Ở tuổi ngoài lục tuần, Hồ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Trangs Group vẫn tin vào cái gọi là số phận khi đưa ông từ một cậu bé chăn trâu thành tỷ phú nhờ kinh doanh chả giò. Tuy nhiên, với ông, số phận có thể mở ra những cánh cửa khác nếu con người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên, và nếu không thể chọn hoàn cảnh thì quyết tâm chính là chìa khóa để thay đổi hoàn cảnh…
Không có gì là trễ
Ngày sinh trùng với ngày mất của cha, lớn lên trong khó nghèo cùng mẹ và chị ở miền Trung, Hồ Văn Trung không bao giờ nghĩ mình có thể trở thành ông chủ của một tập đoàn sản xuất thực phẩm đóng gói có mặt từ Âu sang Á như ngày hôm nay, nhưng ông luôn nghĩ mình sẽ phải thành công.
Ông Hồ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Trangs Group. |
Niềm tin ấy đã dẫn lối cho ông để từ một cậu bé chăn trâu thuê thành chủ tịch tập đoàn, dẫu không ít lần phá sản lẫn nợ nần. Hành trình gian nan ấy của ông đã được ghi lại trong tự truyện Gian truân chỉ là thử thách.
- Đã có nhiều doanh nhân thành đạt các nước viết tự truyện kể về cuộc đời mình và không ít những tập sách trong số ấy đã xuất bản ở Việt Nam, thêm một tập sách tương tự ký tên Hồ Văn Trung để ghi dấu điều gì, thưa ông?
- Tôi có đọc hồi ký của những người thành đạt và nổi tiếng trên thế giới bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng việc viết hồi ký của tôi và của họ có thể có mục đích giống nhau và cũng có thể khác nhau.
Tôi viết sách để kể lại câu chuyện thật về một hành trình đầy gian truân của đời tôi, cho các con tôi biết về xuất phát của ba mẹ, và điều quan trọng nhất là tôi muốn để lại cho thế hệ sau một niềm tin, khuyến khích và thúc đẩy họ đừng đầu hàng số phận.
- Viết tự truyện cũng là thời gian mà tác giả phải nhìn lại hành trình đã qua. Có bao giờ ông cảm thấy đau đớn khi nghĩ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ của mình?
- Tôi có một cuộc đời đáng sống và đáng tự hào. Chưa bao giờ tôi mặc cảm bởi sự nghèo đói, mà ngược lại, tôi xem đó là một điều may mắn bởi chính nhờ gian khó mà tôi mới nên người. Nhìn lại cuộc đời nổi trôi theo vận nước của mình, tôi lại thấy mình vinh hạnh khi có thể trở thành chứng nhân, ghi lại cho thế hệ trẻ một giai đoạn lịch sử mà những thanh niên yêu nước đã sống và nghĩ như thế nào.
Sau khi sách xuất bản, tôi đã nhận được hàng ngàn e-mail chia sẻ, đồng cảm và cám ơn từ các bạn trẻ vì đã cho họ niềm tin. Họ đã so sánh về những gì đang có và so sánh với hành trình mà tôi đã trải nghiệm để thấy rằng họ phải đứng dậy và tiến lên. Chừng ấy cũng đã giúp tôi biết việc làm của mình là có ích.
- Từ một cậu bé chăn trâu trở thành tỷ phú là câu chuyện dài. Vậy, mốc thời gian nào khiến ông nhớ nhất?
- Ngẫm lại hành trình đã qua, mỗi giai đoạn là một cột mốc thay đổi cuộc đời tôi. Có lúc cay đắng khi ngập trong đói khổ, nợ nần, có lúc "lên mây xanh" khi thành công và tiền bạc đến cùng lúc, nhưng nhìn lại hành trình đó tôi thấy đẹp nhất và nhớ nhất là những ngày tháng của tuổi ấu thơ với hạnh phúc rất giản dị.
Như việc ấm áp, bình an lúc ngủ nệm rơm và đắp bao bố khi mùa Đông về. Kỷ niệm đó không thể phôi phai trong lòng tôi, bởi cảm giác ngủ ở khách sạn 7 sao không thể so sánh với ngủ nệm rơm và đắp bao bố.
-Hình như ông bắt đầu kinh doanh hơi trễ so với tuổi?
- Tôi nghĩ không có lứa tuổi nào gọi là trễ. Đó chính là niềm tin giúp tôi có thể bắt đầu toàn cầu hóa Công ty khi tuổi đời đã trên 50, cũng như trở lại lớp học để học tiếng Pháp.
Tôi thấy rằng mình càng học, càng làm thì càng hứng thú bởi biết những gì mình đang lĩnh hội rất bổ ích cho chính mình và cho xã hội nữa. Sự thành đạt không phải chỉ đo lường bằng tiền hay vật chất nên lúc nào mình còn hăng say, còn đam mê thì chẳng có gì gọi là trễ.
Cơm áo không là chuyện đùa
Đam mê nhất của Hồ Văn Trung là sách báo và nghiên cứu khoa học, nhưng hoàn cảnh đẩy đưa khi tới Úc, đối diện với gánh nặng cơm áo và áp lực phải gồng gánh gia đình, ông quyết định gia nhập thương trường.
Ngày đó, rời Việt Nam cùng vợ sang Úc định cư, đôi vợ chồng trẻ phân công công việc cụ thể: vợ đi rửa bát cho nhà hàng kiếm tiền nuôi chồng ăn học để thoát khỏi cảnh lao động chân tay bởi bằng cấp của chồng ở Việt Nam không được chấp nhận.
Thấy vợ cực khổ, Hồ Văn Trung không cam lòng. Khát vọng kinh doanh bắt đầu nhen nhóm khi ông được chính ông chủ nhà hàng ấy khuyên nên đến với nghiệp bán buôn. Gom góp vốn liếng rồi vay thêm bạn bè, hai vợ chồng mua lại được một nhà hàng của người đồng hương. Ai ngờ, niềm tin lẫn hy vọng của cả hai bị mất sạch khi mà nhà hàng ấy "đính kèm" những khoản nợ khổng lồ phía sau.
Mất trắng khoản tiền ky cóp trên xứ người, vừa phải liên tục đối mặt với những đơn đòi nợ mà chủ cũ nhà hàng gây nên không làm ông nản chí. Tiếp tục vay mượn bạn bè, Hồ Văn Trung mở được nhà hàng đầu tiên, mở ra một vận hội mới cho sự nghiệp của mình...
- Ý chí vượt khó của ông vốn cao nhưng ngay khi bước vào kinh doanh đã đối mặt với thất bại, tinh thần vượt khó ấy có đủ sức giúp ông lấy lại thăng bằng?
- Đối mặt với một cú lừa quá lớn ngay khi bắt đầu kinh doanh, tôi không tránh khỏi hoang mang. Kể cả bây giờ, sau 32 năm, vợ tôi gặp lại người đã lừa mình vẫn chưa nguôi cơn giận, nhưng nghĩ lại những gì mình đã đi qua, tôi lại tin mình có thể đi tiếp.
Niềm tin là chìa khóa, là động lực và là điểm tựa cho tôi quyết tâm thoát nghèo và để giúp má ở quê nhà. Tôi vẫn nhìn thấy cơ hội còn nhiều và lại xắn tay vào làm, dẫu đó là việc xây lại từ đầu cả một hành trình dài. Nghĩ lại, cú lừa ấy cũng đã giúp tôi biết kỹ lưỡng hơn với những thương vụ sau này.
Tôi chú tâm vào kinh doanh và quản lý nhà hàng chặt chẽ hơn. Nhờ mình cố gắng, cũng nhờ thêm bạn bè giúp sức giới thiệu, nhà hàng của tôi được nhiều người biết đến. Việc kinh doanh từ đó cũng thuận lợi hơn. Bài học từ thất bại luôn có giá trị khi đã bước qua được thất bại ấy.
- Thông thường, khi đã có những thành công nhất định, việc "nhân bản" mô hình kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được sự nghiệp, nhưng hình như ông không chọn phương án này?
- Việc làm ăn thuận lợi cũng là lúc chúng tôi có đứa con thứ hai và đứa lớn vào tiểu học. Thời gian dành cho con cái tỷ lệ nghịch với sự phát đạt trong kinh doanh khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Sau nhiều băn khoăn, tôi quyết định sang châu Âu và Mỹ đề học hỏi và tìm kiếm cơ hội. Chuyến đi ấy đã mở ra hướng đi sau này cho sự nghiệp của tôi.
- ... Là kỹ nghệ hóa thực phẩm, thưa ông?
- Đúng vậy! Texas, Mỹ, là nơi tôi tìm được đáp án. Phải đi theo con đường kỹ nghệ hóa thực phẩm thay vì chỉ kinh doanh hạn hẹp ở địa phương. Ý nghĩ ấy thật lớn so với khả năng và tiềm lực tài chính của tôi lúc ấy, nhưng tôi vẫn quyết định thử sức.
Bán nhà hàng, gom góp tiền bạc, viết đề án kinh doanh rồi gõ cửa ngân hàng. Đó là quyết định rất lớn trong cuộc đời tôi bởi nếu thất bại, gia đình sẽ trở lại những ngày tay trắng trên xứ người.
Vợ tôi vẫn tin tưởng, ủng hộ, dù gia đình, bạn bè can ngăn. Năm 1985, thêm sự ủng hộ của giám đốc ngân hàng địa phương tôi sống lúc ấy, Trangs Foods đã ra đời. Để giảm thiểu chi phí, từ hệ thống cống rãnh, điện đóm đến máy đánh bột, máy chiên... tôi đều tự chế.
Cứ tưởng mọi việc suôn sẻ, nào ngờ, không có kinh nghiệm trong chế biến thực phẩm đông lạnh, sản phẩm của chúng tôi bị trả về. Một lần nữa, hai vợ chồng lại đối diện với trát đòi nợ đến rát mặt.
- Cách giải quyết của ông là...?
- Còn có thể làm gì hơn là sửa sai, tiếp tục học hỏi để tìm ra cách khắc phục. Cũng may, trong hành trình này, tôi đã gặp được những nhà phân phối nên sản phẩm của Trangs Food vào được các siêu thị lớn ở Úc như Woolworths, Franklins, Coles.... Công việc kinh doanh từ đó mà đi lên, việc triển khai máy móc tự động hóa cũng bắt đầu.
Ký ức với chả giò
Kinh doanh là chính nhưng nghiên cứu khoa học mới là đam mê của Hồ Văn Trung. Xuất phát từ công việc của mình, ông đã sáng chế ra máy làm chả giò tự động đầu tiên trên thế giới.
Mất ba năm tìm tòi phương án sản xuất tự động hóa mặt hàng chủ lực của Công ty, ông mới đến được thành công. Thành tựu của ông là một hệ thống liên hoàn làm bánh tráng, làm nhân, bỏ nhân, xếp và cuộn trung bình 45 cuốn chả giò/phút.
- Chả giò có ý nghĩa thế nào với ông?
- Chả giò bây giờ trở thành một cái tên gần gũi với tôi lắm, có thời nó gắn bó đến nỗi bạn bè gọi tôi là "Trung Chả giò” thay vì "Trung Huế” để phân biệt với người khác. Nói ra thì tức cười, bởi tôi không biết đến lúc bao nhiêu tuổi mình mới ăn được cuốn chả giò, vì hồi đó nhà tôi nghèo lắm, cơm còn không có ăn...
- Vậy, việc sở hữu danh hiệu "người đầu tiên làm nên hệ thống cuốn chả giò tự động" có khiến ông tự hào?
- Như đã nói, tôi đam mê khoa học, do đó khi ở trong môi trường thích hợp thì tôi phát huy được khả năng của mình. Động lực phải thành công là đòn bẩy thúc đẩy tôi phải tìm cách để làm ra máy tự động.
Tôi rất tự hào với thành quả này vì nhờ đó mà việc làm ăn của tôi được hanh thông. Tôi tự hào vì mình đã làm bằng trí tuệ với niềm tin và quyết tâm của một người Việt sống trên nước Úc.
- Việc tự thiết kế dây chuyền sản xuất thay vì đặt hàng các đơn vị có chuyên môn có còn hợp với bối cảnh hiện nay không, theo ông?
- Với thời đại toàn cầu hóa bây giờ, việc làm ăn không còn thu gọn trong câu "nhất nghệ tinh nhất thân vinh nữa" mà phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, do đó, việc phối hợp giữa khoa học, công nghệ và thị trường phải cùng song hành.
Việc kinh doanh thành công hay không dựa vào hai yếu tố là sản phẩm và thị trường. Quả thật, nhờ máy móc tốt mà Trangs Food tiến được ra thị trường toàn cầu.
- Thành công ở Úc và cả trong hành trình phát triển Trangs Group ra Anh, Mỹ, Trung Quốc, một số nước châu Âu, và cả Việt Nam, nhưng ông vẫn mất 2 triệu USD khi thâm nhập thị trường châu Phi...?
- Tôi đã thất bại vì yếu tố con người và vì thiếu sự nghiên cứu văn hóa kinh doanh của người bản xứ, thực trạng của những đất nước đang phát triển. Sự lựa chọn con người rồi đặt đúng vị trí rất là quan trọng trong kinh doanh.
Tôi thất bại ở Phi châu khi bắt đầu kế hoạch toàn cầu hóa nhưng vẫn trụ được bởi vì tôi có niềm tin, và có hậu cần vững mạnh tại Úc. Thị trường châu Phi vẫn được xem là đầy tiềm năng cho các tập đoàn lớn.
Tôi sẽ tiếp tục nhưng không phải là thử sức nữa mà phải thành công. Hội nghị hằng năm của Tập đoàn luôn đề cao chiến lược Phi châu, tuy nhiên, tôi dành cho thế hệ trẻ hiện đang lãnh đạo Tập đoàn thực hiện.
- Với sức lực và tuổi tác như hiện nay, ông vẫn còn nhiều thời gian để cống hiến, ông đã quyết chọn việc đứng ngoài Trangs Group rồi sao?
- Tôi quyết định rút lui vào lúc tuổi đời chưa bắt buộc và sức khỏe thì vẫn còn để làm việc. Cố gắng của tôi cuối cùng cũng để lại cho con cái và xã hội, trước hay sau gì cũng phải chuyển giao, nên tôi quyết định rút lui khi mình còn minh mẫn, khi mình còn có thể "nhúng tay vào" nếu có trở ngại xảy ra.
Rút lui là để tạo cơ hội cho lớp trẻ thể hiện tài năng và đó là trách nhiệm và tương lai của chúng. Tôi rút lui để có thì giờ trả lại những kiến thức cũng như những ân tình mà xã hội đã cưu mang tôi.
- Như việc ông trao học bổng cho học sinh nghèo và thành lập Trang Foundation?
- Tôi chắc chắn rằng những người trẻ đang lãnh đạo Trangs Group rất mong muốn đóng góp cho xã hội. Họ quyết định trích một phần từ lợi nhuận để vận hành Trangs Foundation. Tôi là người thực hiện tấm lòng đó cho học sinh, sinh viên và những người nghèo khó đang cần sự giúp đỡ.