Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ điểm nóng: Tàu TQ phun vòi rồng, tạo bằng chứng giả

Hơn 10 ngày giàn khoan HD 981 xuất hiện tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 12/5 các tàu TQ tiếp tục tấn công tàu kiểm ngư VN bằng cách phun vòi rồng xối xả và cố tạo ra bằng chứng giả.

Tàu Trung Quốc bao vây tàu kiểm ngư Việt Nam

Khoảng 7h30 ngày 12/5, các tàu kiểm ngư khác của Việt Nam tiến gần đến giàn khoan HD 981, trên tàu treo băngrôn bằng tiếng Trung và phát loa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền biển Việt Nam. Đây là hành động chấp pháp của các tàu Việt Nam trong thời gian Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta.

Cùng với việc phát loa tuyên truyền, các tàu kiểm ngư của chúng ta đã tiếp cận gần nhất vị trí của giàn khoan HD 981. Khi phát hiện tàu kiểm ngư Việt Nam, một đội tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc đã vây quanh các tàu kiểm ngư Việt Nam.

Tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc đều là tàu tên lửa tấn công tốc độ cao được hoán cải.

2 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam.
2 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam.

Trên các tàu Trung Quốc, các khẩu pháo đều được xoay nòng về phía lực lượng tàu kiểm ngư Việt Nam.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã bám theo tàu kiểm ngư Việt Nam, sau đó bất ngờ dùng súng bắn nước tập trung lao thẳng vào tàu này và các tàu kiểm ngư khác của Việt Nam.

Hai kiểm ngư dũng cảm

Đó là những lời khen ngợi dành tặng hai kiểm ngư viên Đỗ Văn Cần và Nguyễn Văn Chinh, hai người đã không sợ nguy hiểm đứng ngoài thân tàu để điều khiển vòi rồng phun nước tự vệ trước sự tấn công của tàu hải giám và hải cảnh Trung Quốc.

“Các tàu kiểm ngư đã hành xử hết sức ôn hòa trước hành động quá hung hăng của các tàu hải giám và hải cảnh Trung Quốc. Thái độ quá hung hăng của họ đã buộc chúng tôi phải tự vệ. Khi hành động, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc thực hiện chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam” - kiểm ngư viên Đỗ Văn Cần nói.

8h15, tàu hải cảnh bám theo thăm dò tàu HP 926 của Việt Nam chừng một phút, sau đó bất ngờ dùng súng bắn nước tấn công vào tàu kiểm ngư Việt Nam. 

Các tàu hải giám và hải cảnh Trung Quốc tiến lên phía trước rồi lùi lại phía sau mũi tàu Việt Nam với mục đích tạo dựng bằng chứng giả rằng tàu Việt Nam tấn công các tàu Trung Quốc.

Sau hành động này, năm tàu hải giám và hải cảnh Trung Quốc được bố trí vòi rồng cực mạnh đã tiến đến hai bên hông, áp sát hai mạn tàu kiểm ngư của Việt Nam để phun vòi rồng lên tàu nhằm vào các vị trí: ống khói, cabin, hệ thống ăngten... nhằm làm tê liệt tàu với áp lực phun vòi rồng rất dữ dội.

Nhưng tàu kiểm ngư Việt Nam đã bẻ lái tránh không cho các vòi rồng phun trực tiếp vào cabin. Phạm vi xảy ra việc tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam chừng 2 hải lý.

Các tàu hải giám, hải cảnh khác của Trung Quốc tiếp tục chạy áp sát mạn và mũi tàu 926 nhưng vẫn không thực hiện được âm mưu xoáy vòi rồng làm vỡ cửa kính để phun nước vào bên trong thân tàu do tàu kiểm ngư được bọc kính cường lực.

Ngay trong lúc các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, trên trời là ba chiếc máy bay Trung Quốc bay yểm trợ các tàu Trung Quốc và đe dọa các tàu Việt Nam.

Đầu tiên là hai máy bay chiến đấu bay vòng quanh để quan sát, tạo tiếng ồn động cơ lớn, sau đó là máy bay trực thăng với tầm bay dưới 1.000 m.

9h sáng, một tiếng nổ rất to trên nóc tàu, anh em kiểm ngư cho biết ăngten Vinasat của tàu đã bị vòi rồng quật gãy xuống biển.

Tàu Trung Quốc cố tạo bằng chứng giả

Trước sự manh động của tàu Trung Quốc, hai nhân viên kiểm ngư của tàu kiểm ngư Việt Nam là Đỗ Văn Cần và Nguyễn Văn Chinh đã dũng cảm đứng ra trước mũi tàu sử dụng vòi rồng để tự vệ và phun  nước lại phía các tàu Trung Quốc.

Chỉ trong thời gian ngắn, các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc rối loạn khiến các tàu Trung Quốc bị vỡ đội hình và không còn tấn công theo tốp như trước. Tuy nhiên, các tàu ngư chính và hải cảnh của Trung Quốc vẫn tiếp tục xả vòi rồng vào tàu kiểm ngư. Thuyền trưởng đã khôn khéo tránh, không để tàu Trung Quốc phun vòi rồng trực tiếp vào tàu.

Trong vòng hơn một giờ hung hãn tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam, các tàu Trung Quốc dường như cảm thấy các tàu kiểm ngư Việt Nam không hề bị nao núng nên họ rút lui hoàn toàn.

Các tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc thường xuyên chơi chiêu bẫy tàu Việt Nam để tạo dựng chứng cứ tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu kiểm ngư Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc.

Thuyền trưởng Cao Duy cho biết Trung Quốc trước đó họp báo khẳng định rằng các tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc 171 lần nhưng không đưa ra bằng chứng nào, nên họ đang cố tình tìm mọi cách để tạo bằng chứng giả khẳng định tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc.

Tàu Việt Nam hạn chế va chạm

Chiều 12/5, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết các tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám và máy bay Trung Quốc tiếp tục triển khai ngăn chặn lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận giàn khoan HD 981.

Theo thông tin từ Cảnh sát biển Việt Nam tính đến 17h ngày 12/5, nhiều tàu Trung Quốc bám sát các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Cụ thể lúc 8h40 khi cách nam giàn khoan HD 981 khoảng 7 hải lý, tàu hải cảnh Trung Quốc 3401 sử dụng vòi rồng phun nước vào tàu Trường Sa 22 của Việt Nam. Tiếp đó vào 9h, tàu CSB 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam cách giàn khoan HD 981 khoảng 7,3 hải lý phát hiện tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mang số hiệu 534 cách tàu 8003 khoảng 3 hải lý.

Vào lúc 9h21, hai tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh 3411 ở phía sau lái và tàu hải cảnh 3210 ở phía trước mũi tàu CSB 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam từ 300-500 m. Tàu 3411 và một tàu khác của Trung Quốc liên tục bám sát tàu CSB 8003 và CSB 2013 ở khoảng cách khoảng 500 m. Theo hình ảnh được Cảnh sát biển Việt Nam ghi lại, tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước dữ dội nhằm đe dọa, cản trở các tàu của Việt Nam. Tàu Việt Nam đã hạn chế tối đa va chạm nhằm tránh thiệt hại đối với tàu cũng như các cán bộ trên tàu.

Đáng chú ý, vào thời điểm 9h15-9h30 có một máy bay trực thăng B.7112 của Trung Quốc bay hai vòng phía trên tàu CSB 8003 và Trường Sa 22 của Việt Nam với độ cao 250-300 m, khu vực có nhiều tàu Trung Quốc hoạt động.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/607087/tau-trung-quoc-phun-voi-rong-tao-bang-chung-gia.html

Theo Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm