Mới ngày nào ý tưởng về Đường sách chỉ được bàn đến. Chúng tôi bên nhau cùng anh Lê Hoàng, anh Lê Thái Hỷ và sau đó là chị Quách Thu Nguyệt,… Bao nhiêu khó khăn tưởng không thể vượt qua nổi.
Nhưng cá nhân tôi và tất cả chúng tôi vẫn tin vào một không gian văn hóa và trí thức cho Sài Gòn – thành phố lớn nhất cả nước. Sài Gòn cần từng bước quay lại vị trí “Hòn ngọc viễn đông” mà trước hết cần bằng sách, tri thức và giáo dục – ngọn đuốc soi đường hợp lý nhất.
Đường sách TP.HCM đã trở thành điểm hẹn của những người yêu sách. Ảnh: Bá Ngọc. |
Quá trình thi công Đường sách nhanh đến lạ kỳ. Mặc dù sống ở Hà Nội nhưng trong những ngày ấy, tôi ở TP.HCM và theo dõi Đường sách lớn lên mỗi ngày. Mà thay đổi nhanh thật. Cả ngày lẫn đêm 8/1, trước khi khai mạc chúng tôi làm việc say sưa trong đam mê và hứng thú với niềm tin rằng nhất định nơi đây sẽ thu hút được nhiều bạn đọc và lan rộng ra khắp thế giới.
Một năm trôi qua, mô hình Đường sách đầu tiên của Việt Nam đã vang xa ra khắp thế giới. Vì phụ trách công tác đối ngoại và bản quyền của Hội Xuất bản Việt nam, cá nhân tôi đã trực tiếp đón nhiều đoàn quốc tế đến tham quan và học hỏi. Họ là dại diện các nhà xuất bản và các Hội xuất bản của Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, Pháp, Úc, Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Italy,…
Tôi đặc biệt ấn tượng với các buổi tham quan và tìm hiểu Đường sách của các bạn đồng nghiệp ABPA – Hiệp hội Xuất bản ASEAN và bà Claudia Kaiser – Phó chủ tịch hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair. Những lời khen ngợi của họ làm tôi nức lòng và tự hào.
Một năm trôi qua, biết bao sự kiện về sách và văn hóa đã diễn ra ở Đường sách Nguyễn Văn Bình. Giờ đây, tôi không thể tưởng tượng được Sài Gòn không có Đường sách. Mỗi lần từ Hà Nội bay vào, tôi nhất định phải đến ngay Đường sách. Tôi ngồi thư giãn bên ấm trà và ngắm dòng người, ngắm từng nhóm bạn xem sách, chọn sách, chụp ảnh hay đơn giản đi bách bộ thư giãn.
TP.HCM đã có Lễ hội Đường sách song song với Lễ hội Đường hoa, nay có thêm Đường sách nữa thì còn gì tuyệt hơn. Tết âm lịch năm ngoái, chúng tôi tham gia và hoạt động tai cả 2 khu vực, dù mệt nhưng hạnh phúc vô cùng. Bạn đọc và khách tham quan đến tập nập tại cả 2 địa điểm. Là người đam mê sách, còn gì vui hơn đâu.
Tháng 4 năm nay, Hà Nội cũng sẽ có Phố sách trên phố 19/12. Ảnh: Lê Hiếu. |
Sau thành công của Đường sách TP.HCM, tới đây, Hà Nội cũng sẽ có Phố sách. Từ Đường sách TP.HCM đầu tiên trong cả nước, với chiều dài khoảng 100m, nơi gắn bó của người dân Sài Gòn, nơi văn hóa đọc được tôn vinh một cách tự nhiên, sống động và gần gũi, Phố sách Hà Nội đã được khởi công đúng ngày toàn quốc kháng chiến 29/12 ngay tại phố 29 tháng 12.
Dự kiến Phố sách Hà Nội sẽ chính thức khai trương đúng Ngày sách Việt Nam 21/4. Sách và văn hóa đọc của thủ đô cũng đang rất được quan tâm.
Hơn thế nữa, trong năm 2016 vừa qua, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội sách Thiếu nhi tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hà Nội cũng đã tham gia tổ chức gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2016 và tiếp tục tổ chức Hội sách Hà Nội 2016 - “Sách và Hội nhập” với sự tham gia của các nước thuộc Hiệp hội Xuất bản ASEAN và các nhà xuất bản quốc tế. Hà Nội cũng đã cùng với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thường niên Hiệp hội xuất bản ASEAN gấy ấn tượng và nhiều cảm xúc cho các nước trong khối.
Miền Nam và miền Bắc là vậy, còn miền trung thì sao? Ngay khi nhận được công văn đề nghị xây dựng Đường Sách ở Đà Nẵng, đích danh Chủ tịch Huỳnh Ngọc Thơ đã đồng ý. Đà Nẵng cũng phải có không gian sách và văn hóa.
Sau nhiều lần khảo sát, khu vực ngay phía dưới tòa nhà hành chính TP Đà Nẵng, gần bờ sông Hàn đã được chọn làm Vườn sách. Đây không là đường, là phố nên mô hình Vườn sách là hợp lý nhất và đã được lựa chọn.
Theo kế hoạch, ngay trong tháng 1 này Vườn sách Đà Nẵng sẽ được khởi công và dự kiến khai trương vào 30/4, ngày thống nhất đất nước. Tôi còn nghĩ, nếu kịp để khai trương vào ngày 29/3, đúng ngày giải phóng Đà Nẵng thì còn ý nghĩa hơn.
Khai trương Phố sách Yangon tại Myanmar. |
Ngày hôm qua, tôi vừa nhận được tin vui đặc biệt từ anh Tha Tun Oo, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN kiêm Chủ tịch Hội Xuất bản Myanmar rằng Book Street Yangon vừa mới khai trương. Sự kiện có nhiều quan chức chính phủ Myanmar tới dự.
Như vậy, sự lan toả của mô hình Đường sách TP.HCM đã vượt ra ngoài biên giới đất nước để Đông Nam Á không còn bị coi là trũng về sách của thế giới.