Khát khao được bắt tay xây dựng một con đường sách ở TP.HCM từ lâu, gắn bó với dự án này từ khi mới manh nha ý tưởng, tận tay kiểm tra từng vật liệu xây dựng đường sách, có thể khẳng định ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam là một trong những người góp công lớn xây dựng đường sách.
Ngay từ khi khánh thành, đường sách đã trở thành không gian văn hóa, điểm đến lý tưởng của người yêu sách. Đến đây, người đọc như được rũ bỏ những ồn ào, nhộn nhịp để được lắng mình bên trang sách, trong không gian xanh mướt, yên bình.
Đầu tháng 1, đường sách TP.HCM đã tròn một tuổi. Nhân dịp này, ông Lê Hoàng chia sẻ với Zing.vn về những bước đi và thành quả mà công trình đặc biệt này đã đạt được.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc. |
Đường sách là niềm tự hào của ngành xuất bản
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của đường sách sau một năm đi vào hoạt động?
- Trong một năm hoạt động, đường sách đã tạo dựng được không gian lý tưởng cho việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, talk show với hơn 100 buổi ra mắt, giới thiệu sách mới, các chương trình tọa đàm, trò chuyện về các chủ đề mà bạn đọc quan tâm. Đây thực sự là những hoạt động khuyến khích sự phát triển văn hóa đọc.
Những cuốn sách được trưng bày tại đường sách đều có chất lượng, đảm bảo tính mỹ thuật. Chính vì vậy tạo lòng tin với bạn đọc khi đến đây mua sách, đọc sách. Điều này dễ hiểu vì 20 gian hàng có mặt tại đường sách đều là những công ty, đơn vị xuất bản uy tín, có bề dày kinh nghiệm và số lượng bạn đọc lớn.
Thứ hai, nơi đây còn trở thành địa điểm lý tưởng để giao lưu của giới làm nghề trong nước và quốc tế. Thực tế đã có nhiều hội liên hiệp xuất bản nước ngoài như Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản… đến và làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam, đơn vị xuất bản Việt Nam ngay tại đường sách.
Ngoài ra, tại đường sách, bạn đọc còn được tham quan, nhìn ngắm những cuộc trưng bày, triển lãm về quê hương đất nước như Trường Sa nơi ta đến, Tuần lễ Văn học châu Âu, Lịch xuân 2017… được diễn ra định kỳ, liên tục trong năm.
Thứ ba, đường sách là không gian văn hóa đẹp bởi sở hữu kiến trúc đẹp, có nhiều cây xanh, bóng mát, yên tĩnh. Đây như một điểm đến cho những người muốn có sự hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Tất cả những mặt tích cực đó tạo nên sự thành công của đường sách sau hơn 1 năm hoạt động. Vì thế, UBND TP.HCM đã có quyết định làm nức lòng người làm xuất bản khi chọn đường sách là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm.
Đường sách TP.HCM trở thành điểm hẹn của giới trẻ Sài Gòn. Ảnh: Hải An. |
- Lãnh đạo thành phố đã quan tâm và tạo điều kiện để đường sách hoạt động thế nào thưa ông?
- Nhìn lại quá trình hình thành và hoạt động của đường sách cho thấy đường sách được tạo nên từ tấm lòng của những người quan tâm đến văn hóa đọc, đến những người làm nghề lâu năm và lãnh đạo thành phố như đồng chí Võ Văn Thưởng , Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận, nhiều anh chị ở Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng phía nam của Hội xuất bản. Tôi thường bảo: “Đường sách là tổng hợp của ý Đảng và lòng dân gặp nhau”.
Điều quan trọng nhất là lãnh đạo thành phố đã chủ trương từ một con đường lưu thông xe cộ trở thành một đường sách. Điều ý nghĩa không kém là thành phố chủ trương để đường sách hoạt động theo mô hình xã hội hóa, hoạt động bằng năng lực và sự đóng góp của các đơn vị xuất bản. Chính điều này góp phần giúp đường sách hoạt động tốt.
Ngoài ra, thành phố còn có sự hỗ trợ kinh tế cho các hoạt động chủ đề vào những ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của ngành xuất bản...
Hài hòa phát triển kinh tế và không gian văn hóa
- Giữa lợi ích kinh tế và phát triển văn hóa thường không song hành. Ban điều hành đường sách làm sao cân bằng được hai yếu tố đó, giữ không gian văn hóa không bị pha tạp bởi những yếu tố ngoài sách?
- Tôi cho rằng không có sự khác biệt giữa việc duy trì đường sách là không gian văn hóa với lợi ích kinh tế của các đơn vị tham gia mà ngược lại hai yếu tố này có sự hỗ trợ nhau.
Nhờ tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, giới thiệu tại đường sách nên thu hút bạn đọc nhiều hơn. Đây cũng là khách hàng tiềm năng của các đơn vị kinh doanh. Muốn kinh doanh tốt, các đơn vị lại chú trọng cách phục vụ chu đáo, thân thiện, trang trí bắt mắt.
Dù phát triển thế nào, với đường sách thì chất lượng sách, những vấn đề liên quan đến sách phải đặt lên hàng đầu. Đó là tôn chỉ hoạt động của đường sách.
- Ngay khi khánh thành đường sách, nhiều đơn vị xuất bản tham gia cho rằng việc xuất hiện của họ ở đây thiên về quảng bá thương hiệu hơn là lợi nhuận kinh tế. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Việc xuất hiện ở đường sách, tại một cung đường trung tâm của thành phố, mỗi ngày thu hút 4.000-6.000 người lui tới nên sẽ có điều kiện quảng bá thương hiệu tốt.
Lợi ích thứ hai là bạn đọc tới đây mua sách, cho phép các nhà xuất bản xác định được khuynh hướng đọc, nhu cầu đọc của độc giả. Điều này là gợi ý hữu ích cho các đơn vị xuất bản xây dựng được chương trình xuất bản tương lai.
Về hiệu quả trong kinh doanh thì không thể phủ nhận. Trong báo cáo tổng kết một năm hoạt động của đường sách cho thấy tín hiệu khả quan về doanh thu với gần 27 tỷ đồng thu được trong năm 2016, bán được hơn 500.000 đầu sách.
Hàng tuần tại đường sách luôn có các hoạt động giới thiệu tác phẩm, giao lưu giữa độc giả và tác giả. Ảnh: Hải An. |
- Năm 2017 đường sách TP.HCM có những sự thay đổi gì so với 2016?
- Không gian của con đường này là hữu hạn, không thể cơi nới, mở rộng thêm vì thế tốt nhất là nâng cao chất lượng của mỗi hoạt động tại đường sách. Trước mắt, vẫn sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được như giới thiệu sách mới, khuyến khích văn hóa đọc, chất lượng phục vụ tốt hơn.
Ngoài ra một số hạng mục còn lại của đường sách cũng sẽ được ban điều hành hoàn thiện trong năm 2017 như sân khấu chính, khu sách cũ, xây dựng thư viện đọc sách miễn phí, xây dựng ebook.
Tôi được biết, Chủ tịch UBND TP.HCM còn khuyến khích Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng phía Nam của Hội xuất bản mở thêm một đường sách ở phía Tây thành phố và những nơi nào có khả năng mở được thì thành phố đều hỗ trợ. Điều đó chứng tỏ sách và văn hóa đọc được lãnh đạo thành phố quan tâm và ưu ái nhiều.