'Tử địa' Iraq sau 10 năm chìm trong bom đạn
Đã 10 năm kể từ ngày Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến tranh lật đổ chế độ Saddam Hussein nhưng những gì người dân Iraq nhận lại chỉ là đổ máu, xung đột sắc tộc và đống đổ nát của bom đạn.
10 năm sau khi chiến sự bùng lên trên lãnh thổ Iraq, các nhà lãnh đạo mới của đất nước thừa nhận, Iraq đang dần tan rã dưới áp lực của khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế. 10 năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq, xung đột sắc tộc giữa 3 cộng đồng chính là Shia, Sunni và Kurd trở nên sâu sắc đến mức đẩy đất nước tới sát bờ vực nội chiến.
Iraq tiêu điều vì bom đạn. |
Dường như bộ máy lãnh đạo được dựng lên dưới sự hậu thuẫn của Mỹ hoàn toàn không thể đảm bảo được một Iraq ổn định như thời điểm trước khi chiến sự nổ ra. Đi cùng với đó, hầu như các lãnh đạo người Shia, người Sunnia và người Kurd đều không có niềm tin vào thế hệ lãnh đạo mới, khiến tình hình ngày càng rối như tơ vò.
Trên thực tế, kể từ cuối năm 2011, cuộc khủng hoảng leo thang ở Iraq đã bị thế giới bỏ qua, để chuyển hướng vào những gì đang diễn ra ở Trung Đông – Bắc Phi với đỉnh điểm là cuộc chiến lật đổ chế độ Gaddafi ở Libya và cuộc nội chiến đang ngày càng lan rộng trên lãnh thổ Syria. Thế nhưng, điểm nóng mới không thể làm hạ nhiệt những bất ổn và đổ máu đang ngày càng lan rộng ở Iraq.
Bức tượng Saddam Hussien bị lính Mỹ kéo đổ. |
Nhiều năm liền, Thủ đô Baghdad được xếp vào danh sách những thành phố không đáng sống nhất hành tinh. Hầu như mọi quốc gia đều cảnh báo công dân của họ hạn chế tới thành phố này nếu không thực sự cần thiết. Những vụ đánh bom hay tình trạng căng thẳng khiến gần như toàn bộ Thủ đô Iraq trở nên sứt mẻ, loang lổ.
Dưới chế độ Saddam, nền kinh tế Iraq không thể phát triển bởi những lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt. Thế nhưng, sau khi chế độ Saddam sụp đổ, khoản kinh phí 100 tỷ USD/năm từ xuất khẩu dầu khí không khiến tình hình tươi sáng hơn. Tại chính Thủ đô Baghdad, hầu như không có tòa nhà dân sự nào được xây mới trong khi đồn bốt hay trạm gác mọc lên ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, so với các khu đô thị khác, Baghdad vẫn được coi là “văn minh và sạch sẽ”. Tại Basra, thành phố trung tâm của ngành công khiệp dầu mỏ Iraq, nước thải đọng thành vũng lớn trên đường phố trong khi rác thải sinh hoạt vương vãi khắp nơi bởi chúng chính là thức ăn của những đàn dê được chăn thả bên trong thành phố.
Trẻ em Iraq không còn lành lặn bởi chiến tranh. |
Những khoản thu khổng lồ mất dạng trong khi cuộc sống người dân bị đẩy tới tận cùng của sự bất cập cho thấy tình trạng tham nhũng đang là vấn đề đáng ngại hàng đầu ở Iraq. Thêm vào đó, 1/3 nhân lực đang ở độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm khiến nền kinh tế vốn đã khủng hoảng lại càng trở nên quặt quẹo.
Khi kinh tế, xã hội đều không thể biện minh cho cuộc chiến ở Iraq, vấn đề an ninh là điều còn lại duy nhất. Thế nhưng, ở thời điểm đỉnh cao của chiến sự, có tới 3.000 người Iraq thiệt mạng mỗi tháng trong 2 năm 2006–2007. Sau đó, những vụ đánh bom liều chết liên tiếp xảy ra khắp đất nước, khiến tình trạng trạng bất ổn ở Iraq ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đến nay, Thủ đô Baghdad vẫn là đô thị nguy hiểm nhất hành tinh với hàng loạt những vụ đánh bom, ám sát và bắt cóc diễn ra công khai trên đường phố. Trong khi đó, thế giới gần như đã rất quen thuộc với những vụ đánh bom đẫm máu ở quốc gia này và đang ngày càng bàng quan với những mất mát của người dân Iraq.
Những vụ đánh bom xảy ra thường ngày ở Iraq. |
Khi Chính phủ không thể đảm bảo an ninh cho người dân, họ tự tìm đến các giáo phái để tận dụng sức mạnh đám đông. Công lý không còn thuộc quyền Chính phủ mà thay vào đó, nó nằm trong tay các giáo phái. Một phụ nữ nói rằng: “Nếu xảy ra tai nạn giao thông, vấn đề không phải bạn đúng hay sai mà là bạn thuộc phe phái nào”.
Dù người dân không phải nơm nớp lo sợ khi đi ra đường như dưới thời Saddam Hussien nhưng sự bất lực của lực lượng an ninh khiến cuộc sống người dân chẳng khác biệt hơn là mấy. Trong khi đó, sự tồn tại của các nhà tù bí mật, vốn phổ dụng các phương pháp tra tấn dã man khiến dân chủ, ổn định vẫn rất xa vời với người dân Iraq.
Trịnh Duy
Theo Infonet