Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Tư duy khác lạ của 'anh hùng lao động' Thái Hương

Từ hơn 10 năm trước, bà Thái Hương đã nhen nhóm tư duy làm nông nghiệp hiện đại, tạo sự thay đổi căn bản về cách làm nông nghiệp.

Từ hơn 10 năm trước, bà Thái Hương đã nhen nhóm tư duy làm nông nghiệp hiện đại, tạo sự thay đổi căn bản về cách làm nông nghiệp thông qua việc tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp với mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung. 10 năm sau, TH trở thành thương hiệu bảo chứng cho chất lượng sữa được nhiều người Việt lựa chọn, tin dùng.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập Tập đoàn TH - vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2020. Phẩm chất “anh hùng” của bà thể hiện ở tư duy, tầm nhìn dài hạn trong nhiều lĩnh vực: Y tế, giáo dục, thực phẩm và đặc biệt sản xuất, chế biến sữa.

Với ngành sữa, bà được đánh giá đã làm cuộc cách mạng sữa tươi sạch, đưa TH trở thành thương hiệu vươn tầm quốc tế nhờ tính nhân văn và chất lượng sản phẩm. Bà Thái Hương cũng đại diện tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, diễn ra vào tháng 12/2020.

“Bản thân khu hành chính TH mà chúng ta đang ngồi bây giờ, ngày xưa là khu chuồng bò thuộc dự án chăn nuôi của Sở Nông nghiệp Nghệ An. Bên này là trại chăn nuôi bò thịt, còn phía bên kia là khu vực vườn cam mẫu sau cùng của nông trường 19/5”, ông Lê Đức Trường - nguyên Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn - bồi hồi nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi TH vẫn chỉ là một bản phác thảo chưa thành hình.

Khu hành chính mà ông Trường nhắc đến chính là văn phòng điều hành Công ty THMF ở Nghĩa Đàn, nơi nổi tiếng với cánh đồng hoa hướng dương lớn nhất cả nước và cụm trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á.

Ít ai biết, dãy nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại cho nhân viên TH làm việc và cảnh quan được chăm chút như một khu nghỉ dưỡng, lại được cải tạo từ một khu chuồng bò cũ.

TH True Milk anh 1

Từ những năm 1960, hệ thống nông trường ở Nghĩa Đàn đã là đỉnh cao của nền kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp ở Việt Nam, với trên 9 nông trường sở hữu hàng trăm nghìn ha đất đỏ bazan, tập trung toàn bộ hệ thống máy móc hiện đại của Liên Xô. Đã có những thời kỳ, cam xuất khẩu cho Liên Xô và các nước Đông Âu được trồng trên mảnh đất này. Một nền sản xuất lớn đã được hình thành từ hàng chục năm trước.

Tuy nhiên, sau 2 chu kỳ khai thác, tận dụng hoàn toàn yếu tố tự nhiên mà không có sự hoàn trả, thời kỳ rực rỡ của nông trường nhanh chóng trôi qua. Đến thập niên 1980, chất lượng sản xuất giảm, kéo theo sự đi xuống của cả nền kinh tế địa phương. Tại không ít nông lâm trường, đất đai bị chia nhỏ, giao khoán cho các nông trường viên sản xuất manh mún, kém hiệu quả. Nghĩa Đàn suốt một thời gian dài loay hoay tìm lối ra cho các nông trường quốc doanh nói riêng và cả nền nông nghiệp nói chung.

Việc đổi mới nông lâm trường theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo ra của cải vật chất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trở thành yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Thế nhưng, không nhiều đơn vị, tổ chức thật sự bắt tay vào công cuộc cải tổ này.

Chỉ đến năm 2008, sau vụ sữa nhiễm melamin gây hại cho trẻ em, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á - mới đưa ra ý tưởng gây dựng mô hình chăn nuôi chế biến sữa tươi quy mô lớn, hiện đại từ những vùng đất nông lâm trường đang dần bị “lãng quên”.

Đứng trên cao nguyên Phủ Quỳ ngút ngàn, phóng tầm mắt là núi đồi thoai thoải, điểm xuyết lòng hồ, dòng sông uốn lượn, dưới chân là đất đỏ bazan mịn màng, phì nhiêu, cây cối tốt lành, nữ doanh nhân xứ Nghệ nghẹn ngào: “Không ngờ, quê mình có những nơi đẹp như vậy! Nếu áp dụng khoa học công nghệ của thế giới, rồi trồng cỏ, nuôi bò ở đây chắc chắn thành công”.

Ý tưởng đến trong đầu, cộng với lời kêu gọi của người đồng hương - khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Phan Đình Trạc: “Là người Nghệ, sao chị không về quê hương đầu tư, đóng góp cho tỉnh nhà?”, bà Thái Hương càng thêm quyết tâm gây dựng mô hình chăn nuôi chế biến sữa tươi quy mô lớn, hiện đại tại quê hương.

Thế nhưng từ quyết tâm đến việc thực hiện là cả một chặng đường gian truân. Vấn đề khó khăn nhất nằm ở việc thuyết phục người dân trong khu vực dự án trả lại đất đang canh tác, dù đó là đất nông trường cho họ nhận khoán. Nhiều người dân không ủng hộ, bởi trong suy nghĩ của họ, khi doanh nghiệp đầu tư vào nông trường, “mảnh đất nào ngon họ sẽ lấy hết”.

Đáp lại những nghi ngại ấy, bà Thái Hương khẳng định chắc nịch: “Tôi sẽ chỉ lấy những vùng đất nông trường làm không hiệu quả và làm cho nó hiệu quả bằng công nghệ”. Đó cũng chính là một phần trong văn bản cam kết của TH với tỉnh, và sau này là quyết định của Nghệ An cho dự án.

“Ngày ấy, bản thân lãnh đạo huyện chúng tôi cũng nhận thức được dự án này sẽ thay đổi cả nền nông nghiệp chứ không phải chỉ thay đổi vùng đất này. Nghệ An lúc đó thu hút đầu tư chưa được nhiều. Dự án công nghiệp còn hiếm, chưa kể dự án nông nghiệp, lại còn mang quy mô cả tỷ đôla. Chúng tôi xác định dự án là cú hích, đòn bẩy cho kinh tế của huyện”, ông Trường nói.

Tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp mà dự án này có thể mang lại, huyện Nghĩa Đàn đã thành lập ban chỉ đạo riêng cho dự án, đền bù 1.700 hộ, bàn giao cho dự án gần 3.000 ha. Đây là con số vô cùng ấn tượng, bởi trước đó, hầu hết người dân đều không đồng ý giao trả đất.

Với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, dự án bắt tay ngay vào các giai đoạn triển khai với phương châm “vừa hành quân, vừa xếp hàng”, thu hồi đất đến đâu, san đất, dựng trang trại đến đấy. Những ngày đầu tiên, có thời điểm cứ một ngày một đêm, trại bò mới lại mọc lên.

Kết quả ấy có được không chỉ nhờ sự ủng hộ của hệ thống chính quyền, mà còn đến từ chính cách làm của người đứng đầu TH.

Nghĩa Đàn của 10 năm trước là vùng đất nằm trong chương trình 135 của Chính phủ, trong đó các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên thuộc diện xã 135 (đặc biệt khó khăn), lạc hậu. Bây giờ, ở đây có chỗ chăm sóc sắc đẹp, có cửa hàng bán đồ ăn sáng, sân chơi bóng chuyền. Những con đường đất dưới tán cao su được thay thế bằng đường bê tông, người dân còn tự làm đường hoa đẹp như trong tranh.

Nhờ công nghệ cao và khoa học quản trị, bò sinh sản tốt, cho dòng sữa chất lượng và sản lượng tương đương ở các quốc gia có truyền thống nuôi bò sữa hàng trăm năm trước. Dự án đã hóa giải những khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam. Người dân cũng ngỡ ngàng. Ngày xưa người ta nghĩ những cánh đồng chỉ có ở châu Âu. Giờ nhìn thấy nó ở đây. Những cánh đồng cây cao lương của Nhật, ngô lai giống Mỹ cao đến 5 m bạt ngàn…

TH True Milk anh 6

Ngày xưa, doanh thu mỗi năm của người dân chỉ 10 triệu đồng/ha/năm, giờ cỏ mỗi năm cắt tới 6-7 lần, doanh thu hàng trăm triệu đồng. Đó là những gì mà người dân Nghĩa Đàn, thậm chí ban lãnh đạo cũng khó lòng mường tượng được từ 10 năm về trước.

Thế nhưng, có lẽ điều khiến vị nữ anh hùng lao động Thái Hương hạnh phúc hơn cả, đó chính là việc người dân Nghệ An coi TH như một niềm tự hào, chứ không đơn thuần là thương hiệu của một doanh nghiệp.

Ra chợ Thái Hòa, chợ 1/5, hỏi bất kỳ món hàng nào, người dân cũng tự hào giới thiệu họ đang bán ổi chất lượng TH, dưa TH, cá sông Sào… Người nông dân đã phải vươn lên. Họ cũng đã học theo cách thức canh tác của TH và FVF, dùng phân hữu cơ ủ lấy, tưới nước sạch, bắt sâu bằng tay… để từ đó tạo ra những nông sản có chất lượng như của TH, mang về doanh thu cao.

Nhìn lại một thập kỷ trước, Nghĩa Đàn có 9 nông trường quốc doanh, sau này hình thành nên 5 thị trấn nông trường và đến năm 1993 trở thành các xã. Dù các nông trường quốc doanh đã mở mang cho Nghĩa Đàn về kinh tế, xã hội, hạ tầng, tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn rất cao, 1/4 dân số là người dân tộc thiểu số, 1/10 là đồng bào công giáo…

Thêm nữa, các nông trường ở đây vẫn trong tình trạng “phát canh thu tô”, giao đất cho nông dân canh tác và cuối năm thu sản phẩm. Cách làm của TH, mà trực tiếp là từ tư duy của nhà sáng lập, Bà Thái Hương, đã phá bỏ hoàn toàn mô hình kém hiệu quả ấy.

Đầu tiên là chuyện đền bù hợp đồng của người nông dân với nông trường. Việc đền bù được thực hiện theo hướng dẫn của Nhà nước và có công thức tính toán minh bạch, công khai. Dù đã nhận tiền đền bù, người dân vẫn được thu hoạch nông sản trên mảnh đất đã trả lại để bán.

TH True Milk anh 7

Không chỉ đền bù theo tính toán doanh thu trên thời gian còn lại của hợp đồng, người đứng đầu TH còn chỉ đạo tính cả những công cụ sản xuất, chẳng hạn như máy bơm nước, giống cam, dưa hấu… mà người dân đã đầu tư trên mảnh đất ấy. Sau này, những chiếc máy bơm đó lại tiếp tục được người dân sử dụng để trồng cỏ, ngô, bán lại cho TH. Từ cách làm đó, nhiều gia đình đang giữ lại 5 -10 ha canh tác nhưng không có hiệu quả, đã tự nguyện bàn giao lại cho TH.

Không chỉ cho người dân cơ hội được thu hoạch nông sản trên mảnh đất đã trả lại, TH còn đưa họ trở thành những công nhân, cán bộ đầu tiên của nhà máy sau này. 85% lao động của TH là người dân trong vùng dự án. TH thu nhận toàn bộ người đang ở trong độ tuổi lao động. 1/3 trong số 14.000 dân của Nghĩa Đàn khi ấy đã tham gia vào các khâu sản xuất liên quan đến dự án.

“Ở Việt Nam, có trường học nào đào tạo công nhân chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp không? Không có. Trong một thời gian ngắn, cùng lúc đào tạo ra hàng nghìn công nhân lành nghề, thì phải ghi công cho TH. Trong hợp đồng chuyển giao công nghệ của TH với phía Israel, có điều khoản về đào tạo con người. Sau một năm, các chuyên gia Israel đã giúp người nông dân trở thành công nhân thuần thục, 2 năm là giúp làm chủ công nghệ và 5 năm đã giúp nhiều người trở thành chuyên gia. Hàng nghìn người nông dân Nghĩa Đàn chính là những sinh viên đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo chuyên nghiệp về chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, và được làm việc tại TH, trên chính mảnh đất mà trước đây họ từng trồng trọt, đó chính là một cuộc cách mạng”, ông Trường khẳng định.

Những ảnh hưởng của dự án đến đời sống người dân không chỉ dừng lại ở đó. Những khoản đền bù lên tới 3-5 tỷ đồng được người dân mua lại đất của các công ty cao su, chè thuộc địa phận Thanh Hoá chưa có người khai thác. Nhiều người Nghĩa Đàn đã dùng chính những đồng tiền đền bù thuê lại các vùng đất đỏ bazan để tiếp tục canh tác, trồng dưa, cà, ổi… Người nọ học người kia, giúp cả vùng phát triển.

Không chỉ đào tạo để người dân gắn bó với dự án, TH còn cấp học bổng cho con em của người dân trong vùng, hỗ trợ kinh phí học tập cho các cháu có học lực khá trở lên. Nhân viên TH thậm chí còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí buổi tối cho người dân Nghĩa Sơn, vốn chưa được tiếp cận với giáo dục hiện đại.

“TH đã khiến mọi thứ đều thay đổi rõ rệt…”, người cán bộ về hưu huyện Nghĩa Đàn, nhận định.

Có người ví chăn nuôi bò sữa trong nông nghiệp giống như công nghiệp nặng của nền kinh tế, là lĩnh vực khó nhất. Vậy mà TH đã thành công. Và thành công của TH không chỉ là một thương hiệu “vì sức khoẻ cộng đồng”, cùng hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế khác như “Sản phẩm của năm” 5 năm liền (2015-2019) tại Triển lãm Thực phẩm Thế giới WorldFood tại Moscow (Nga), giải thưởng Thực phẩm tốt nhất ASEAN của Hiệp Hội Khoa học và công nghệ thực phẩm ASEAN, giải Sản phẩm mới xuất sắc và Dịch vụ chăm sóc khách hàng xuất sắc của Stevie Award…

Thành công của TH còn là sự biết ơn, lòng tin, niềm tự hào của chính những con sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Đàn - Nghệ An, cũng chính là quê hương vị nữ chủ tịch, “anh hùng lao động” Thái Hương.

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm