Cô gái xinh đẹp được mệnh danh ‘nữ hoàng tên miền’ Việt
Từng phải bán nhà, ô tô để duy trì những tên miền đã đăng ký, Lê Thúy Hạnh đang sở hữu khoảng 3.000 địa chỉ "hot".
Được giới truyền thông gọi với cái tên “nữ hoàng tên miền”, Lê Thúy Hạnh - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần truyền thông trực tuyến Micronet - hiện đang sở hữu khoảng 3.000 tên miền. Trong số đó, có những tên miền .vn của một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, hay một số tên miền được rất nhiều người quan tâm như batdongsan.vn, nguoimau.vn, doanhnghiep.vn...
Chia sẻ về niềm đam mê của mình, chị cho biết, từ lâu nhà nước Việt Nam coi tên miền là tài nguyên quốc gia, có một thời gian nghiêm cấm giao dịch, chuyển nhượng. Tuy nhiên hiện tại, chính sách cấm đã không còn và đang chuẩn bị bước sang giai đoạn hình thành thị trường tên miền Việt Nam.
Vậy tên miền thực sự có ý nghĩa như thế nào trong thời đại số? Tại sao các quốc gia lại giao dịch tên miền với giá hàng triệu USD?
“Tên miền là tài nguyên quốc gia”
Chị Hạnh cho biết, trong khi thị trường tên miền đã trở thành một khái niệm phổ thông tại một số nước phát triển, thì ở Việt Nam, lĩnh vực này mới ở trong giai đoạn khai phá. Người dùng Việt mới chỉ bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về tên miền, trong khi các doanh nghiệp vẫn chưa có những “quy hoạch” chuyên nghiệp về tên miền.
"Tên miền là tài nguyên quốc gia". |
Với Lê Thúy Hạnh, tên miền giống như một thứ tài nguyên quý giá mà nếu mất đi, rất khó có thể lấy lại. Chị cho biết, nếu như các tập đoàn, các công ty lớn trên thế giới chọn cách “bao vây” những tên miền có liên quan đến thương hiệu của họ, thì các công ty Việt gần như chỉ tập trung vào một tên miền duy nhất.
Điều này, theo chị Hạnh, là vô cùng nguy hiểm, bởi chỉ cần một người thiếu hiểu biết nào đó đăng ký sử dụng tên miền có liên quan, sau đó phát tán những thông tin sai sự thật về công ty, hậu quả của nó sẽ là khôn lường. Theo chị, tên miền cũng giống như móng nhà. Nếu như móng không chắc, việc nâng cấp ngôi nhà sau này, chính là xây dựng nội dung trên website, là điều vô cùng khó khăn. Do đó, những người như chị đóng vai trò như một kiến trúc sư ảo, quy hoạch những tên miền đó theo một trật tự hợp lý, gìn giữ thứ mà chị gọi là “tài nguyên”, tránh để chúng lọt vào tay các đối tác nước ngoài, sau đó bị thổi giá lên rất cao.
Lê Thúy Hạnh đưa ra một ví dụ điển hình cho tinh thần chuyên nghiệp, tự bảo vệ thương hiệu trên môi trường Internet là tập đoàn Temasek Holdings, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore. Trước khi thâm nhập thị trường Việt Nam, họ đã đăng ký hàng trăm tên miền .vn với chi phí hàng trăm triệu đồng.
Theo chị Hạnh, tên miền không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, mà còn đặc biệt quan trọng với quốc gia. Ví dụ như, tên miền của các thành phố lớn, địa danh lịch sử, tên của các vĩ nhân, tên của các tập đoàn lớn… Đó là những tài sản của Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao tên miền Korean.com được giao dịch với giá lên tới 5 triệu USD.
Nhắc đến chủ đề kinh doanh tên miền, chị Hạnh thừa nhận đây là một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chẳng hạn với một tên miền liên quan đến xe đạp điện, bán rẻ cũng được khoảng 50 triệu đồng, trong khi chị chỉ mất khoảng hơn một triệu tiền đăng ký và duy trì tên miền đó trong khoảng một năm.
Tuy nhiên, cũng có những thời điểm, chị phải bán cả nhà, cả ô tô để có số tiền khoảng một tỷ đồng mỗi năm để duy trì những tên miền đã đăng ký. Lê Thúy Hạnh cho biết, đó là những thời điểm chị phải chịu áp lực ghê gớm, bởi rất có thể chính những tên miền mà chị cho là rất có giá trị đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
“Mọi người gọi tôi là nữ hoàng tên miền”
Một buổi trò chuyện ngắn với Lê Thúy Hạnh đã giúp gợi mở thêm một số điều thú vị về người phụ nữ trẻ được mệnh danh là “nữ hoàng tên miền” này.
- Danh hiệu "nữ hoàng tên miền" gắn bó với chị từ khi nào?
- Bắt đầu từ năm 2009, khi tôi tham dự một câu lạc bộ mang tên “Sống với đam mê”. Đến lượt mình lên giới thiệu về bản thân cũng như công việc hiện tại, có một anh bạn bỗng dưng giới thiệu “đây là nữ hoàng tên miền”. Tôi thấy cái tên đó cũng lạ và hấp dẫn.
Sau đó, chính anh bạn, giờ là chủ tịch một hiệp hội bất động sản tại Hà Nội, đã đi giới thiệu với mọi người về “nữ hoàng tên miền”. Từ đó, bạn bè, giới truyền thông, báo chí đều gọi tôi là “nữ hoàng tên miền”.
- Thời điểm đó, chị sở hữu bao nhiêu tên miền?
- Khoảng gần 2.000.
- Có những thời điểm chị ăn cùng tên miền, ngủ cũng tên miền, còn hiện tại thì sao?
- Tên miền đóng vai trò là một chiếc chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa Internet, cũng là mảnh đất màu mỡ nhưng chưa nhiều người khám phá, hoặc khám phá đến giữa chừng thì bỏ cuộc. Đó là một tài nguyên, tài sản số. Không chỉ mình tôi, các cộng sự của tôi đều “ăn tên miền, ngủ tên miền”. Trước đây như vậy, bây giờ vẫn vậy.
- Người ta nói, đầu tư tên miền cũng giống như đầu tư bất động sản. Chị thấy ý kiến đó thế nào?
- Tên miền, bất động sản, vàng bạc, hay bất cứ thứ gì khác đều là một mặt hàng kinh doanh. Chúng đều có những tính chất giống nhau, đều vận động theo quy luật của thị trường. Nếu như bất động sản đang ở trong giai đoạn chững lại thì thị trường tên miền tại Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn “khám phá” và có rất nhiều tín hiệu tích cực.
Nhiều giao dịch đã được thực hiện. Giá trị giao dịch lớn lên đến hàng chục ngàn USD. Những câu hỏi như tên miền là gì, tên miền có vai trò gì đang được đặt ra ngày một nhiều. Nhiều câu lạc bộ tên miền đã được hình thành và thảo luận sôi nổi trên Internet.
- Tên miền đắt giá nhất mà chị từng bán có giá bao nhiêu?
- Đã từng có người đặt giá 2 tỷ đồng cho một tên miền của tôi. Tên miền đó là gì thì tôi xin phép được giữ bí mật.
- Ngoài biệt danh "nữ hoàng tên miền", người ta còn gọi chị với biệt danh nào khác?
- Ngoài “nữ hoàng tên miền”, người ta còn gọi tôi là “cô gái tiếp thị số”. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc vì biệt danh này. Nếu như 5 năm trước đây, hầu như chưa ai chú ý đến lĩnh vực tiếp thị số thì hiện tại, người người nhà nhà đều quan tâm đến tiếp thị số và cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng. Đó là bước đầu xây dựng hình ảnh, uy tín và sự cam kết trên thế giới Internet.
Sắp tới, tôi chú trọng tới truyền thông cho việc xây dựng môi trường tôn trọng bản quyền số tại Việt Nam. Bởi khi và chỉ khi có bản quyền số, thì các doanh nghiệp làm ăn trên môi trường Internet mới tồn tại và phát triển bền vững được.
- Có những rào cản gì trong việc kinh doanh tên miền tại Việt Nam hiện tại?
- Nếu như các nước phát triển đã có đầy đủ những cơ chế, chính sách về việc kinh doanh tên miền thì tại Việt Nam, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều những sự định hướng, những quy định một cách rõ ràng. Do đó, tôi và những người kinh doanh tên miền nói chung đều đang hoạt động một cách “cầm chừng” để chờ đợi một thứ gì đó rõ ràng hơn.
- Nữ hoàng tên miền trong công việc khác gì so với một Lê Thúy Hạnh của gia đình?
- Tôi không cho rằng có sự khác biệt ở đây. Không giống như một số người, tôi không tách biệt gia đình và công việc. Tôi muốn có một sự hài hòa và sống thật với bản thân mình tại mọi thời điểm.
Thành Duy
Theo Infonet