Bà Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá chuyến thăm Nhà Trắng năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mở đường cho các sự kiện mang tính biểu tượng và cũng là đỉnh cao trong quan hệ Việt - Mỹ.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần sáng 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM, sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 85 tuổi. Ông là người lãnh đạo chính phủ trong thời kỳ đầu đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới với nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đến Washington D.C. trong chuyến thăm được đánh giá là sự kiện lịch sử đối với quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam từ khi chiến tranh kết thúc.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao kỳ cựu, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Bà từng tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiều chuyến công tác nước ngoài, bao gồm chuyến thăm Mỹ năm 2005. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đối ngoại, bà chia sẻ về quan hệ Việt - Mỹ trước và sau chuyến thăm lịch sử của cố thủ tướng.
- Thưa bà, chuyến đi Mỹ năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn được xem là chuyến thăm lịch sử. Bà có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của nó?
- Đương nhiên chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 mang tính lịch sử một cách khách quan vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam đến một nước gọi là “cựu thù”. Nếu đây không phải là Việt Nam và Mỹ thì đôi khi kể cả chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ cũng không có ý nghĩa đặc biệt như chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Dù sao đi nữa, hai nước đã từng đứng ở hai bên chiến tuyến trong một cuộc chiến ác liệt suốt mấy mươi năm.
- Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ từ năm 1995 nhưng tại sao phải mất 10 năm chúng ta mới có thủ tướng đầu tiên đến Nhà Trắng?
- Quá trình bình thường hóa quan hệ và xác lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Mỹ, đúng là có người cho rằng lâu quá. Nhưng theo quan điểm của tôi thì không phải là lâu, nếu xét đến việc hai nước đã trải qua cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài cả thế giới biết đến, quan tâm đến, thậm chí chia thành hai phe, đấu tranh quan điểm.
Trong toàn cảnh quan hệ Việt - Mỹ, quá trình dẫn đến chuyến thăm của ông Khải, nếu muốn đánh giá là nhanh hay chậm thì cũng như cách người ta nhìn nhận chiếc cốc chỉ có một nửa lượng nước trong đó là “nửa đầy” hay “nửa vơi”. Tức là, với những người thấy quá trình đó là nhanh thì sẽ nói nhìn thấy cốc “nửa đầy”, còn những người thấy chậm thì sẽ nói cốc “nửa vơi”.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Tôi vẫn nhớ năm đó khi trả lời báo Washington Post, ông Khải nói đến vấn đề hai nước hợp tác tình báo về chống khủng bố… Không dễ gì để đi đến bước này khi 10 năm trước hai nước còn chưa có quan hệ chính thức, chưa đặt sứ quán ở thủ đô của nhau.
Cho nên tôi nghĩ rằng phải có không ít chuyển biến nho nhỏ từng bước trong quan hệ song phương mà đôi chúng ta không thấy được thì mới có những bước chuyển lớn hơn, như chuyến thăm này. Ngược lại với những người thấy rằng đây là chiếc cốc nửa vơi thì họ sẽ thấy con đường xích lại gần nhau vẫn còn dài.
- Chuyến thăm có tầm quan trọng thế nào trong toàn cảnh quan hệ Việt - Mỹ, thưa bà?
- Rõ ràng phải có chuyến thăm này thì mới có những bước ngoặt tiếp theo trong năm 2006. Đó là việc Tổng thống Bush (George W. Bush, hay Bush "con" - PV) thăm Việt Nam và dự hội nghị APEC lần đầu tiên chúng ta tổ chức. Tôi còn nhớ lúc đó, hầu như ai nấy đều có cảm nhận rằng chuyến thăm của ông Bush là một sự kiện vô cùng trọng đại với nước ta.
Đương nhiên nếu nói đến ý nghĩa lịch sử thì chuyến thăm Việt Nam năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton cũng quan trọng khi đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ trong thời bình. Nhưng quan hệ Việt - Mỹ lúc đó, phải nói là còn tương đối non; còn đến năm 2006, quan hệ song phương đã tiến thêm nhiều bước.
Từ chuyến thăm của ông Clinton, một người đảng Dân chủ, đến chuyến thăm của ông Bush, một người đảng Cộng hòa, quá trình này cũng khẳng định tính ổn định, vững chắc của quan hệ Việt - Mỹ, cho thấy mối quan hệ được sự ủng hộ của cả hai đảng. Nói cách khác, dù là Dân chủ hay Cộng hòa thì chính quyền ở Washington đều ủng hộ quan hệ với Việt Nam.
Điều đó cũng được thể hiện trong quá trình tiến đến bình thường hóa khi mà hai thượng nghị sĩ, hai cựu binh ủng hộ việc đó mạnh mẽ nhất, John McCain và John Kerry, đến từ hai đảng đối lập nhưng gặp nhau ở mục tiêu bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt.
- Có thể nói quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm này đã chuyển biến rất mạnh mẽ?
- Tôi muốn kể một câu chuyện thế này: Năm 2006 thì tôi đang làm tại quốc hội. Lần đầu tiên Chủ tịch Hạ viện Mỹ, khi đó là ông Dennis Hastert, sang thăm Việt Nam. Đương nhiên, nghị sĩ Mỹ sang một cách đơn lẻ thì tôi đã đón tiếp nhiều rồi, nhưng chuyến thăm của ông chủ tịch hạ viện, một người đảng Cộng hòa, cũng là một sự kiện mang tính biểu tượng.
Tôi còn nhớ khi chuẩn bị cho việc đón đoàn, tôi đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội mình, khi đó là ông Nguyễn Văn An, là đặt trên bàn các khách Mỹ một tấm bảng rất đẹp bằng giấy dó, trên đó in tuyên ngôn độc lập Việt Nam, trong đó có đoạn trích tuyên ngôn độc lập Mỹ được in đậm. Phía khách vô cùng ngạc nhiên vì lần đầu tiên họ biết về việc này.
Tôi kể chuyện trên để thấy rằng chuyến thăm năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mở đường cho những sự kiện mang tính biểu tượng và cũng là đỉnh cao trong quan hệ Việt - Mỹ diễn ra năm 2006. Đến cuối năm 2006 thì chỉ còn vấn đề Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) nhưng chỉ mấy tháng sau cũng xong. Năm 2007 thì chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
- Theo bà, đâu là trở ngại lớn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ ?
- Quan hệ Việt - Mỹ vừa dễ mà cũng vừa khó. Dễ là nói đến Việt Nam thì ở Mỹ hầu như ai cũng biết cả, nhưng khó là từ Việt Nam lại gắn với chiến tranh, với tên một hội chứng gây ám ảnh không phải chỉ một thế hệ người Mỹ. Quá khứ quá phức tạp đó, quá khó khăn đó không phải là đơn giản, không phải là dễ dàng để mà vượt qua.
Tôi vẫn nhớ năm 1993, ông Khải khi đó là phó thủ tướng trong chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi lúc đó là vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao. Hàng năm tháng 9 đến tháng 10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có cuộc thảo luận chung; các nước thường cử tối thiểu là bộ trưởng, hoặc phó thủ tướng, thậm chí thủ tướng hoặc tổng thống sang phát biểu.
Năm đó thì chính phủ cử ông Khải với tư cách phó thủ tướng sang dự họp. Khi sang đó Bộ Ngoại giao Mỹ bố trí lực lượng an ninh bảo vệ đi theo đoàn.
Tôi nhớ khi đang đứng chờ để dẫn trưởng đoàn Việt Nam ra khán phòng dự họp thì có mấy sĩ quan an ninh đứng đó, trong đó có một cậu rất trẻ, khoảng hai mấy tuổi thôi. Tức là khi chiến tranh Việt Nam xảy ra thì có thể cậu ấy cũng chưa biết gì. Tôi mới nói chuyện xã giao, bảo là hai nhà nước chúng ta chưa có quan hệ ngoại giao, chưa bình thường hóa quan hệ…
Mới nói đến đó thì cậu ấy liền đáp “I know why” (Tôi biết tại sao). Tôi ngạc nhiên quá mới hỏi là tại sao thì cậu trả lời: “Because the Vietnam War is the only war we lost” (Vì Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến duy nhất mà chúng tôi thua). Tôi thực sự thấy thú vị vì câu đó được thốt ra từ miệng một thanh niên Mỹ mà lại làm trong ngành an ninh.
Điều này cũng góp phần giải thích cho hình ảnh chiếc cốc “nửa đầy nửa vơi" ở trên, giải thích cho tính chất đặc biệt của quan hệ Việt - Mỹ.
- Chúng ta có những nỗ lực như thế nào để vượt qua trở ngại đó?
- Với người Mỹ, 65.000 người chết trong chiến tranh là ghê gớm lắm, chưa kể những người chưa tìm được hài cốt. Thành ra, chuyện người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam khiến cho quan hệ lúc đó vẫn nóng.
Tôi đã tiếp xúc mấy chục năm với người Mỹ. Tôi quan niệm quan hệ Việt - Mỹ vận hành theo một logic khách quan và khá đặc biệt. Và phải nói là Việt Nam chúng ta vừa rất thực tế, thực dụng vừa rất biết điều với Mỹ.
Còn nhớ năm ấy khi tôi đi New York đến Liên Hợp Quốc, một phụ nữ người Mỹ kể với tôi rằng bà có người anh phi công rơi mất tích ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh. Bà nói bà nghe kể các tỉnh miền Bắc nghèo lắm và bà có thể ủng hộ tiền bạc thế này thế kia.
Ý là gì? Ý là bà ấy muốn chi tiền để chúng ta tích cực tìm kiếm hơn. Tôi mới trả lời bà là chúng tôi rất thông cảm với những gia đình có thân nhân mất tích trong chiến tranh nhưng hiện nay chúng tôi cũng có khoảng 300.000 người mất tích, chưa tìm được hài cốt, con số lớn gấp nhiều lần so với Mỹ. Tôi cũng nói rằng vấn đề hài cốt thân nhân với người Việt còn nặng nề hơn, vì người Việt ngoài coi trọng việc mai táng còn có tập tục thờ cúng người đã khuất.
Phía mình biết là người Mỹ rất coi trọng vấn đề này, biết các giới chính trị của họ dù đảng nào cũng cố gắng thúc đẩy việc tìm kiếm binh sĩ mất tích đặc biệt vì quan hệ với cử tri và chúng ta thực sự đã có nhiều nỗ lực giúp đỡ. Tôi phải nói là với cách chúng ta ứng xử trong vấn đề này thì phía Mỹ không thể chê điểm nào cả.
Nói chung, theo nghĩa nào đó, chúng ta có thể hiên ngang trong quan hệ với Mỹ. Nếu nhìn lại chiều dài quan hệ Việt - Mỹ, xem xét bối cảnh, tính chất mối quan hệ thì Việt Nam đã biết chủ động, biết hy sinh cái nhỏ để có được cái to hơn.
- Trong chuyến thăm Mỹ năm ấy, kỷ niệm nào về Thủ tướng Phan Văn Khải mà bà nhớ nhất?
- Tôi vẫn nhớ một buổi tiệc chiêu đãi mà phía ta chủ trì. Lúc đó ta mời các doanh nghiệp, đối tác kinh tế, học giả các giới và cả cộng đồng gốc Việt.
Trong buổi tiệc ông Khải có nói với cộng đồng người Việt, tôi không thể nhớ rõ từng câu chữ, nhưng đại ý là bây giờ chúng ta hãy cùng hướng về tương lai, những chuyện quá khứ đau buồn thì nên cho nó qua. Ông trực tiếp nhắc đến cái chết của những thuyền nhân, tức những người vượt biên bằng đường biển rời Việt Nam sau tháng 4/1975. Ông nói đây là nỗi đau, nỗi mất mát của cả dân tộc, cả đất nước. Ông nói rằng chắc chắn với những bà con có mặt ở đây thì trong gia đình, dòng tộc cũng có thể đã mất một hai người trong quá trình vượt biên.
Tôi đánh giá cao ông Khải ở chỗ ông đã nói một cách rất thẳng thắn, thật lòng. Tôi nghĩ là những người Việt có mặt trong buổi hôm đó chắc chắn cũng ghi nhận những chia sẻ của thủ tướng.
Phải nói thật là đôi khi các thủ trưởng của chúng ta đi nước ngoài, những diễn văn được chuẩn bị trước thường có phần khách sáo và "khuôn khổ", không dễ đi vào lòng người. Tôi không rõ những câu ông Khải nói đó có nằm trong văn bản chuẩn bị trước hay không. Nếu được chuẩn bị trước thì càng ý nghĩa, là một biểu hiện chính sách cởi mở, sự thay đổi trong cách tiếp cận của chúng ta về vấn đề cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ. Nhưng nếu là thủ tướng nói thêm thì những lời đó lại cho thấy con người của ông, khiến tôi càng quý trọng ông.
- Chắc hẳn bà có không ít lần tiếp xúc cá nhân với cố thủ tướng. Bà có thể chia sẻ điều gì về con người và tính cách của ông?
- Trước năm 1995, tôi không nhớ chính xác là năm 1992 hay 1993 gì đó, tôi có tháp tùng ông Khải đi dự Diễn đàn Kinh tế Davos ở Thụy Sĩ. Tôi cũng tháp tùng ông trong chuyến đi dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Rồi có chuyến đi Nhật Bản nhưng tôi không nhớ rõ năm nào. Rồi chuyến đi Mỹ năm 2005.
Điều đầu tiên ai cũng biết, là ông Khải thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên được đào tạo bài bản về kinh tế của nước ta. Ông từng đi học ở Liên Xô rồi về làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tức là cũng đúng chuyên môn được đào tạo. Xét trên một khía cạnh nào đó, ông Khải là gương mặt kỹ trị đầu tiên trong giới lãnh đạo cao nhất thời bình ở Việt Nam. Trước đó, ông Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) hay những người khác đều là những lãnh đạo xuất thân từ kháng chiến và chủ yếu là cán bộ chính trị. Còn ông Khải là người được đào tạo bài bản về kinh tế.
Thứ hai, ông Khải là một người có đầu óc cởi mở với bên ngoài, với thế giới, không phải là người khép kín hay hướng nội và nói thật là rất sẵn sàng lắng nghe.
Thứ ba là tính cách Nam bộ, ông Khải là người rất thẳng thắn và vui tính. Đó là ngoài công việc, còn trong công việc ông rất nghiêm.
Cuối cùng, tôi thấy ông Khải là một người không hề có điệu bộ quan cách, không gây cảm giác khó gần. Ông thực sự là một người giản dị.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Bỉ và EU năm 2002 (trái) và chuyến thăm Mỹ năm 2005 (phải). Ảnh: NVCC. |
- Trong 10 năm sau bình thường hóa quan hệ, bà đánh giá như thế nào về vai trò của cố thủ tướng đối với việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ?
- Thực sự tôi không dám đánh giá về vai trò của cá nhân ông Khải. Việc này nên dành cho các chuyên gia khác có nhiều hiểu biết hơn tôi.
Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ rằng về logic hình thành chính sách đối ngoại, chúng ta thấy là Việt Nam luôn luôn làm lành với cựu thù. Với người phương Bắc chúng ta đã làm như vậy, với người Nhật chúng ta đã làm như vậy và với người Pháp rồi người Mỹ chúng ta cũng đã làm vậy. Không có một lãnh đạo nào dám đi ngược logic đó vì logic đó giúp con thuyền Việt Nam vượt qua được sóng gió và có thể chung sống với các cường quốc, kể cả những cường quốc xâm lược, gây chiến với mình.
Về mặt tổng thể, đây là chiến lược có logic truyền thống lịch sử Việt Nam. Đương nhiên, qua từng giai đoạn, chuyện làm cái gì trước, cái gì sau, như thế nào thì sẽ có những chính sách cụ thể.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!