Ông nói: "Chúng ta đều biết tình hình biển Đông diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực, đó là việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD 981 vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta đã nói rõ những hành động và biện pháp mà Trung Quốc đang sử dụng, đó là việc đưa hơn 80 tàu có vũ trang, kể cả tàu quân sự vào vùng biển, dùng vòi rồng, tàu húc vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Các nước đều rất lo ngại trước diễn biến này.
Chính vì vậy, các nước đều bày tỏ sự lo ngại trước tình hình diễn biến phức tạp và mong muốn các bên phải kiềm chế, không đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực và cùng nhau đi vào đàm phán hòa bình trên cơ sở Công ước Luật biển quốc tế 1982 và các tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) và càng thấy được cần nhanh chóng đi đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông để đảm bảo không có các vụ việc đó xảy ra trong tương lai.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Tại hội nghị lần này, các ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông. Có thể nói trong vòng 20 năm qua, đây là lần đầu tiên có một tuyên bố riêng về tình hình biển Đông. Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước ASEAN chứ không chỉ là sự lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến hòa bình và an ninh, tự do hàng hải".
- Sau khi ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình biển Đông, Trung Quốc đã có phản ứng. Xin ông cho biết các nước ASEAN sẽ làm gì với Trung Quốc để tiến tới thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông?
- Trước tiên phải nói rằng quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc có các tuyên bố như DOC từ năm 2002. Năm 2012 các nhà lãnh đạo cũng có tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ngoài ra trong ASEAN cũng có nguyên tắc 6 điểm về vấn đề biển Đông. Có thể nói tuyên bố riêng của các ngoại trưởng vừa qua cũng nhắc lại những thỏa thuận, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuyên bố này cũng được chuyển đến Trung Quốc vì đây là tuyên bố chung của các ngoại trưởng, là tiếng nói chung của các nước ASEAN về vấn đề này.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng VN sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề. Vậy sau những bước ngoại giao song phương giữa VN và Trung Quốc cũng như ngoại giao đa phương, thì bước tiếp theo sẽ là gì?
- Chúng ta mong muốn luôn giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đã, đang và sẽ làm đó là trao đổi với Trung Quốc là thông qua các kênh ngoại giao, để làm sao giải quyết các vấn đề một cách hòa bình. Đương nhiên vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, do vậy chúng ta thực hiện các biện pháp thích hợp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của chúng ta.
- Các quốc gia ASEAN nói gì về vấn đề biển Đông, thưa ông?
- Tại phiên họp của các ngoại trưởng thì tất cả đều nói về vấn đề này dưới các hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy các nước đều quan tâm đến vấn đề biển Đông. Không phải tất cả các vấn đề ASEAN đều được phát biểu, nhưng lần này tất cả các nước đều phát biểu về tình hình biển Đông. Và trong phiên họp hẹp của các nhà lãnh đạo cấp cao cũng như phiên họp rộng thì dưới góc độ này, góc độ kia, đa phần đều đề cập đến vấn đề này. Điểm tựu chung lại của các phát biểu là cần phải tôn trọng và thực hiện pháp luật quốc tế, đặc biệt là thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới xây dựng COC.
- Campuchia nói gì về vấn đề này, thưa ông?
- Tất cả các quốc gia ASEAN đều nói về vấn đề này và Campuchia cũng là một trong số đó. Tuyên bố riêng thể hiện sự đồng thuận của tất cả các nước, trong đó có Campuchia.