Nhà lãnh đạo bí ẩn của Triều Tiên cuối cùng đã chịu đặt chân ra khỏi đất nước khi đến thăm Trung Quốc bằng tàu lửa, đặt chân qua biên giới liên Triều và bay đến Singapore gặp tổng thống Mỹ.
Ông Kim Jong Un đã mở đầu năm 2018 trong một bộ đồ Tây. Ông mặc suit xám, xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên và đọc lời phát biểu năm mới với thiện chí kêu gọi giảm căng thẳng. Đó là phát biểu có phần kỳ lạ, sau một năm 2017 mà Bình Nhưỡng đã phóng 23 tên lửa ở 16 vụ thử, chưa kể 1 lần thử hạt nhân hồi tháng 9/2017.
Năm 2018 không chứng kiến một vụ thử tên lửa nào, thay vào đó là việc Bình Nhưỡng mời các nhà báo đến thị sát việc tháo dỡ địa điểm thử hạt nhân. Thay cho việc Triều Tiên buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải nhóm họp khẩn để thông qua lệnh trừng phạt, ông Kim lên đường sang Trung Quốc, Singapore bắt đầu những chuyến thăm hay gặp gỡ cấp cao. Thay vì “đấu khẩu” với Hàn Quốc bằng việc phát loa ở biên giới, lãnh đạo Triều Tiên đã bắt tay tổng thống Hàn Quốc ở ranh giới quân sự tại Bàn Môn Điếm, sau đó trở thành gương mặt được ưa chuộng đối với nhiều người Hàn Quốc, dù vẫn còn tranh cãi.
“Đây là một năm phi thường trên bán đảo Triều Tiên”, tiến sĩ Lim Tai Wei, Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Zing.vn.
"Con đường tiến đến hòa bình và phi hạt nhân hóa đã có tiến triển. Dù đó chỉ là những bước đi sơ khởi. Giờ thì mọi thứ cậy vào sự khôn ngoan của những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, cùng cả xã hội của họ, để đi hết con đường này".
Ông Lim nói các bên liên quan đều có công và nên được thừa nhận. Đó là ghi nhận cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và em gái Kim Yo Jong của ông Kim Jong Un vì đã đảm bảo mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cho Tổng thống Donald Trump vì cái nhìn thực dụng khi đến gặp ông Kim. Cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đã ủng hộ. Cho cả Thủ tướng Shinzo Abe vì đã kiềm chế khi tên lửa Triều Tiên trước đó liên tục bay qua không phận Hokkaido…
Nhưng có lẽ sự thay đổi lớn nhất phải đến từ người mà giới quan sát ít ngờ nhất: bản thân ông Kim Jong Un. Sau một năm tập trung thử tên lửa và hạt nhân, ông Kim bất ngờ tuyên bố Bình Nhưỡng đã đạt được năng lực hạt nhân cần thiết và chuyển hướng phát triển kinh tế. Những chuyến đi thăm viện nghiên cứu vũ khí và cơ sở hạt nhân chuyển thành những cuộc thị sát cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Kim Jong Un bước qua biên giới để bắt tay ông Moon Jae In, một trong những hình ảnh biểu tượng của năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Ông chào sân thế giới bằng em gái Kim Yo Jong, người trở thành “ngôi sao” Olympic mùa đông bằng thái độ tự tin và tươi tắn của cô, khác hẳn với các thể hiện thường thấy của các quan chức Triều Tiên khúm núm cạnh nhà lãnh đạo. Tiếp đến, ông Kim trực tiếp đến thăm Trung Quốc, dắt tay tổng thống Hàn Quốc bước qua biên giới liên Triều - biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh - và trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên gặp gỡ một tổng thống Mỹ, trong sự kiện dù mang nhiều tính biểu tượng nhưng là đột phá trong quan hệ hai nước cựu thù.
Trong tất cả những cuộc gặp trên, ông Kim, nhà lãnh đạo của đất nước khép kín và bản thân không hề công du kể từ khi nhậm chức cho đến đầu năm nay, cho thấy ông là một nhà ngoại giao bằng vai phải lứa với các chính trị gia lão luyện khác. Ông trông hiện đại, thoải mái với đối tác của mình. Và cũng trong tất cả những cuộc gặp trên, lãnh đạo Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa và tỏ rõ sự quan tâm đối với các nguồn vốn và hỗ trợ từ nước ngoài để phát triển kinh tế.
Nhưng Kim Jong Un cũng biết ông không thể cải cách bằng quay ngoắt lại với đường lối của Triều Tiên xưa nay cũng như các đồng minh truyền thống. Trong lúc quan hệ liên Triều tốt đẹp sau Olympic mùa đông tại Pyeong Chang và cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp diễn ra, ông Kim bí mật sang thăm Trung Quốc. Không phải Hàn Quốc, Trung Quốc mới là nơi đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên công du kể từ khi lên nhậm chức. Ông Kim từng du học ở Thụy Sĩ và ông không phải người sợ máy bay như cha của mình, cố lãnh đạo Kim Jong Il. Thế nhưng, ông đến Bắc Kinh bằng phương thức truyền thống mà người cha ưa chuộng năm xưa: đoàn tàu đặc biệt màu xanh.
Vài tháng sau, ông Kim đến Singapore để gặp Tổng thống Trump trên một chiếc Boeing 747 của Air China, loại máy bay thường phục vụ các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Trong tất cả mọi cuộc gặp thượng đỉnh của ông Kim với lãnh đạo Mỹ hay Hàn Quốc, bóng dáng của Trung Quốc luôn hiện hữu. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên luôn ngầm khẳng định rằng dù các tiếp cận của ông đối với Mỹ có thiện chí hơn nhiều so với cha và ông, việc Trung Quốc là đồng minh số 1 của Triều Tiên không thay đổi và ông rất tôn trọng thứ bậc đó.
Ông Kim và ông Tập đã gặp nhau 3 lần trong năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Nếu tiến triển thực chất trong tham vọng đổi mới và tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn mơ hồ, một điều chắc chắn ông Kim đã làm được trong năm qua: bình thường hóa hình ảnh. Trong lần thứ ba ông Kim đến Trung Quốc, lần đầu tiên truyền hình nhà nước Trung Quốc đã được ghi hình và đưa tin ngay khi ông đặt chân đến Bắc Kinh. Trong các chuyến thăm trước và cả những chuyến công du của cố lãnh đạo Kim Jong Il, truyền thông chỉ đưa tin khi lãnh đạo Triều Tiên đã về nước. Trong chuyến leo núi Paektu với ông Moon, ông Kim đã có nỗ lực "phi thường" khi cố gắng làm dấu tay hình trái tim, cử chỉ thịnh hành trong giới trẻ Hàn Quốc và cách đó ít lâu còn là điều mọi người không thể ngờ được ở một “gã tên lửa”.
Ở trong nước, truyền thông Triều Tiên đã bắt đầu gọi phu nhân ông Kim, bà Ri Sol Ju bằng danh xưng “đệ nhất phu nhân”, bước tiến so với cách gọi “đồng chí Ri” trước đó và cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tạo nên một cặp gia đình lãnh đạo bình thường, tương tự các nước khác.
Ông Kim vẫn gây tranh cãi ở mọi nơi. Người Hàn Quốc cãi vả trên đường phố với một nhóm là người biểu tình chào mừng chuyến thăm Hàn Quốc của ông Kim, phía còn lại những người giận dữ yêu cầu chính quyền phải trừng phạt những người đã tuyên truyền cho một nhà độc tài ở nơi công cộng của Seoul. Tại Hàn Quốc, ông Kim một mặt trở thành nhân vật trên sản phẩm… mặt nạ dưỡng da, một phần tiếp tục là đối tượng của luật lệ lâu năm của Seoul: luật cấm tuyên truyền cho chế độ Bình Nhưỡng.
Sau 6 tháng đầu năm sôi động, ai cũng thấy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong nửa cuối 2018 chậm lại. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người có công đầu trong việc sắp xếp cuộc gặp Kim - Trump, vẫn đi đi về về Bình Nhưỡng nhưng không có tiến triển nào diễn ra. Đôi khi, Triều Tiên trở lại nặng lời với Mỹ và cảnh báo việc không từ bỏ hạt nhân nếu Mỹ không nhượng bộ trước.
Washington trung thành với quan điểm Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa đến mức độ "không thể đảo ngược” trước khi có thể nhận các viện trợ kinh tế và việc rút lại trừng phạt. Trong khi đó, Bình Nhưỡng muốn một hiệp ước hòa bình trước, kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên rồi mới bắt đầu các đàm phán khác. Mỹ muốn gây sức ép tối đa trong khi Triều Tiên muốn việc phi hạt nhân hóa diễn ra song song với dỡ bỏ trừng phạt và cho phép đầu tư.
"Vấn đề là họ thiếu tin tưởng nhau. Cả hai đều lo sợ bị bên kia lừa, nên họ đòi bên kia làm nhiều hơn, rồi đưa nhau vào ngõ cụt", giáo sư Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), nói với Zing.vn.
“Đó là hai hệ ý thức khác hẳn nhau và cần quá trình dài để hiểu rõ nhau. Trong khi đó, Mỹ cũng chưa hẳn khéo léo. Chỉ cần một tài liệu giả trong Triều Tiên về việc ‘Mỹ muốn lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng’ cũng có thể khiến cho quan hệ song phương căng thẳng’”, phó giáo sư Vũ Minh Khương của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, giải thích.
“Độ nhúng của người Triều Tiên vào thế giới chưa sâu, chỉ lác đác một số người (có chủ trương đổi mới)”.
Trong những thảo luận ở cấp quan chức sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bình Nhưỡng liên tục thách thức sự kiên nhẫn lẫn chân thành của người Mỹ. Theo Washington Post, các quan chức Mỹ dự đoán bế tắc có thể do người được giao nhiệm vụ cầm trịch liên hệ với Mỹ là cựu trùm tình báo Triều Tiên Kim Yong Chol, nhân vật cứng rắn và không có nhiều kinh nghiệm đàm phán. Họ hy vọng vị trí đứng đầu đàm phán sẽ sớm được trao lại cho Ngoại trưởng Ri Yong Ho, người ôn hòa hơn, hiểu rõ vấn đề và “nói một thứ tiếng Anh hoàn hảo”.
Trong khi đó, tiến sĩ Lim cho rằng bên trong nước Mỹ cũng có những trở lực làm chậm lại quá trình bình thường hóa với Triều Tiên. Tổng thống Trump đang đối mặt với các thách thức từ Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền, các cuộc điều tra từ công tố viên đặc biệt Mueller.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng cuộc chiến thương mại đang căng thẳng sẽ làm phức tạp thêm quá trình hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Dù truyền thông tập trung nhiều vào những bước tiến trong quan hệ Mỹ - Triều, người ta hiểu rằng các bước tiến đó phải diễn ra cùng sự đồng thuận của Trung Quốc.
Ai cũng cần bán đảo Triều Tiên hòa bình, nhưng Trung Quốc cần giữ Triều Tiên trong tầm kiểm soát của họ còn Mỹ cần Bình Nhưỡng để tạo thêm đối trọng với Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng hơn nữa với Mỹ trong khi vào lúc hiện tại, Washington cũng cần Bắc Kinh để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Mối quan hệ chằng chéo này có thể sẽ làm ông Kim bị kẹt ở giữa khi cuộc chiến thương mại ngày càng “sát phạt" hơn.
Năm 2019 sẽ mở ra với triển vọng về cuộc gặp Mỹ - Triều lần 2 và chuyến thăm đầu tiên của ông Kim đến Seoul, dự kiến vào tháng 9/2019.
"Mỹ có thể sẽ muốn những cam kết lâu dài từ Triều Tiên còn Bình Nhưỡng muốn một số hình thức nhượng bộ", ông Lim nói. "Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào khả năng của Tổng thống Trump trong việc ứng phó với các cuộc điều tra trong nước và sự chống đối chính trị".
Giáo sư của Đại học Lĩnh Nam, người thường nghi ngờ thiện chí của ông Kim trong việc phi hạt nhân hóa, cho rằng các cuộc gặp sẽ khó thay đổi được bản chất phức tạp của việc phi hạt nhân hóa.
"Quá trình đàm phán phụ thuộc vào quá nhiều thứ. Nếu hai bên không đạt được lòng tin trọn vẹn, Triều Tiên sẽ không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân", theo giáo sư Trương.
Tuy nhiên, ông và ông Lim đều lưu ý rằng có thể ông Kim đang hy vọng có thể cải cách kinh tế song song với đàm phán phi hạt nhân hóa. Theo đó, Triều Tiên sẽ thuyết phục Trung Quốc cùng Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng phát triển kinh tế trước khi có các khoản đầu tư từ Mỹ. Tất nhiên, việc này sẽ khó khăn và bị hạn chế nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế lên Triều Tiên không được dỡ bỏ.
Phía ngược lại, ông Khương cho rằng dù Mỹ và Triều Tiên đã ở một ngưỡng khó khăn của mối quan hệ khi chưa có lòng tin, nhưng nếu vượt qua được giai đoạn này, quan hệ song phương sẽ tiến rất nhanh.
"Triều Tiên cũng lo sợ họ trở thành quân bài của thế giới. Ở đây, vai trò của tổng thống Hàn Quốc rất quan trọng, khi ông tỏ ra là một đối tác Triều Tiên có thể tin tưởng được. Tôi kỳ vọng những chuyển biển ngoạn mục trong năm 2019", theo phó giáo sư của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.
Một câu hỏi khác là liệu ông Kim Jong Un có thật tâm muốn phi hạt nhân hóa “một lần và vĩnh viễn” hay không, hay tiếp tục giữ nó như một quân bài mặc cả với Mỹ.
"Vẫn phải bỏ ngỏ việc Triều Tiên được công nhận là một cường quốc hạt nhân và số phận của những vũ khí hạt nhân đã được chế tạo, bên cạnh tiến trình hòa bình và việc tiếp tục phá hủy các cơ sở hạt nhân, tên lửa", ông Lim nói.
Trong khi đó, phó giáo sư Khương cho rằng ông Kim thật sự muốn từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vì khi muốn đổi mới và phát triển kinh tế, “kho vũ khí hạt nhân sẽ là gánh nặng, khiến họ không thể tiến nhanh được”.
“Tôi nghĩ Kim hoàn toàn nhận thức được rằng không ai muốn giúp một nước nghèo có vũ khí hạt nhân đi lên trở thành một quốc gia phồn vinh cả. Vấn đề là phải từ bỏ như thế nào để nội bộ Bình Nhưỡng ‘trong ấm ngoài êm’”.
Tuy vậy, các cuộc gặp gỡ cấp cao trong năm 2018, dù chưa mang lại kết quả thực tế, đã cải thiện vị thế của nhà lãnh đạo trẻ trong nước. Các chuyên gia đồng tình rằng sau cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử với một tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Kim giờ đây có đủ uy tín lẫn tự tin để đẩy mạnh các chính sách trong nước. Nhóm ủng hộ đổi mới trong đảng Lao động Triều Tiên sẽ có thêm tiếng nói trong khi người dân, trước hình ảnh các cuộc công du của lãnh đạo, có thể thêm phần háo hức trước việc mở cửa đất nước.
"Các bước đi của Triều Tiên trong năm qua lúc nhanh lúc chậm, vẫn còn những di sản của quá khứ và yếu tố tư duy cá nhân, tuy nhiên ông Kim thể hiện là người sẵn sàng cao để đảm nhận quá trình chuyển đổi này", phó giáo sư Vũ Minh Khương nhận định. Ông hy vọng rằng 6 tháng im ắng của tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ là 6 tháng các bên âm thầm chuẩn bị hậu cần và nghị trình cho các bước tiến xa hơn vào đầu năm sau.
Năm 2019 sẽ đòi hỏi những thành tựu cụ thể hơn là những cái bắt tay và một tuyên bố chung với ngôn ngữ mơ hồ. Bản thân ông Kim Jong Un sẽ đứng trước những bài toán khó hơn, buộc ông phải chứng minh nỗ lực cải cách.
Gần nhất, một chuyến đi đến Seoul sẽ khác hẳn Singapore và Bắc Kinh với những nhà hoạt động người Hàn Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch biểu tình để phản đối nhà lãnh đạo Triều Tiên.