tư lệnh mặt trận 565 bộ đội Trung - Hạ Lào) bị trúng bom từ máy bay địch. Tài xế hy sinh ngay trên vô lăng. Riêng ông và nhóm cận vệ, y sĩ đi cùng đều bị thương nặng.
Một năm sau, ông chính thức giữ cương vị Tư lệnh Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn), đoàn công binh và vận tải quân sự chủ lực trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, và giữ chức vụ này cho đến khi thống nhất đất nước năm 1975.
Đoàn xe vận tải hùng hậu trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Khi nhận cương vị chỉ huy, tướng Đồng Sỹ Nguyên phải giải quyết muôn vàn khó khăn mà tuyến đường Trường Sơn đang gặp phải. Đường xây theo kiểu độc đạo, thường xuyên bị đánh phá. Cứ mỗi khi máy bay địch quần thảo là đoàn xe vận tải phải dừng trú ẩn, khiến tình trạng tắc đường xảy ra liên miên.
Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiên quyết ngăn chặn tuyến đường này. Đối phương duy trì máy bay ném bom và mở những đợt hành quân quy mô lớn để cắt đứt tuyến vận tải.
Theo tài liệu tham khảo, từ 1968 đến 1971, Mỹ đã chi 1,7 tỷ USD cho mạng lưới 20.000 máy phát hiện, rải bom trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.
Việc giữ bí mật cho tuyến đường trở nên bất khả thi. Trước tình thế đó, vị chỉ huy Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra những chỉ thị làm thay đổi hoàn toàn tư duy chiến thuật của bộ đội Trường Sơn. Thay vì phòng ngự bị động, ông yêu cầu bổ sung lực lượng pháo cao xạ, tên lửa phòng không, chủ động hạ máy bay địch ngay khi chúng tới oanh tạc.
Để đối phó với các loại máy bay được trang bị hồng ngoại, có khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm, Bộ đội Trường Sơn đã mở đường ở những cánh rừng lớn có cây che phủ; chặt cành cây ngụy trang kín đường cho xe chạy ban ngày, nâng tốc độ vận chuyển lên gấp 2 đến 3 lần so với tốc độ đi trong đêm tối.
Kết quả, bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay, mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn.
"Nếu không thực hiện hiệp đồng binh chủng (hay binh chủng hợp thành), bảo vệ tuyến vận tải cơ giới thì việc chi viện sẽ không thể nào thoát khỏi bế tắc. Đoàn xe chi viện sẽ giống như những miếng mồi ngon dưới tầm ngắm của máy bay địch", trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhiều lần khẳng định khi chiến tranh đã qua đi.
Bước ngoặt tại Đường 9 - Nam Lào
Lúc này, trên tuyến vận tải Trường Sơn không chỉ có pháo cao xạ và tên lửa phòng không mà còn có cả lực lượng bộ binh, thiết giáp sẵn sàng giáng trả các cuộc càn quét của địch.
Đầu năm 1971, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa với sự hỗ trợ của Mỹ đã mở chiến dịch Lam Sơn 719 (phía ta gọi là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh tại Xê-pôn (Lào).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971. |
Sau 2 tháng giao tranh, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy khỏi Xê-pôn với tổn thất nặng nề. Đây là lần đầu tiên quân giải phóng thực hiện thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành.
Với người Mỹ, sự thất bại khi cản bước chi viện của miền Bắc cho Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng chính là sự bất lực trong việc ngăn chặn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (khi đó là đại tá) khẳng định quân ta đã trở thành người làm chủ hoàn toàn trên chiến trường Trường Sơn. Tuyến chi viện trở nên thông suốt và cực kỳ hiệu quả. Lúc cao điểm, trên toàn tuyến có tới 9 sư đoàn trong đó 8 sư đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh quân khu Trường Sơn.
Tuyến đường cũng không còn độc đạo mà được mở rộng thành nhiều nhánh. Bên cạnh đường ôtô có cả đường ống xăng dầu, đường dây thông tin, giao liên. Có những đoạn địch cứ đánh phá ta lại sửa để nghi binh, hút địch quay trở lại, nhưng thực tế đoàn xe đã đi đường tránh.
Người Mỹ mô tả tuyến đường Trường Sơn là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Sự chi viện liên tục qua tuyến đường này góp phần quan trọng đưa cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam tiến nhanh đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.
Ân nhân của bộ đội Trường Sơn
Tới nay, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã có hơn 50 năm làm việc, gắn bó và có mối quan hệ mật thiết với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
“Tôi với thủ trưởng thân thiết đến nỗi người ta còn đồn tôi là con nuôi của ông, vì thế mới thăng tiến được. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy, và tôi cũng chưa bao giờ dám tâm sự với tướng Đồng Sỹ Nguyên về việc ấy”, thiếu tướng Tuấn chia sẻ.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong một lần đến thăm trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào đầu năm 2019. Ảnh: Phùng Văn Khai. |
Như vẫn chưa tin vào sự ra đi của thủ trưởng, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhắc chuyện cách đây khoảng 20 ngày, một đạo diễn bộ phim tài liệu về Trường Sơn có đề nghị ông giúp cho gặp tướng Đồng Sỹ Nguyên. Khi ấy, tướng Nguyên vẫn khoẻ, đủ sức để ghi hình. Nhưng hơn một tuần sau, bệnh của ông trở nặng.
Tiếc thương nhiều nhất có lẽ là những người lính Trường Sơn đã sát cánh cùng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trên mỗi bước đường hỏa tuyến.
Chứng kiến những người chiến sĩ lái xe bị thương, hy sinh vì bom rơi đạn lạc, tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ấy đã cho trang bị trên cabin và 2 bên thành xe những lớp nứa dày cả gang tay để chống bom bi, giảm thiểu sát thương cho các chiến sĩ lái xe.
Không chỉ có thế, xuất thân, trưởng thành từ chiến sĩ lái xe nên thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cảm nhận rõ hơn ai hết sự quan tâm đặc biệt mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dành cho bộ đội. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến từng việc nhỏ như chế độ ăn uống, túi băng bó thương binh hay thuốc tăng lực, chống buồn ngủ cho anh em lái xe. Và thời điểm ấy, chế độ ăn của các lái xe thuộc hàng cao nhất Trường Sơn, chỉ xếp sau đội phi công.
"Khi nhắc đến tướng Nguyên, ngoài sự mưu lược, sáng tạo, ông còn là người có tình thương máu mủ với chiến sĩ", thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trầm ngâm.