Câu nói này mô tả chính xác chiến tích của Việt Nam trước đội ĐKVĐ châu lục. Nhật Bản – đội hạng 9 thế giới, 3 lần vô địch châu Á và 3 lần dự World Cup thật sự là gã khổng lồ của futsal châu lục. Còn Việt Nam xếp hạng 44, mới chỉ có 4 lần dự giải châu Á, trong đó có 2 lần tổ chức trên sân nhà.
Nhưng kết quả đã đi ngược lại với logic thông thường. Đội hình Nhật Bản phần lớn là những cầu thủ được đào tạo chuyên về bóng đá trong nhà (futsal). Trong số này, có 3 người đang thi đấu ở nước ngoài. Còn Việt Nam, số người được ăn tập môn này từ nhỏ chỉ đểm trên đầu ngón tay. HLV Trương Quốc Tuấn của đội trẻ Thái Sơn Nam cho biết: "Nếu nói cầu thủ futsal đúng chuẩn trong đội hình tuyển Việt Nam tôi biết chỉ có 3 người là Minh Trí, Ngô Ngọc Sơn và Lê Quốc Nam".
Số còn lại chuyển từ bóng đá 11 người hoặc phong trào qua. Đội trưởng Nguyễn Bảo Quân xuất thân là từ lò đào tạo của Thể Công, đội phó Trần Văn Vũ chơi phong trào khi đang là sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM, hay Trần Long Vũ vốn học chuyên ngành thiết kế của Đại học Văn Lang...
Phùng Trọng Luân là nhân viên tiếp thị cà phê trước khi chuyển sang chơi chuyên nghiệp khi đã 24 tuổi. |
Đặc biệt như trường hợp của Phùng Trọng Luân - người thực hiện cú đá luân lưu quyết định, bởi anh vốn là nhân viên tiếp thị tại thành phố Nha Trang, chơi bóng chủ yếu cho vui. Bén duyên từ một giải đấu phong trào năm 2009, cầu thủ sinh năm 1985 này tập luyện để theo được futsal chuyên nghiệp suốt 7 năm qua.
Nền tảng, xuất phát điểm của học trò không tốt nhưng ông Bruno đã thay đổi họ thành công. Từ chỗ thi đấu thiếu bài bản, đá rập khuôn, các cầu thủ đã thích ứng với những chiến thuật hiện đại của thế giới, thể lực nâng lên đáng kể, xử lý tình huống đúng chuẩn futsal hơn...
Chiến tích của futsal Việt Nam mang đậm dấu ấn của HLV người Tây Ban Nha này. Khi sang Việt Nam nhận việc tháng 3/2014 ông đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu giúp đội cải thiện thành tích ở châu lục và xa hơn là lọt vào top 4. Sau hai năm, ông đã thực hiện được cam kết của mình, khiến những đối thủ nhìn futsal Việt Nam với ánh mắt nể trọng.
Bruno Formoso từng là thành viên của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (REEF), phụ trách riêng mảng futsal. Học trò của ông có nhiều người VĐTG, EURO cùng tuyển Tây Ban Nha. Mùa 2011-2012, ông nhận danh hiệu Ramon Cobo - dành cho HLV hay nhất Tây Ban Nha.
Nhờ có ông, các tuyển thủ Việt Nam mới thật sự tiếp cận những bài bản futsal hiện đại, chiến thuật nhuần nhuyễn, trình độ, bản lĩnh thi đấu được nâng lên rõ rệt. Ông luôn chuẩn bị chiến thuật rất kỹ cho từng trận đấu để các học trò ứng phó với những tình huống xảy ra trên sân.
Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng người, vị HLV người Tây Ban Nha đã có những điều chỉnh hợp lý khi gặp Nhật Bản. Tân binh Thái Huy - cầu thủ hay nhất Giải futsal quốc gia 2015 được ông trọng dụng và chính anh là người gỡ hòa 4-4 ở hiệp phụ. Đến loạt sút luân lưu, ông không để thủ môn chính Nguyễn Văn Huy bắt mà đưa Nguyễn Đình Ý Hòa vào sân. Ở lần đầu tiên tham dự giải châu lục, thủ môn trẻ của Sanna Khánh Hòa không hề bị "khớp" mà xuất sắc cản phá cú đá của Nibuya, tạo tiền đề cho đồng đội định đoạt trận đấu.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào Morioka, chân sút năm nay đã 36 tuổi. |
Chiến thắng của futsal Việt Nam cũng là thành quả của sự chuẩn bị chu đáo. Đội sang Uzbekistan từ hôm 27/1 và có gần nửa tháng ăn tập cho trận đấu đầu tiên. Nhờ đó, họ sớm thích nghi về khí hậu, thời tiết cũng như có thời gian để quan sát các đối thủ.
Càng vào sâu trong giải, sự gắn kết trong lối chơi của đội ngày càng tăng lên. Với 10 trong số 15 người thuộc biên chế của Thái Sơn Nam – CLB đứng hạng 3 giải châu Á 2015, dễ hiểu tuyển Việt Nam càng chơi càng "thuộc bài" đến thế.
Chiến tích lớn của futsal Việt Nam khá bất ngờ, nhưng điều đó đến từ sự đầu tư bền bỉ, đúng định hướng, trong đó có công lớn của ông bầu Trần Anh Tú. Một mình ông xuôi ngược khắp nơi, gây dựng phong trào hơn 10 năm nay để rồi gặt hái quả ngọt ngày nay.