Trước đó tại diễn đàn Quốc hội, ông đã cảnh báo về tình trạng một số quan chức tranh thủ thực hiện những "chuyến tàu vét" trước khi “hạ cánh”.
- Thưa ông, khi nói đến “tư duy nhiệm kỳ”, ông nghĩ đến những vấn đề gì?
- Phải thấy khách quan rằng “tư duy nhiệm kỳ” có hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là vì nhiệm kỳ giới hạn, nhiều người sẽ muốn tận tâm, tận lực đóng góp nhiều nhất có thể để bảo đảm uy tín tái cử, nếu không tái cử thì cũng để lại dấu ấn tốt cho đời sau.
Điều đáng tiếc là ở ta “tư duy nhiệm kỳ” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Đó là tầm nhìn ngắn, chạy theo lợi ích cục bộ, lo vun vén cá nhân hơn là lo nghĩ cho cái chung, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, giữ ghế an toàn để đến hết nhiệm kỳ về hưu.
Điều này có lý do, một phần như tôi đã phát biểu ở Quốc hội về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, tiêu cực cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tham nhũng, tiêu cực ở đây là cả trong công trình, dự án và cả trong công tác nhân sự.
Tôi nghĩ rằng mỗi người dân từ vị trí của mình đều ít nhiều cảm nhận được tác hại của “tư duy nhiệm kỳ”, chính vì vậy cụm từ này mới đi vào dân gian với ý nghĩa tiêu cực như vậy.
Ông Lê Như Tiến giới thiệu với các phóng viên hàng trăm tin nhắn của cử tri gửi đến hoan nghênh ông về chất vấn “hoàng hôn nhiệm kỳ”. |
- Là đại biểu Quốc hội lâu năm, ông đã chứng kiến những trạng thái biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” như thế nào?
- Có địa phương khi lên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ghi vào các nội dung phát triển rất hoành tráng, ai cũng thấy khó khả thi nhưng vì sao vẫn ghi vào? Thì ra là ghi cho có “khí thế” đầu nhiệm kỳ thế thôi, không làm được sẽ “chuyển giao” nhiệm kỳ sau.
Lại có những cán bộ vào lúc “bình minh nhiệm kỳ” thì hăng hái, nhưng chỉ thời gian ngắn đến giữa nhiệm kỳ đã thấy thái độ khác trong công việc, và đến cuối nhiệm kỳ thì rõ ràng thái độ buông xuôi, phó mặc công việc cho bộ máy cấp dưới.
Vào lúc chuyển giao giữa nhiệm kỳ cũ và nhiệm kỳ mới là lúc xuất hiện nhiều trạng thái của “tư duy nhiệm kỳ”, một số người thường “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nghĩa là vo tròn, né tránh va chạm trong công việc để tái cử hoặc để chờ hưu.
Mà như vậy thì công việc ùn đọng lại hết. “Tư duy nhiệm kỳ” trở thành cái phanh kìm cỗ xe phát triển.
- Ông có nghĩ rằng sở dĩ “tư duy nhiệm kỳ” hiểu theo nghĩa tiêu cực có đất tồn tại vì quyền lực chưa được giám sát đủ mạnh, tính công khai, minh bạch trong công vụ chưa được thực hiện đủ tốt?
- Muốn tư duy nhiệm kỳ không còn đất tồn tại thì trước hết phải bỏ được tâm lý đó của người cán bộ, chọn được những người cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới vượt qua được tâm lý thông thường. Dĩ nhiên thể chế, cơ chế, chính sách là quan trọng.
Ở Trung Quốc có một khái niệm là “nhốt quyền lực trong chiếc lồng chế độ”, tại sao là “chiếc lồng” mà không phải “chiếc hộp”, vì “chiếc lồng” thì người ngoài nhìn vào được.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cái gốc vẫn là con người. Con người mà tư duy ngắn thì không giải quyết được việc lớn, chỉ lo mấy việc vụn vặt thôi đã hết ngày.
- Ông có đề xuất giải pháp nào khác để ngăn chặn, đẩy lùi “tư duy nhiệm kỳ”?
- Hiện nay đang thời điểm cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp khóa mới, tôi cho rằng thay vì bầu cử như hiện nay chỉ với sơ yếu lý lịch giản đơn kèm ảnh dán ở điểm bầu cử, nên nghiên cứu thành tựu phát triển của nhân loại để tiếp thu những cách làm tốt.
Đơn cử như người ứng cử phải trình bày chương trình hành động trước nhân dân với những cam kết cụ thể, nếu được bầu vào vị trí nào đó thì sẽ triển khai những công việc gì, lộ trình, kế hoạch ra sao, công việc nào sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ và công việc nào là chiến lược lâu dài.
Qua đó nếu anh trúng cử thì nhân dân sẽ giám sát, sẽ truy vấn mỗi lần tiếp xúc cử tri, và sẽ góp phần khắc phục được “tư duy nhiệm kỳ”.