Sau 12 năm, nhà văn Phan Thị Vàng Anh mới lại ra mắt bạn đọc thêm một tập tản văn, cuốn Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa. Không còn gai góc, thậm chí cay nghiệt như ở tập đầu tiên (Nhân trường hợp chị Thỏ Bông - bút danh Thảo Hảo); Phan Thị Vàng Anh bây giờ đã đằm hơn, hiền hòa hơn khi nhìn về con người cũng như thế sự.
Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa gồm 19 bài tản văn, được viết rải rác trong thời gian từ năm 2011 đến tháng 1/2016. 5 năm cho một cuốn sách, có lẽ là quá lâu cho những ai vốn yêu thích văn chương của Phan Thị Vàng Anh với những Hoa muộn, Khi người ta trẻ, Hội chợ…; và nhất là không thể không kể đến tập tản văn Nhân trường hợp chị Thỏ Bông.
Dù muốn dù không, cảm giác đầu tiên khi đọc xong Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa, ấy là “không đã”. Bởi, “Vàng Anh nay” đã khác với “Vàng Anh xưa”! “Vàng Anh xưa” là của thời “chị Thỏ Bông” với ngôn từ sắc lạnh, nhiều khi đầy gây hấn. Còn “Vàng Anh nay” thì sao? Hẳn bạn đọc sẽ có gì đó đầy tiếc nuối khi ở Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa không còn bắt gặp các bài viết kiểu như: Tôi cũng muốn ăn cắp, Có đức mà không có tài, Ai khiến mày lạ?, Ai cho mày chê con tao xấu?...
Những dữ dội, tinh quái của “Vàng Anh xưa” theo thời gian đã phải “nhường chỗ” cho một “Vàng Anh nay” đằm thắm, ôn hòa hơn. Không có gì phải ngạc nhiên, bởi đó là quy luật của thời gian, khi mà “đương sự” đã bước vào tuổi trung niên, “bắt đầu nghĩ lo nghĩ về bệnh tật của bản thân”. Biết vậy mà vẫn thấy tiếc!
Tác phẩm mới nhất của nhà văn Phan Thị Vàng Anh. |
Phan Thị Vàng Anh tự nhận mình là “người cưỡi ngựa” (theo câu thành ngữ “cưỡi ngựa xem hoa”) nhưng thực tế, Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa hay 18 bài tản văn còn lại, dù chỉ là những ghi chép nhỏ về những điều mắt thấy tai nghe trong một chuyến “du hí” nước Nhật, vẫn là bài học quý giá về lịch sử, về văn hóa, về di sản. Bài học ấy không dành riêng cho một cá nhân hay một cơ quan nào mà dành cho tất cả mọi người.
Sự thay đổi của Phan Thị Vàng Anh được thể hiện ngay trong bài viết Đi tàu hỏa khi chưa đủ “5 sao”, vẽ nên cái sự nhem nhuốc, lôm côm của ngành đường sắt: Là chuyện trẻ con “khóc như ri”; Chuyện bà mẹ đoảng “cái gì cũng làm đổ ra sàn một tí, từ sữa tới cơm tới cả nước đái con mình”; Hay một ông nát rượu, đã say sẵn từ đâu trước lúc lên tàu. Tất cả đều rất dễ gây ức chế!
Nếu là ngày trước, thời của “chị Thỏ Bông”, trước một vấn đề dễ gây ức chế như vậy, như chuyện một cô giáo bắt 47 học sinh liếm ghế của cô (Cuối cùng là lè lưỡi); thì lúc đó Phan Thị Vàng Anh sẽ làm như thế nào? Đặt trường hợp có con trong cái lớp học ấy, chị sẽ “quật cho cháu nó một trận đến thụt cả lưỡi vào. Bởi vì, cái nỗi xấu hổ có con mất dạy đánh thầy, làm sao bằng nỗi nhục có con ngoan ngoãn liếm ghế cô!”.
Chao ôi! Biết là đanh đá… có thừa mà sao vẫn khoái! Nhưng giờ đây, sự dữ dội (hay dữ dằn) kiểu vậy đã không còn nữa. Chính nhà văn Phan Thị Vàng Anh cũng tự nhận: “Chuyện này đã nhiều người nói. Bản thân tôi cách đây chục năm cũng “sôi sục” viết bài”. Để rồi sau đó chỉ là cái nhắc nhở nhỏ nhẹ: “Chỉ cần được quan tâm hơn một chút, thay đổi đi một chút là đường sắt đã mang một diện mạo khác, lấy lại đúng vị thế của một phương tiện vốn mang lại nhiều mộng mơ cho trẻ con và các nhà thơ, mà không cần lắp thêm hệ thống đèn vàng lẫn những nhân viên xinh đẹp”.
Nói vậy không có nghĩa, tản văn của Phan Thị Vàng Anh đã kém hấp dẫn. Ngược lại, dù không còn kiểu bóc tách vấn đề/sự việc đến tận cùng như thời “chị Thỏ Bông” nhưng lúc này, bạn đọc lại được chứng kiến cách Phan Thị Vàng Anh nhẩn nha về chuyện mình, chuyện người, chuyện đời vẫn đầy thông minh, sắc sảo và nhiều trăn trở. Không khí nhẩn nha ấy có thể bắt gặp trong Về quê trước tết, Một lần gói bánh chưng, Linh tinh quanh chuyện trồng cây, Quanh chuyện sống với người già, Nghĩ ngợi trong lúc dọn nhà… Tất cả có gì đó rất đời thường và bình dị, thêm một chút bình an!
Đọc Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa, rất có thể có bạn đọc sẽ hẫng hụt, hoặc bàng hoàng mà gào lên: “Trả lại chị Thỏ Bông cho tôi!”. Nhưng bạn đọc yên tâm, “chị Thỏ Bông” không đi đâu cả; chỉ là chị ấy đã “có tuổi” nên giờ ngòi bút của chị ấy đành phải nương theo tinh thần “nhỏ nhẹ nhắc nhau”. Ai có tuổi, cũng vậy cả thôi! Nhưng mà, như một đúc kết có từ lâu, rằng “gừng càng già càng cay”. Vậy nên, “chị Thỏ Bông” có tuổi sẽ có kiểu “cay” của “chị Thỏ Bông” có tuổi. Không tin, mời bạn thử!