Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Từ cuộc khám xét 'vô tiền khoáng hậu' đến làn sóng 'ReTrumplican'

Cuộc khám xét “vô tiền khoáng hậu” của FBI tại Mar-a-Lago khơi dậy làn sóng “ReTrumplican”, đồng thời phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa lẫn trong lòng nước Mỹ.

Ngày 8/8, đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thực hiện cuộc đột kích nhà riêng của cựu Tổng thống Donald Trump - dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida. FBI đã kiểm tra nơi lưu giữ tài liệu, lấy đi nhiều hộp đựng vật dụng.

Ông Trump, người ở New York vào thời điểm xảy ra vụ lục soát, gọi đây là một "cuộc tấn công", cũng như là nỗ lực để ngăn ông ra tranh cử tổng thống vào năm 2024.

Tình hình trên đã khơi dậy làn sóng “ReTrumplican”, từ đó đặt ra suy ngẫm về những mâu thuẫn đảng phái chưa bao giờ nguội lạnh bên trong quốc gia này.

Chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa

Washington Post cho biết sau cuộc đột kích bất ngờ của FBI, chính trường Mỹ đã tạm thời chia thành hai phe. Một bên ủng hộ quyết định của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ, bên còn lại tìm mọi cách truyền tải thông điệp để bảo vệ danh tiếng và uy tín của ông Trump.

Ông Trump từ lâu đã coi FBI như công cụ của đảng Dân chủ. Cuộc đột kích trên đã gây ra phản ứng tức giận của những người ủng hộ ông trong đảng Cộng hòa và các nhóm cực hữu trên chính trường Mỹ.

Đảng Cộng hòa nhanh chóng đặt ra nghi ngờ về vụ khám xét. Sau ông Trump, các quan chức hàng đầu đảng Cộng hòa, từ Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel tới cựu Phó tổng thống Mike Pence hay Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024, liên tục lên mạng xã hội bình luận, lên án cuộc đột kích có động cơ chính trị và xem đây là hành động "vũ khí hóa" Bộ Tư pháp.

kham xet mar-a-lago anh 1

Ông Pence lên tiếng ủng hộ ông Trump sau vụ khám xét hôm 8/8, dù có tin đồn cho rằng quan hệ giữa hai chính trị gia này không còn tốt đẹp như xưa. Ảnh: CNN.

Theo Washington Post, họ hoàn toàn có động cơ cá nhân khi làm điều này. Khi sự chỉ trích đối với FBI càng gay gắt, họ càng có thể thu hút sự chú ý, kể cả việc gia tăng danh tiếng để lôi kéo người theo dõi và ủng hộ.

Ông Trump cũng đặt ra câu hỏi tại sao các cựu tổng thống của đảng Dân chủ - bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên Tổng thống năm 2016 Hillary Clinton - chưa bao giờ bị điều tra kỹ lưỡng như vậy. "Ông Obama và bà Clinton chưa bao giờ bị khám xét, bất chấp những tranh chấp lớn", ông nói.

Một cựu cố vấn của ông Trump nhận định với Politico rằng vụ khám xét có thể trở thành động lực giúp kết nối các phe phái khác nhau trong đảng Cộng hòa. Lúc này, họ có một mục tiêu chung: Phản đối FBI.

Dù vậy, trong nội bộ đảng này cũng xuất hiện nhiều bất đồng.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan đã mô tả hành động công kích của các thành viên khác trong đảng Cộng hòa là “vô lý” và “nguy hiểm”, thậm chí thiếu tôn trọng pháp quyền khi so sánh FBI với Gestapo (lực lượng cảnh sát bí mật do Đức Quốc xã thành lập).

Trong khi đó, Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson bày tỏ quan điểm với CNN vào ngày 14/8: “Nếu đảng Cộng hòa trở thành một bên hỗ trợ việc thực thi pháp luật, FBI cũng nằm trong số các cơ quan đó” và “chúng ta cần rút lại sự phán xét đối với họ”.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney, người thường xuyên chỉ trích ông Trump, cũng lên án tuyên bố của các đồng nghiệp là "đáng thất vọng".

“Tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe các thành viên trong đảng của mình tấn công sự liêm chính của các đặc vụ FBI tham gia cuộc khám xét Mar-a-Lago gần đây”, bà Cheney viết hôm 11/8. “Đây là những bình luận đáng thất vọng, khiến cuộc sống của những viên chức yêu nước gặp nguy hiểm”.

kham xet mar-a-lago anh 2

Hạ nghị sĩ Liz Cheney và một số chính trị gia đảng Cộng hòa bảo vệ FBI sau vụ khám xét. Ảnh: AP.

Từ thuật ngữ “ReTrumplican” đến nỗi bất an trên chính trường Mỹ

Sáng 9/8 (giờ Việt Nam), hashtag #ReTrumplican lọt xu hướng trên mạng xã hội Twitter. Cách chơi chữ đặc biệt và có đôi phần hiểm hóc này nhanh chóng chiếm được sự tò mò từ đông đảo người sử dụng mạng xã hội. Đằng sau hashtag ngắn gọn này là những sóng ngầm mãnh liệt trong nội bộ chính trị nước Mỹ hiện nay.

Từ năm 2017, trang Urban Dictionary đã đưa ra nhiều định nghĩa về “ReTrumplican” và đa phần là không mấy tích cực. Trang web cắt nghĩa thuật ngữ này ám chỉ “những người ủng hộ Trump, bất kể trước đó họ theo đảng Dân chủ, Cộng hòa hay đảng độc lập khác”, và “sự ủng hộ Trump của họ thậm chí vượt quá những giá trị căn bản mà đảng Cộng hòa hướng tới”.

Xét về cấu trúc từ ngữ, “ReTrumplican” được cấu thành từ các bộ phận như sau: Tiền tố “re” thể hiện sự trở lại hoặc một vòng lặp, bên cạnh đó, “re” cũng là tiền tố mở đầu cho “Republican” (đảng Cộng hòa). Tên đảng Cộng hòa cũng được sử dụng trong hậu tố “plican”.

Có thể nhận xét rằng, “ReTrumplican” vừa ám chỉ sự trở về của Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ, vừa ám chỉ rằng đây là dấu hiệu trở về của một đảng Cộng hòa rất “Trump” với những chính sách mang đậm di sản của vị cựu tổng thống.

Trước làn sóng “ReTrumplican”, nhiều người quan ngại việc Trump có thể trở lại đường đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Nỗi lo này chủ yếu đến từ đảng Dân chủ, đảng cầm quyền nhưng đang đối mặt với nguy cơ thua cuộc trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ tới đây. Không loại trừ khả năng đảng Dân chủ có thể “đánh mất” không chỉ một, mà cả hai viện trong cuộc bầu cử cận kề.

Trên CNN, nhà báo Chris Cillizza đã đưa ra đánh giá về ba cái tên dẫn đầu đảng Cộng hòa hiện tại: Ông Trump, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Phó tổng thống Mike Pence.

kham xet mar-a-lago anh 3

Người biểu tình ủng hộ ông Trump sau vụ khám xét của FBI hôm 8/8. Ảnh: Reuters.

Các bang ở Mỹ đang tổ chức bầu cử sơ bộ để lựa chọn ra ứng viên tham gia tranh cử vào tháng 11 tới. Kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ cho thấy ông Trump tiếp tục là một nhân vật quan trọng của đảng Cộng hòa, ngay cả khi ông đang bị điều tra vì vụ bạo loạn ở điện Capitol ngày 6/1/2021.

Ông Pence - dù đã mất lòng tin từ cựu Tổng thống Trump và những người ủng hộ - vẫn “ghi điểm” với thành công đáng kể trong nhiệm kỳ phó tổng thống.

Trong khi đó, ông DeSantis cũng có thành tích ấn tượng khi từng vượt mặt Donald Trump trong cuộc khảo sát tại một hội nghị chính trị bảo thủ được tổ chức tại Colorado hồi tháng 6.

Bản thân đảng Cộng hòa cũng đang gặp nhiều rắc rối chính trị khi phải hạn chế mâu thuẫn nội bộ xoay quanh cuộc điều tra của FBI tại Mar-a-Lago.

Các thành viên của đảng Cộng hòa đang đối mặt với tình thế nan giải khi vừa cần lên tiếng bảo vệ cựu Tổng thống Donald Trump, vừa cần khẳng định rằng luật pháp Mỹ chống lại bất cứ hành vi thu thập thông tin mật khác.

Thêm vào đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã phát động các chiến dịch tranh cử nhằm vào chính sách đảng Cộng hòa “thời hậu Trump” mà DeSantis là một ví dụ tiêu biểu, theo Politico.

Trước mắt, cuộc đua vào Nhà Trắng đối với các ứng cử viên tổng thống mới bắt đầu. Các biến số sẽ còn thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, soi chiếu vào hai cuộc đua - một ngắn hạn, một dài hạn, ta có thể thấy những vết thương hằn sâu trong lòng nước Mỹ chưa bao giờ lành lại.

Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, tư gia cựu tổng thống bị khám xét FBI vẫn chưa lên tiếng dù đã 3 ngày trôi qua kể từ khi bất ngờ khám xét khu nghi dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đảng Cộng hòa chỉ trích lẫn nhau vì vụ khám xét tư dinh ông Trump

Một số thống đốc đảng Cộng hòa đã chỉ trích "những lời hùng biện thái quá" của các thành viên khác về cáo buộc tấn công chính trị nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.

Tin xấu liên tiếp đến với ông Trump và đảng Cộng hòa

Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Minnesota là diễn biến bất lợi mới nhất đến với ông Trump, cho thấy đảng Cộng hòa chưa chắc dễ dàng chiến thắng trong bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Kiều My - Hồng Nga

Bạn có thể quan tâm