Khác với bộ ba Những đôi mắt lạnh – Chuỗi hạt Azoth và Xuyên thấm – phần lớn thiên về những thế lực siêu nhiên, bộ ba Máu hiếm, Luật chơi và Hiện thân lại khiến người đọc ám ảnh bởi bí mật ẩn sau những máy móc tối tân và hàng loạt kiến thức vi sinh phức tạp. Thế nhưng, cốt truyện và nhân vật dường như chỉ đóng vai trò vật chứa đựng thứ để tác giả thổi vào một tinh thần, một quan điểm rất riêng.
Bộ ba tác phẩm sci-fi mới của Phan Hồn Nhiên. |
Nhân vật đại diện trong bộ ba cuốn sách luôn là một chàng trai, ở đâu đó giữa những năm cuối cùng của tuổi thiếu niên và những năm đầu tiên của tuổi thanh niên, mang trong mình những bất ổn từ quá khứ, sống dửng dưng và cô độc, trước khi biến cố lớn ập tới và ném anh ta vào giữa một cuộc đi săn. Một cuộc đi săn tàn bạo với anh ta ở vị trí con mồi. Tất cả những hiểu biết của anh ta, những tiện nghi mà anh ta có được, hay niềm tin của anh ta vào khả năng tri nhận thế giới của bản thân đều trở nên vô nghĩa. Cơn hoảng loạn của kẻ bị săn đuổi đánh thức trong tâm trí anh ta thứ bấy lâu nay bị quên lãng – nhu cầu được chia sẻ. Với một ai đó, với cả thế giới xung quanh.
Khác với bộ ba fantasy trước, vốn rất chú trọng sự mở rộng về không gian và thời gian – từ quá khứ đến tương lai, từ chuyến phiêu lưu trong rừng rậm tới cuộc truy đuổi trong thành phố, thậm chí cả sự di chuyển qua các chiều không gian khác nhau… Máu hiếm, Luật chơi và Hiện thân chỉ diễn ra trong một nhóm bối cảnh xác định, không suy chuyển: toà biệt thự với những bí ẩn cất giấu, một chương trình truyền hình thực tế, hay một khu đô thị với những phức hợp cao ốc tiện nghi và hiện đại. Các nhân vật di chuyển, trốn chạy, đào bới trong khoảng giới hạn đã quá quen thuộc ấy để tìm kiếm những bí mật. Những bí mật – giống như điều bất ổn, một khi được biết đến, sẽ khiến mọi thứ ta tưởng đã thuộc như lòng bàn tay trở nên xa lạ. Sự tương phản mạnh mẽ ấy càng nhấn mạnh một vấn đề, một nỗi ám ảnh nhức nhối: vậy con người ở đâu trong thế giới của những tiện nghi tối tân mà họ tạo ra để phục vụ chính mình?
Luôn tồn tại một giới hạn mong manh, giữa được phục vụ và bị chi phối, giữa con người và máy móc, giữa khoa học và sự huỷ diệt, giữa thiên tài và tên bạo chúa… Mới nghe, đó dường như chỉ là thứ xa vời nằm đâu đó trong những phòng thí nghiệm, hay những hội nghị cấp cao. Nhưng trong bộ ba Máu hiếm, Luật chơi và Hiện thân, nhân vật chính là một phần của những mâu thuẫn lớn, bị đặt đến lằn ranh của những lựa chọn. Chính họ, hay cũng chính là những độc giả trẻ, sẽ là người đưa ra quyết định: sẽ để máy móc phục vụ mình, hay bản thân trở thành một kẻ bị chi phối bởi những màn hình điện tử? Một bước tiến mới trong khoa học sẽ là phát minh hay sự huỷ diệt?… Bằng một cách nào đó, các vấn đề đã trở thành một phần của độc giả, của những người trẻ đang sống, chứ không đơn thuần chỉ là những hình ảnh hay câu chữ đọc được trong sách báo hay truyền hình.
Bộ tác phẩm mới tiép tục khẳng định phong cách văn chương riêng của Phan Hồn Nhiên. |
Bên cạnh việc khai thác sâu vào những mặt trái của một xã hội phát triển và những mầm mống của sự mất kiếm soát, Phan Hồn Nhiên vẫn tiếp tục kiên trì với nỗi “ám ảnh” của chị, với “viên đá nền” mà từ đó chị đã xây dựng nên những tác phẩm của mình – sự trưởng thành.
Sự trưởng thành trong bộ ba tác phẩm không chỉ mang hàm ý của việc lớn lên, của sự đương đầu với các thử thách bên ngoài, nó còn là sự chống chọi – với những bất ổn nảy sinh trong chính nội tại một con người. Ba tác phẩm là ba câu hỏi, mà chắc chắn mỗi chúng ta đã không dưới một lần đặt ra trong cuộc đời mình.
Trong Máu hiếm, chàng nhạc công trẻ tuổi buộc phải lựa người phù hợp để đặt trọn niềm tin. Trong Luật chơi, quãng “nghỉ” giữa hai bậc học là lựa chọn của nhân vật chính, mà cậu phải tự chịu trách nhiệm việc nó dần mình đến gần hơn hay xa khỏi những bước tiến quan trọng của cuộc đời. Còn với Hiện thân, phát hiện kinh hoàng về bản thân mình lại khiến nhân vật chính nhận ra những giá trị cốt lõi của con người.
Một cách chỉn chu và ngăn nắp, tỉ mỉ và hiệu quả, bằng ngôn từ và hình ảnh, Phan Hồn Nhiên đã từng lớp bóc tách và chắp nối các sự kiện, để những vấn đề lớn được triển khai, một cách chân thực, và để lại ấn tượng mạnh mẽ “như được khắc lên võng mạc bằng mũi dao nhọn”.
Ý nghĩa của sự kết nối – giá trị của bản thân – ám ảnh về thời gian, đó là ba vấn đề chính, trải đều trong nội dung bộ ba tác phẩm, nhưng cũng là ba câu hỏi giúp một con người tự định nghĩa bản thân mình. Sự tự định nghĩa ấy cũng chính là biểu hiện của trưởng thành – một sự trưởng thành trọn vẹn và xứng đáng.