Khó CLB nào hào phóng như Manchester United sau cách họ ưu ái cho HLV Erik Ten Hag. Mùa giải trước, dù may mắn có được chức vô địch FA Cup ở trận cuối, điều đó không khỏa lấp được thực tế là CLB thất bại thảm hại tại Premier League, đấu trường đo chính xác sức mạnh và sự ổn định của một đội bóng.
Vấn đề nổi cộm của MU là thủ kém
Dưới sự dẫn dắt của HLV người Hà Lan, "Quỷ đỏ" chỉ đứng thứ 8 tại Premier League mùa trước, vị trí thấp nhất của họ kể từ khi giải Ngoại hạng ra đời vào đầu những năm 1990 và với hiệu số bàn thắng bại âm. Man Utd cũng bị loại khỏi Champions League ở vòng bảng với một chiến thắng và bốn trận thua.
Nhưng không những không bị sa thải mà Ten Hag còn được gia hạn hợp đồng đến 2026 và giờ đây ông có cơ hội tri ân báo đáp, phát huy những mặt tích cực của mùa giải 2022/23, đồng thời hạn chế những vấn đề của mùa trước. Dù vậy, mọi thứ có vẻ không dễ dàng. Sau trận mở màn trước mùa giải với thất bại 0-1 trước Rosenborg hồi đầu tuần, Ten Hag cho biết màn trình diễn của đội “dưới mức yêu cầu”.
Thật khó để nêu hết các vấn đề của United bởi lẽ, thay vì vấp ngã trong một giai đoạn thi đấu nhất định, thì lại có những khó khăn mang tính xuyên suốt.
Vấn đề nổi bật nhất là việc "Quỷ đỏ" không thể hạn chế đối thủ tạo ra cơ hội. Man Utd thi đấu lỏng lẻo mà không có cơ chế tạo áp lực hiệu quả hoặc biết cách kiểm soát bóng chắc chắn, điều này cho phép các đội đánh vỗ mặt họ và tạo ra những cơ hội nguy hiểm. Hệ quả là đội hình của Ten Hag thường bị đẩy lùi sâu hơn và co cụm bảo vệ vòng cấm của họ. Một số cầu thủ United thích cảm giác chơi co cụm như vậy, nhưng như thế lại cho phép đối phương không chỉ kiểm soát trận đấu tốt hơn mà còn tung ra nhiều cú sút hơn.
United thua quá nhiều trong những bài bị trả ngược. |
Những con số cơ bản ở mùa giải trước cho thấy hàng thủ Man Utd phải vật lộn như thế nào để kiềm chế đối thủ. Trung bình mỗi trận, hàng thủ "Quỷ" đỏ đối mặt với 1,7 bàn thua dự kiến không tính phạt đền (xG), đây là con số kém thứ tư tại Premier League.
Một trong những vấn đề mà hàng thủ của United gặp phải ở mùa giải trước là gắng gượng phòng ngự trước những đợt khoan đáy trả ngược (cut-back). Việc thiếu sự bảo vệ khoảng trống giữa hàng thủ đang lùi sâu và các đồng đội ở hàng tiền vệ liên tục bị đối thủ khai thác.
Chỉ có bốn đội ở Premier League để thủng lưới nhiều cơ hội hơn từ các cơ hội trả ngược - ba trong số đó, Sheffield United, Luton Town và Burnley, đã xuống hạng. Đội còn lại là West Ham nhưng họ chỉ để thủng lưới sáu bàn từ các bài trả ngược so với 8 bàn của Man Utd.
Giải pháp chưa có
Ten Hag cần tìm ra giải pháp để chống các bài khoan đáy trả ngược như vậy. Vấn đề chính ở mùa giải trước là việc hàng hậu vệ có xu hướng lùi xuống, bảo vệ khoảng trống giữa họ và thủ môn Andre Onana, trong khi các tiền vệ không quay lại kịp thời để lấp khoảng trống do các hậu vệ để lại.
Câu chuyện này lại liên quan đến quá trình chuyển đổi phòng thủ của họ. Khi đội của Ten Hag để mất bóng, có rất nhiều khoảng trống để đối thủ tấn công trong khi các tiền vệ và hậu vệ của Man Utd bối rối dàn xếp phòng thủ chống phản công.
Điều đó có thể thấy rõ qua số lần bị tấn công nhanh" mà CLB hứng chịu. Một pha "tấn công nhanh" được định nghĩa là quá trình từ lúc có bóng ở phần sân nhà và kết thúc bằng một cú sút hoặc chạm bóng trong vòng cấm đối phương, chỉ gói gọn trong vòng 15 giây. Ta có thể gọi gần đúng quá trình này là phản công.
Càng về cuối giải, United càng bị ăn đòn tấn công nhanh nhiều hơn. |
Việc Man Utd chịu 3,4 pha tấn công nhanh mỗi 90 phút ở Premier League 2023/24 là tỷ lệ tệ nhất của họ trong 6 mùa giải qua và mức trung bình 10 trận dưới đây của họ cho thấy mức tăng đột biến so với những năm trước. Dưới thời HLV Jose Mourinho, chỉ có Man Utd tấn công nhanh đội khác chứ ít khi bị đội khác tấn công nhanh nhiều như vậy.
Trên thực tế, Ten Hag muốn Man Utd là đội bóng chuyển đổi trạng thái tốt nhất thế giới. Để trở thành đội như vậy, cần có sự cân bằng giữa việc tấn công đối thủ nhanh nhất có thể khi cầm bóng và việc biết khi nào cần phải kiểm soát trận đấu.
Mùa trước, Man United không tìm được sự cân bằng đó khi Ten Hag chỉ nghĩ nhiều đến việc chuyển đổi trạng thái tấn công ra sao khi có bóng, chứ không nghĩ nhiều đến việc phải đối phó thế nào khi mất bóng.
Ngay cả việc kiểm soát bóng điều tiết nhịp độ cũng có vấn đề. Bất kể trạng thái trận đấu - thua, hòa hay thắng - hoặc khoảng thời gian còn lại của trận đấu, họ chỉ chăm chăm tìm cách đưa bóng thật gần khung thành đối phương. Tư duy đó đã dẫn đến những quyết định và hành động sai lầm.
Đây là những vấn đề mang nặng tính chiến thuật hơn là về con người. Do vậy, nếu mùa tới, khi Man Utd đủ quân số mà thi đấu vẫn phòng ngự kém hiệu quả, lỗi thuộc về HLV người Hà Lan chứ không thể đổ cho cầu thủ chấn thương.
Cuốn sách “Leading: Learning from Life and My Years at Manchester United” được Sir Alex Ferguson viết chung với Michael Moritz xuất bản năm 2015 đem tới kinh nghiệm sống quý báu cho bất kỳ ai.