Từ cậu bé bụi đời trở thành 'vua đồ cổ Sài thành'
Hoàng Văn Cường đã đem cả tài và đức cho hành trình sưu tầm cổ vật. Đến nay, sau hơn 40 năm trải mình theo con đường tìm về lịch sử, ông xứng đáng lên ngôi "ông vua cổ vật Sài Gòn"…
"Chẳng lẽ cha làm thầy, con đốt sách"
Dòng máu của đại gia đình buôn bán đồ cổ giúp Hoàng Văn Cường sớm nhận biết giá trị của cổ vật. Từ rất sớm, ông đã đam mê thú chơi tao nhã nhưng đầy giá trị nhân văn trên. Những ngày còn làm thầu phế liệu, Hoàng Văn Cường có cơ hội được tiếp xúc với những bảo vật mà không phải ai cũng có thể nhìn ra giá trị không tưởng của chúng. Dần dần, Cường nhận ra rằng, trong đám phế liệu mình thu gom có những thứ không thể bán đi mà phải cất giữ.
“Ông vua đồ cổ" cùng chiếc long sàng dành cho vua chúa thời Nguyễn. |
Ở cái tuổi khát khao cống hiến, công việc của một anh phóng viên chiến trường hầu như choán hết thời gian của ông. Nhưng ngược lại, nó cũng cho phép ông có mặt tại những nơi không phải bất cứ người nào cũng có thể đến. Vô hình trung, nó lại tạo điều kiện cho công việc thu gom, săn tìm cổ vật của mình. Cứ thế, hôm nay người ta thấy Hoàng Văn Cường lân la nơi chợ đồ cũ, mai lại thấy ông cắp máy ảnh rong ruổi nơi có tin xuất hiện cổ vật. Với quan niệm đời dạy đời, nghề dạy nghề, ông bước vào thế giới cổ vật bằng đôi bàn tay trắng.
Ngôi nhà nhỏ ba tầng trên phố Đông Du, (Q.1, TP.HCM) được bày trí bằng tất cả những cổ vật vô giá từ những chiếc ghế, bàn, sập, giường, tủ, bằng gỗ cực phẩm vốn là vật dụng hàng ngày của vua, chúa, các cổ vật chất chồng lên nhau, chật cứng. Đến lúc này, ông mới nghĩ đến một nơi khác rộng hơn để có thể cất giữ, bảo quản kho tài sản vô giá.
"Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ về số lượng của số cổ vật mình sưu tập được. Khi có tin về một cổ vật có giá trị nào đó, lòng tôi chỉ dấy lên ý chí phải mua, phải tìm cho được bằng mọi giá. Mua được rồi, tìm một chỗ cất đàng hoàng rồi tôi cứ để vậy không cầu đến giá trị kinh doanh của nó. Suốt đời, tôi chỉ có ý nghĩ mua vào, chứ không có ý bán đi bất kỳ một món nào. Thế nên, không biết tự lúc nào, khi nhìn lại, tôi cũng bất ngờ với số lượng của bộ sưu tập của mình", ông vua đồ cổ Sài Gòn tâm sự.
Những giá trị vượt thời gian
Khi căn nhà riêng tại phố Đông Du đầy ứ cổ vật, lấn ra ngoài ban công. Đến thăm bảo tàng tư nhân của ông tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), người xem không khỏi cảm giác bị lạc trong thế giới cổ vật huyền ảo. Ông tự hào: "Đã hơn 40 năm sưu tập nhưng tôi vẫn nhớ xuất xứ, giá trị, tên tuổi của từng món, những kỷ niệm mà tôi có được cùng với nó.
Trong căn nhà sàn người Thái được ông đích thân mua về từ Sơn La nay tọa lạc ở quận Thủ Đức chứa đến 2.000 cổ vật. Tại nhà riêng trên quận 1, nếu để ý kỹ, khách viếng thăm sẽ không khỏi ngạc nhiên khi hầu như đồ dùng trong nhà đến 99% đều là cổ vật. Giường nằm từng là long sàn nơi cho ấu chúa nằm, bàn đều là những loại vua chúa thời trước sử dụng, ghế nếu không là đồ cung đình cũng có xuất xứ từ những gia đình thuộc hoàng tộc vua chúa; tủ, sập, rương, đều được làm từ gỗ cực phẩm vô giá được ông sưu tầm từ các gia đình vua chúa, danh gia vọng tộc.
Các món đồ cổ như đồ gốm sứ, từ những vật dụng bé ly ti đến kích thước lớn đều có tuổi thọ lên đến cả mấy ngàn năm. Ngoài ra, còn có những tượng phật, ống điếu, bình vôi và vô số ngọc ngà châu báu vô giá như cành vàng lá ngọc, ngọc bội, bình ngọc, có tuổi đời không dưới mấy trăm năm. Tất cả những món đồ cổ có giá trị vượt thời gian ấy được ông sắp xếp, bày trí theo từng chủ đề, mục đích nhất định. Ông cho biết: "Tôi chơi nhưng cũng phải có nét đặc trưng của mỹ thuật, văn hóa trong đó. Vì tôi muốn biến không gian đó thành chỗ trưng bày có ý nghĩa, gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam đàng hoàng, vừa phục vụ đại đồng công chúng, vừa phục vụ khách du lịch. Đến Việt Nam, họ thấy nhà cao cửa rộng, khách sạn cao tầng, song đó không phải là văn hóa. Văn hóa là từ trong con người Việt Nam ý thức được, giữ gìn và bảo tồn".
Ông thường tâm niệm: "Đó là những di sản văn hóa ngàn đời của dân tộc. Nó không phải để bán mà để ngưỡng vọng, lưu giữ như một minh chứng cho nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Thế nên, mỗi món đồ cổ của ông vua là một đứa con tinh thần, là niềm tin thiêng liêng của ông. Ông đau cùng chúng, sướng vui cùng chúng, ăn ngủ, khóc cười cùng chúng. Đối với bản thân tôi, nỗi đau lớn nhất của một người chơi đồ cổ là khi biết về một món đồ cổ nhưng chưa kịp mua, chưa thể mua mà đã lọt vào tay người khác. Những khi ấy, trong tim tôi chất chứa nỗi buồn đau khôn tả. Lắm lúc còn buồn hơn cả việc mất người yêu”, ông đùa.
Hơn thế, những người biết về ông hoàng đồ cổ chưa bao giờ thấy ông bán đi một món nào, dù với giá ngất ngưởng. Ngược lại, họ chỉ biết ông lẳng lặng bay sang Trung Quốc, Campuchia, Philippines,... có mặt trong các buổi đấu giá, tìm mua cổ vật nước nhà về cất giữ, trưng bày. Đó là cả một hành trình dài, có nước mắt, có niềm vui. Hoàng Văn Cường kể: "Cả đời tôi có hai điều để tự hào, đó là trở thành phóng viên chiến trường và sưu tầm cổ vật. Tôi chọn hai điều ấy bằng cả tấm lòng mình và cũng sống với nó bằng cả con người mình. Cái nghề sưu tầm này cũng nhiều chông gai và đầy rẫy cám dỗ. Không ít lần, tôi bị gạ gẫm, van nài rồi đe dọa, khích bác chỉ để tôi bán đi một món. Nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi luôn để khách hiểu rõ ruột gan của mình: Khách đến thăm, chiêm ngưỡng, tôi lấy làm vinh hạnh và rất sẵn lòng, nhưng nếu một ai đặt vấn đề mua bán, tôi rất giận và buồn".
Cho đến hôm nay, dẫu đã lên ngôi "ông vua đồ cổ Sài thành", ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn rong ruổi mọi miền tìm thêm những giá trị vượt thời gian của văn hóa dân tộc cho bộ sưu tập vốn đã vĩ đại của mình.
Nhà sưu tập đồ cổ Hoàng Văn Cường cho biết: "Từ lâu, bảo tàng tư nhân của tôi đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Thường ngày, ngoài những khách du lịch, còn có cả những vị nguyên thủ quốc gia của các nước.
Một trong những khách du lịch mà tôi ấn tượng nhất là Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến thăm nhà tôi vào năm 2000. Tại đây, ông tỏ ra rất có cảm tình với bộ sưu tập của tôi. Tuy nhiên, đến nay, điều đáng tiếc là tôi không đủ điều kiện để phát triển hình thành bảo tàng đồ cổ một cách khoa học.
Nơi tôi đang trưng bày cổ vật đã xuống cấp nặng, ít nhiều ảnh hưởng đến việc bảo quản những cổ vật vô giá. Thế nên, tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, chung tay để tôi có một diện tích nhỏ làm nơi cất giữ, trưng bày những giá trị văn hóa phục vụ công chúng, khách du lịch. Đó là ước mong cuối cùng của tôi".
Theo Người Đưa Tin