Ông là Trần Văn Hùng (Năm Hùng), sinh năm 1959 tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thuở ông còn nhỏ, gia đình rất nghèo, không có ruộng đất. Cha mẹ không có nhà nên phải dắt díu đàn con vào ở tạm trong miếu, trong đình. Gia đình chỉ có một tấm lưới kéo dài khoảng 7 m, bắt cá tôm nhỏ trong ruộng rạch để vừa kiếm tiền độ nhật vừa làm thức ăn. Thương cha mẹ nghèo, Năm Hùng bỏ học, quyết chí đi theo con cá nước ngọt.
Lặng lẽ học nghề
Thời mới lớn, Năm Hùng qua Campuchia xin chủ thuyền người Khmer cho làm công nhật, đánh cá theo lô trên vùng Biển Hồ mênh mông. Năm Hùng lặng lẽ học những kinh nghiệm quý giá của người làm cá: Quan sát con cá, ước đoán luồng chúng đi, xử lý bảo quản số đánh bắt được, sơ chế để bán cho thương lái.
Học tới đâu, Năm Hùng ghi nhớ trong đầu tới đó. “Thậm chí đứng xa 40 m, nhìn con cá nhảy lên khỏi mặt nước, tôi đã biết được nó thuộc loại cá gì” - ông quả quyết.
Chủ phát cho tháng lương nào, Năm Hùng tích cóp tháng đó, phần gửi về giúp cha mẹ, phần dành riêng làm vốn. “Tôi tiết kiệm lắm, không dám ăn xài gì dù đang độ tuổi thanh niên. Hễ có món tiền nào là tôi mua… vàng, giữ lại đó” - ông nhớ lại. Qua mấy năm học đánh cá ở Biển Hồ, Năm Hùng dành dụm được khoảng 30 lượng vàng, một tài sản lớn đối với một người xuất thân tay trắng như ông.
Ông Năm Hùng bên hồ nuôi cá của mình. |
Năm Hùng dùng hết số tiền dành dụm được mua một chiếc thuyền, mời một số bạn nghèo giúp sức, ra riêng thuyền đánh cá. May được trời thương, năm nào ông cũng trúng đậm mùa cá. Ông cứ tiếp tục dành dụm cho đến khi được khoảng 1.000 lượng vàng thì về lại Việt Nam. Hiểu được con cá rồi, ông quyết đi theo nghề nuôi cá nước ngọt.
Thoát cảnh oái ăm
Quê nhà Năm Hùng thuộc vùng đầu nguồn sông Tiền, nơi dòng nước Mê Kông được coi là tinh sạch nhất khi chảy vào Việt Nam. Thấy bà con tỉnh mình và bên tỉnh bạn An Giang nuôi cá tra bè thành công, ông học kinh nghiệm của họ rồi chuyển sang nuôi.
Giống, ông chọn thật kỹ, gồm toàn những con cá tra bột mạnh khỏe, lanh lợi cỡ ngón tay út. Cho cá ăn, ông tính toán thời gian, phân lượng, sao cho đúng giờ và hết thức ăn để khỏi thất thoát, đỡ tốn kém tiền bạc và ô nhiễm nguồn nước.
Cứ vậy, mùa nào ông cũng trúng, chất lượng thịt cá tra của ông không thương lái nào chê được. Như bao nông dân nuôi cá bè khác, ông cũng bị thương lái và đôi khi là các nhà máy chế biến xuất khẩu làm khó. Hễ người nuôi được mùa, họ lại mua rớt giá, lắm khi hẹn mà không chịu đến thu mua hoặc thu mua xong cứ dây dưa tiền bạc.
Phải làm sao thoát ra khỏi cái cảnh oái oăm này? Ông suy nghĩ đến một giấc mơ làm ăn quy mô: Vừa nuôi cá vừa chế biến và vừa trực tiếp xuất khẩu. Con cá tra Việt Nam phải có một vị thế xứng đáng trong niềm tin của người tiêu dùng thế giới. Ông quyết thực hiện giấc mơ đó của mình.
Với đồng vốn tích lũy, ông đi thuê những vạt đất không làm lúa được của bà con nông dân và của các địa phương, đào ao nuôi cá tra. Tùy theo cuộc đất lớn nhỏ, ông mời bà con sống cạnh vùng nuôi chăm sóc cá, trả lương hằng tháng cho họ. Bán xong một ao cá (trung bình là 8 tháng từ khi thả nuôi), ông chia cho họ 20% lợi nhuận. “Mình có chén cơm ăn thì bà con cũng phải có chén cơm ăn. Mình chia lợi nhuận cho họ thì họ mới gắn bó lâu dài với vùng nuôi của mình” - ông tâm sự.
Quả nhiên, nông dân đều gắn bó với những vùng nuôi của Năm Hùng. Họ lao động có kỹ thuật, kỷ luật, trở thành những công nhân nông nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm nuôi cá tra nước ngọt - một kỹ năng mà không ai biết khi còn làm ruộng.
Bằng phương pháp đó, Năm Hùng phát triển được 25 vùng nuôi cá tại các huyện đầu nguồn sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp. Có nguồn nguyên liệu dồi dào, ông xây nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại huyện Thanh Bình với dàn máy móc tiên tiến nhập từ Đức về. Nhà máy này có thể chế biến được 350 tấn cá mỗi ngày.
Khách hàng của ông gồm thị trường EU, Nhật Bản và các nước Ả Rập. Ông xây thêm nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá, xưởng chế biến mỡ cá bán cho khối Ả Rập và nhà máy làm bột cá. Năm Hùng đặt tên cho tổng công ty của mình là HungCa (Hùng Cá - tên gọi thân thuộc mà bà con Đồng Tháp thường gọi để khen ngợi những thành công của ông).
Giấc mơ có thực
Hùng Cá có trên 5.000 công nhân làm việc, gồm 4.000 người sản xuất trong nhà máy, 1.000 người lao động tại vùng nuôi. Gần như toàn bộ những con người ấy đều xuất thân từ gia đình nông dân nhưng làm việc rất có kỷ luật và đúng kỹ thuật.
Vùng nuôi quy mô nhất của Năm Hùng đặt tại xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, rộng trên 400 ha, diện tích mặt nước mới khai thác được trên 300 ha. Cùng làm việc cho Hùng Cá là một đội ngũ kỹ sư ngành điện, nuôi thủy sản, bệnh lý học về cá, chế biến thủy sản và chuyên viên lành nghề.
Những container hàng cá tra của Việt Nam do Hùng Cá xuất đi đều đạt yêu cầu. Những khách hàng châu Âu nổi tiếng là khó tính ban đầu còn cử người sang giám sát cách sản xuất trong nhà máy, săm soi từng miếng phi-lê cá, nay đã hoàn toàn tin cậy. Hàng của tổng công ty đạt yêu cầu từ khâu nuôi, cho ăn đến chế biến, đưa đi. Trong các siêu thị châu Âu, Nhật Bản và khối Ả Rập, hàng phi-lê cá và cá khúc đông lạnh (để nấu canh chua hoặc kho) của HungCa “made in Dongthap Vietnam” chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.
“Vốn ở đâu mà ông có để làm ăn quy mô như vậy?” - tôi hỏi. Ông Năm Hùng cho biết: “Cũng là do tin tưởng mà Ngân hàng Công Thương (VietinBank) Chi nhánh Đồng Tháp cho tôi vay. Nhiều năm nay, đến kỳ đáo hạn là tôi chủ động trả đầy đủ cả vốn lẫn lời”.
Không chỉ Năm Hùng, khoảng 7.500 hộ nuôi cá, 770 hộ nuôi tôm càng xanh của bà con nông dân cũng là đối tác thường xuyên của ngân hàng này. Ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc VietinBank Đồng Tháp, thổ lộ: “Xuất thân từ nông dân, tôi tin rằng đem vốn cho họ vay thì không bao giờ rủi ro. Nhà cửa, đất đai, nơi sản xuất của họ ở đây, mùa này chưa trả nợ được thì mùa tới họ sẽ trả. Ngân hàng chúng tôi chỉ có 0,52% nợ xấu, trong đó không có hộ nông dân nào”.
Vì sao Hùng Cá ăn nên làm ra còn nhiều người nuôi cá tra khác luôn than lỗ? “Lỗ là vì mình chọn giống không tốt, vì cho ăn không đúng cách, vì nguồn nước chưa sạch, vì trong thức ăn có một số dư lượng thuốc mà người nước ngoài cho là độc hại... Cá của tôi luôn sinh lời, mỗi ký tôi lời được 1.300 đồng. Ông có tin không, tôi chữa bệnh cho cá toàn bằng… thuốc nam” - ông giải thích.
Năm Hùng còn cho đào kinh, đưa nước vào vùng nuôi và luôn thay nước cho cá tốt. Cá thiên nhiên như linh, mè vinh, rô, lóc theo nước vào kinh, ông cho chặn lưới bắt lại. “Chỉ chừng đó thôi, mỗi tháng tôi bán trên chục triệu đồng, dành tặng học bổng cho các cháu học giỏi” - ông khoe.
Năm Hùng trở thành người có uy tín, được các đối tác nước ngoài mời sang, được đi báo cáo trong nhiều hội nghị, được nhiều lần khen thưởng nhưng những điều ấy không làm ông tự mãn. “Tôi còn học hỏi nữa để làm giàu cho mình, cho tỉnh nhà và bà con nông dân cộng tác với tôi” - ông khẳng định.
Độc chiêu tiết kiệm
Năm Hùng thành công là nhờ những “bí quyết” rất giản dị. Lúc nào ông cũng đeo bám công việc. Là tổng giám đốc nhưng ông ít khi ngồi trong văn phòng quá một giờ. Ông luôn đi khắp 25 vùng nuôi, chỉ vẽ, uốn nắn cho công nhân những kinh nghiệm quý giá.
Năm Hùng có những kinh nghiệm tiết kiệm rất lạ lùng. Ví dụ, trong giá thành 1 kg thực phẩm nuôi cá, mỗi chiếc bao chiếm hết 180 đồng. Người ta dùng bao ấy một lần rồi bỏ nhưng ông thì không. Ông có một tổ chuyên nhặt bao, giặt sơ rồi đưa về nhà máy giặt lại. Ông “quay vòng” chiếc bao 5 lần, tiết kiệm được 720 đồng. Mỗi năm, ông tiết kiệm được cả chục triệu bao như vậy, tính ra số tiền không nhỏ.
Với con cá tra bột còn nhỏ, không bơi xa được để tranh ăn, Năm Hùng cho luôn lượng thức ăn vào họng bơm nước. Nước “thổi” mạnh ra, đưa thức ăn đi đều khắp, con nào cũng được phần. Sáng kiến này tiết kiệm được sức người cho ăn thủ công hai buổi sáng, chiều.
Ông cho biết: “Con cá tra không có gì là bỏ hết. Phần mỡ thì đưa vào nhà máy chế biến mỡ cá. Phần thịt đầu thừa đuôi thẹo thì bán cho các cơ sở gia công làm chả cá. Bao tử thì tách bán riêng cho nơi chế biến đưa vào siêu thị thành món nhậu. Bộ xương và cái đầu còn lại thì đưa vào nhà máy chế biến bột cá nuôi gia súc”.