“Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược cao rộng của anh Văn - người mà lịch sử đã trao cho sứ mệnh làm tổng tư lệnh quân đội để bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc với “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” mà cha ông để lại” - thiếu tướng, anh hùng Mai Năng - nguyên tư lệnh Binh chủng đặc công, người chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Trường Sa tháng 4/1975, nói.
“Nếu chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước”Trong tác phẩm "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương “Giải phóng Trường Sa” để hồi tưởng sự kiện này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và chính ủy Đặng Tính thăm đường 20. |
Ông viết: “Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975”. Ông cho biết đây là “sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu”.
Ông Mai Năng, khi ấy đeo quân hàm thượng tá, chỉ huy Đoàn 126 đặc công nước huyền thoại, đang ém quân ở Hải Phòng chờ lệnh tiến về Sài Gòn, kể lại: “Phải nói rằng khi ấy trong tâm tưởng mỗi người lính và chỉ huy chúng tôi thì mục tiêu là được tham gia đoàn quân tiến về Sài Gòn, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng thống nhất đất nước.Cuối tháng 3/1975, tôi bất ngờ nhận được mật lệnh: lập tức chuyển quân vào Đà Nẵng, chọn lực lượng tinh nhuệ, chuẩn bị giải phóng quần đảo Trường Sa. Tôi tuyển lựa khoảng 250 chiến sĩ tinh nhuệ, sẵn sàng cho trận tiến công lịch sử ngoài biển khơi bao la. Sau này tôi mới biết chính anh Văn là người thay mặt Quân ủy trung ương kiến nghị Bộ Chính trị cho phép giải phóng Trường Sa và trực tiếp dặn dò, chỉ thị cặn kẽ các tình huống tác chiến trên biển…”.
Ngày 9/4, khi Cục Quân báo phát hiện quân đội Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các đảo, Quân ủy trung ương đã phát đi bức điện tối khẩn vào Quân khu 5, người nhận là Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Hoàng Hữu Thái: "Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm".
Ngày 13/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho tướng Chu Huy Mân dặn dò rất cụ thể: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay. Hai thời cơ cụ thể trên do anh theo dõi và quyết định. Thời cơ cụ thể thứ ba tôi sẽ kịp thời báo anh khi xuất hiện".
Tướng Mai Năng, nay là một cựu binh đã 84 tuổi, người từng tham gia cả hai cuộc kháng chiến, nói về vai trò của tướng Giáp: “Nếu chúng ta đến Trường Sa chậm một vài ngày, thậm chí chỉ chậm một vài giờ khi quân đội Sài Gòn đã rệu rã, choáng váng vì các tin tức thất trận trong đất liền, thì nước ngoài có thể thừa cơ mà chiếm lấy quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của chúng ta. Trong giờ khắc lịch sử ấy, bộ óc thiên tài Võ Nguyên Giáp thật anh minh, sáng suốt nhận định tình hình và kịp thời đưa ra những chỉ đạo rất trúng”.
Ra khơi…
Tư tưởng mà những người tham gia cuộc tiến công giải phóng Trường Sa nhận được từ vị Đại tướng Tổng tư lệnh của họ là: Trên mặt trận biển Đông, hành động cũng phải "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về cuộc tiến công này như sau: “Nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, anh Hoàng Hữu Thái ra lệnh cho các tàu hải quân ngụy trang giả dạng tàu đánh cá, xuất phát vào lúc trời chưa sáng.
Bằng phương tiện nhỏ và ít, đối mặt với tàu chiến lớn của địch và đại dương mênh mông, quân ta đánh theo kiểu của mình: bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu.
Đúng 4h30 sáng 14/4, sau hơn 1 giờ tổ chức đổ bộ, ta nổ súng tiến công, nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ trên đảo. Tiếp đó, ngày 25/4, quân ta tiến công đánh chiếm đảo Sơn Ca.
Ngày 27/4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28/4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất”.
Lực lượng của ta tiến ra Trường Sa chỉ gồm ba chiếc tàu vận tải của Đoàn 125 - Đoàn tàu không số huyền thoại và Đoàn 126 đặc công nước do thượng tá Mai Năng chỉ huy.
Trước giờ ra khơi, ông Hoàng Hữu Thái (phó đô đốc, nguyên tư lệnh Hải quân) khi ấy là chuẩn đô đốc, phó tư lệnh Hải quân, đã hỏi ông Mai Năng: “Trận này đánh có khó không?”.
Ông Mai Năng trả lời: “Cái khó trước hết đây là vấn đề mới của đặc công nước. Bởi đặc công nước chuyên đánh tàu, chưa quen đánh căn cứ, cứ điểm. Cái khó thứ hai là đặc công phải tiếp cận và đánh ngay, đây là điều không đơn giản. Lâu nay truyền thống của đặc công là đánh gần, mà đánh gần thì đảm bảo bí mật, bất ngờ, luồn sâu, ém sát, hay nói cách khác là mắt thấy, tai nghe, tay sờ, chân phải đến, nhưng Trường Sa thì địa bàn rất rộng lớn và quân ta chưa thông thuộc địa hình…”.
“Vậy không đánh được à?” - ông Thái hỏi. “Tôi trả lời là đánh được, nhưng phải có phương pháp mới, đánh theo phương pháp trinh sát vũ trang, có nghĩa là trinh sát đến đâu đánh đến đó, không chuẩn bị trước” - ông Mai Năng kể.
“Bằng mọi cách phải giải phóng bằng được các đảo, không được để bất cứ lực lượng nào chiếm” - ông Mai Năng nhớ như in mệnh lệnh của cấp trên trước lúc lên đường.
Rạng sáng 14/4/1975, khi mặt trời chưa mọc, quân của ông Mai Năng đã nổ phát súng đầu tiên ngoài Trường Sa, đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Binh lính của quân đội Sài Gòn nhanh chóng đầu hàng. Gặp người chỉ huy quân đội Sài Gòn tại đây, ông Mai Năng hỏi “Tại sao các cậu đã có lời thề giữ đảo đến chết mà lại đầu hàng?”. Người chỉ huy phía bên kia đã đáp rằng: “Nếu là lực lượng khác đến chiếm thì chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhưng khi nghe các ông kêu hàng thì chúng tôi muốn bàn giao đảo cho quân giải phóng…”.
“Vĩnh biệt anh Văn. Nơi anh chọn để an giấc ngàn thu là cửa biển quê nhà, tựa vào dãy Trường Sơn và hướng ra biển Đông bao la ở đó vẫn còn những con sóng dữ thử thách sức bền của dân tộc chúng ta…” - người tướng già Mai Năng xúc động.