Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ chàng bán điện thoại dạo đến ông chủ 19 cửa hàng di động

Trong 9 năm, Nguyễn Anh Văn cùng với 2 người bạn đã gây dựng một hệ thống di động uy tín bậc nhất thị trường với 19 cửa hàng cùng nhiều bước đi táo bạo.

Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Anh Văn - người đang nắm trong tay 19 cửa hàng di động trải khắp Hà Nội và TP HCM - là một chàng trai mảnh khảnh, ít nói. 27 tuổi, trông anh giống với một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường hơn là một người đã có 9 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động.

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp với khoảng 100 cửa hàng tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố lớn. Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh công ty trẻ, năng động, hết mình vì khách hàng”, Nguyễn Anh Văn chia sẻ.

Nguyễn Anh Văn hiện sinh sống tại TP HCM cùng với người em song sinh. Hiện tại, phần lớn cửa hàng di động do anh đồng sở hữu tập trung tại đây.

“So với người em song sinh, tôi điềm tĩnh và đôi khi chậm chạp hơn trong việc tiếp cận những cái mới. Do đó, bố mẹ tỏ ra an tâm và tin tưởng ở tôi hơn so với em”, Văn cho hay. Thực tế cho thấy, Anh Văn không chậm chạp chút nào trên một thị trường cạnh tranh khốc liệt như mảng kinh doanh di động.

Từ khi chập chững bước vào nghề buôn bán điện thoại di động năm 2007, đến nay Văn cùng với 2 người khác đang sở hữu một chuỗi siêu thị di động quy mô 19 cửa hàng, trải rộng khắp Hà Nội và TP HCM. Một trong hai người còn lại là Nguyễn Học - người em song sinh của Văn.

Từ sự đam mê "đến kỳ lạ" với những chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng theo như lời thú nhận của Văn, 3 chàng sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương dấn thân vào thị trường với số vốn chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng. Con số này là quá ít ỏi đối với các lão làng ngành di động, nhưng với Văn và hai người bạn khi đó, lại là cả một gia tài.

Vốn ít, 3 chàng trai chọn phương thức bán hàng từ xa. Địa điểm giao dịch có thể tại nhà, quán cafe hay bất cứ nơi nào có thể ngồi trao đổi. Sau 3 năm, cả nhóm mới quyết định mở cửa hàng. Họ chọn Thái Hà (Hà Nội) - phố chuyên bán các thiết bị máy tính, sau này là điện thoại, để mở một cửa hàng nhỏ. Trái với kỳ vọng ban đầu, sau 6 tháng chạy cửa hàng, doanh số không tăng trong khi chi phí kéo nhau đi lên. Sử dụng vốn không hiệu quả do hàng tồn, xử lý bảo hành, dịch vụ sau bán hàng quá tải dù theo Văn, cả 3 người đã "làm quần quật không quản ngày đêm". Khi đó, họ phải đương đầu với nguy cơ phá sản.

Trong lúc khó khăn đó, Văn cùng các bạn gặp được người đỡ đầu - người từ đó về sau cả 3 đều gọi là "mẹ". Người này giúp họ có một số vốn không hề nhỏ cùng những lời tư vấn trong suốt quá trình phát triển. 

Trên thực tế, CellphoneUK - tên gọi khởi nghiệp của cửa hàng do 3 chàng sinh viên làm chủ - thực hiện nhiều bước đi táo bạo, sau đó trở thành hình mẫu để nhiều hệ thống bán lẻ khác học tập. “Be first, always” là khẩu hiệu của các chàng sinh viên năm đó.

Chẳng hạn, Văn cùng các bạn là những người đầu tiên chủ động liên hệ với báo chí khi có sản phẩm mới về nước. “Tôi mất nhiều thời gian và nỗ lực để liên hệ với báo chí nhưng hầu hết không nhận được hồi âm. Tôi tiếp tục thử cho đến khi có một tờ báo hồi âm lại. Tôi phải trực tiếp lên văn phòng của báo để được chụp hình, viết bài đánh giá sản phẩm”.

Văn (ngoài cùng, bên trái) cùng với nhóm làm video công nghệ trong một sự kiện thách đố chơi game Flappy Bird do anh tổ chức.

Sau đó, cái tên CellphoneUK xuất hiện ngày một dày trên các mặt báo. Người dùng trở nên quen thuộc với tên gọi này khi những chiếc điện thoại mới về Việt Nam, như HTC Diamond, Touch Diamond, Ameo, Toshiba TG01 hay những smartphone Android đầu tiên như HTC Magic, Hero, Desire. Cái tên này sau đó được đổi thành CellphoneS, trong đó chữ "S" mang nhiều ý nghĩa mà những người sáng lập muốn gửi gắm. Theo Văn, "S" mang hàm nghĩa là số nhiều trong tiếng Anh, với tham vọng sẽ ngày càng có nhiều cửa hàng hơn. Đồng thời, "S" cũng là strength (sức mạnh), smiles (nụ cười), và hơn hết là tượng trưng cho Việt Nam.

Năm 2012, Văn cùng các bạn tiếp tục lập một kênh video chuyên về sản phẩm công nghệ. Theo đánh giá của nhiều người, chính kênh video này là tiền đề làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu CellphoneS ngày nay. Schanel - tên gọi của kênh video - hiện đã có hơn 200.000 lượt đăng ký, 4 triệu lượt xem mỗi tháng.

Theo Văn, việc “ám ảnh” nhất trong nhiều năm kinh doanh di động của anh là việc cầm đường dây nóng (hotline). “Một ngày tôi phải nghe 100-150 cuộc điện thoại, trả lời tin nhắn liên tục. Nhiều khi ngủ mơ vẫn mở máy và nói lảm nhảm”. Anh cho biết, anh phải lưu tên tất cả khách hàng bằng các ký tự đặc biệt để có thể gợi nhớ lịch sử giao dịch, sản phẩm khách quan tâm.

Hiện tại, khi quy mô kinh doanh lớn hơn nhiều lần, Văn không còn tự tay đảm nhiệm nhiều công việc. Anh cho biết, anh dành nhiều thời gian để đọc sách, gặp gỡ mọi người, đặc biệt là lắng nghe, chia sẻ với nhân viên để họ hoàn thành tốt công việc.

Chân dung 3 người sáng lập ra CellphoneS (Văn đứng ngoài cùng bên phải, ngoài cùng bên trái là người anh em song sinh - Nguyễn Học).

Nguyễn Anh Văn cho hay, nếu không theo con đường kinh doanh, anh có thể đã theo nghề “gõ đầu trẻ”. Trên thực tế, trong 2 năm cuối vừa học vừa làm, Văn vẫn không nguôi ý định đó. Anh gần như đã đạt được một nửa chặng đường khi nhận được học bổng dành cho top 1% sinh viên xuất sắc nhất trường. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định là khi ra trường, anh bị công việc cuốn theo. “Tôi không thể bỏ lại những người đã đồng hành cùng mình trong suốt thời gian dài nên quyết định chọn con đường kinh doanh”.

“Trước đây, bố mẹ rất muốn 2 anh em theo sự nghiệp học hành và từng tự hào về thành tích học tập của chúng tôi. Khi theo đuổi công việc kinh doanh, bố mẹ vẫn ủng hộ nhưng kèm theo đó là lo lắng và lấy làm khó xử khi người thân hỏi về công việc của con cái. Bản thân bố mẹ cũng không hiểu rõ đó là công việc gì”. Anh cho hay, do đặc thù công việc hiện tại, một năm 2 anh em chỉ có thể gặp bố mẹ 2-3 lần khi về quê - một huyện xa xôi của tỉnh Thái Bình.

Thành Duy

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm