Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'bữa ăn công việc' của Ánh Viên...

Nhiều người quan niệm ăn là một lạc thú nên có câu “sống để ăn”. Nhưng cũng có nhiều người nghĩ “miếng ăn là miếng tồi tàn” nên “ăn để sống”...

Riêng với “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, ăn là công việc!

Từ câu chuyện ăn của Ánh Viên, mới thấy chuyện ăn quan trọng như thế nào và là một trong những lý do quan trọng khiến thể thao VN chậm phát triển. Thậm chí nhìn rộng hơn, nó còn là chuyện liên quan đến sức khỏe người Việt. Đơn giản bởi chính các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ đã đúc kết: Khỏe từ miệng mà bệnh cũng từ miệng!

Một bữa ăn tối của Ánh Viên

Sau buổi giao lưu với bạn trẻ TP.HCM vào chiều 17/6, thầy trò Ánh Viên còn “chạy sô” tiếp một cuộc bên Đài truyền hình TP.HCM. Lúc ấy đã 7h tối. Chúng tôi mời Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn tranh thủ ăn tối ở một nhà hàng gần Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Các VĐV năng khiếu bơi lội của CLB Yết Kiêu với thần tượng Ánh Viên tại cuộc giao lưu hôm 17-6. Liệu có mấy VĐV nhí sẽ đủ điều kiện về mọi mặt, trong đó có chuyện dinh dưỡng để trở thành tay bơi kiệt xuất như Ánh Viên? Ảnh: Quang Định.
Các VĐV năng khiếu bơi lội của CLB Yết Kiêu với thần tượng Ánh Viên tại cuộc giao lưu hôm 17/6. Liệu có mấy VĐV nhí sẽ đủ điều kiện về mọi mặt, trong đó có chuyện dinh dưỡng để trở thành tay bơi kiệt xuất như Ánh Viên? Ảnh: Quang Định.

Sau khi “nghiên cứu” thực đơn một hồi, Ánh Viên gọi một xúp gà và một cơm tay cầm. Tuy nhiên, cô hỏi người phục vụ: “Xúp gà có măng tây không?”. Nghe người phục vụ trả lời “có”, cô bèn đổi ngay sang xúp cua. Tiếp đến, sau khi ăn xong chén xúp cua, cô dùng đến cơm tay cầm. Vừa xúc một muỗng, Ánh Viên quan sát một số sợi có vẻ như giá hoặc măng. Cô nhón một sợi đưa thầy Tuấn và hỏi: “Thầy xem giùm con giá hay là măng?”. HLV Tuấn đưa vào miệng nếm thử rồi trả lời ngay: măng. Thế là anh quay sang chúng tôi và bảo: “Xin lỗi, cái này Ánh Viên không ăn được, cho cô ấy gọi món khác nhé”.

Vâng, xin cứ tự nhiên. Thế là Viên gọi một đĩa bò bít tết kèm lời dặn cho người phục vụ: “Làm vừa chín tới nhé”. Khi đĩa bò bít tết được bưng lên, Ánh Viên dùng dao cắt thử và thấy ở giữa còn tái. Thế là HLV Tuấn phải nhờ người phục vụ mang xuống bếp làm lại cho chín.

Ăn gần hết đĩa bò bít tết, còn một miếng nho nhỏ có vẻ chưa chín, HLV Tuấn ngăn lại: “Không, đừng ăn”. Và ông kêu thêm một đĩa thứ hai cho Viên. Tuy nhiên, lần này ông nói chuyện cặn kẽ với người phục vụ, cho thấy mình là một người rất rành rẽ về chuyện bếp núc: “Các bạn dùng lửa lớn quá để làm chín bên ngoài miếng thịt mà phía trong vẫn còn sống. Nhờ các bạn để lửa nhỏ cho miếng thịt được chín đều từ trong ra ngoài nhưng cũng đừng chín quá nhé”.

Đĩa bò bít tết thứ hai làm đúng như ý của hai thầy trò.

Chúng tôi hỏi hai thầy trò: “Không ăn măng vì không thích hay không được ăn? Không ăn bò bít tết tái là ý thích hay vì lý do nào khác?”. Anh Tuấn cho biết: “Với dân thể thao, măng, nước dừa là những thứ cấm kỵ. Còn thịt bò phải chín, đó cũng là việc bắt buộc chứ không phải ý thích. Bởi khi ăn thịt bò chưa chín, nó tạo ra một số chất dinh dưỡng làm phát triển những loại cơ không phù hợp với bơi lội”.

Ồ, câu chuyện bắt đầu thú vị rồi đây...

Chuyện ăn cũng lắm công phu

Bắt đầu từ đó, câu chuyện của chúng tôi với hai thầy trò đều xoay quanh chuyện ăn uống.

Anh Tuấn giải thích chuyện huấn luyện bơi lội một cách dân dã cho dễ hiểu: trước đây, quan niệm trong huấn luyện VĐV bơi lội ở VN cứ cho rằng tăng khối lượng tập luyện để VĐV càng khỏe, cơ bắp càng phát triển thì bơi càng nhanh. Chính vì vậy xưa nay, nếu quan sát các bạn sẽ thấy nhiều tay bơi ở VN rất to bề ngang ở hai vai, hai tay. Trong khi đó theo quan điểm huấn luyện hiện đại, mấu chốt của vấn đề huấn luyện bơi lội là phải làm sao đưa hệ số lực cản của nước càng gần về 0 càng tốt. Từ đó, người ta mới thấy không phải cứ càng to khỏe là càng tốt.

Chế độ dinh dưỡng của Ánh Viên. Đồ họa: Việt Anh.
Chế độ dinh dưỡng của Ánh Viên. Đồ họa: Việt Anh.

Chúng tôi cắt lời anh Tuấn để đưa ra một khái niệm cho dễ hiểu hơn: “Có phải nó giống như sợi dây thừng so với sợi dây cáp bằng thép không? Dây thừng tuy to, có tiết diện lớn như ngón chân cái nhưng chịu lực làm sao bằng dây cáp thép có tiết diện chỉ như cây tăm”.

Anh Tuấn gật đầu bảo: đúng vậy. Và câu chuyện của người HLV là phải làm sao để cơ của VĐV phải như sợi dây cáp thép, nhỏ mà khỏe và ít bị cản trở bởi lực cản của nước. Và muốn làm được điều đó, ngoài vấn đề giáo án huấn luyện phải phù hợp, chuyện dinh dưỡng vô cùng quan trọng.

Từ đây, anh kể một số chuyện về việc ăn uống của Ánh Viên: “Có báo thông tin một bữa ăn của Ánh Viên là 1 kg thịt bò, 20 con tôm sú... Thật ra, chuyện đó vừa đúng lại vừa sai. Đúng là vì cũng có bữa như thế thật, nhưng sai vì không phải lúc nào cũng thế. Nạp cái gì vào người, vào thời điểm nào trong chu kỳ huấn luyện là một câu chuyện tính toán khoa học chi li. Có thời điểm phải ăn thịt đỏ, có thời điểm phải ăn thịt trắng, rồi có lúc phải ăn hải sản".

"Cơm thì một tuần chỉ ăn một bữa. Thậm chí đến nước uống cũng khác thường. Tôi uống nước máy cũng chẳng sao nhưng với Ánh Viên thì khác, phải là loại SmartWater có giá 2,5 USD/chai 1,5 lít. Trong lúc bên Mỹ, một thùng nước bình thường chỉ 3 USD thì loại này đắt gần gấp chục lần. Nhưng cũng cắn răng xài vì nước này thẩm thấu rất nhanh vào cơ, chứ không phải như nước thường. Và mỗi ngày phải uống đến hai chai!”.

Nỗi lo doping từ thực phẩm

Không chỉ phức tạp về tính toán năng lượng, loại thực phẩm cho từng bữa ăn, anh Tuấn còn cho biết chất lượng thực phẩm cũng là một vấn đề quan trọng. Anh kể: “Năm 2014, khi Ánh Viên về nước tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc, việc cô bị sụt mất 4kg khiến tôi mất ăn mất ngủ. Tại sao cũng ăn như bên Mỹ nhưng lại sụt ký? Đó là câu chuyện chất lượng thực phẩm".

"Ở Mỹ, các loại thức ăn mà tôi mua cho Ánh Viên dùng đều phải có dấu FDA (viết tắt của Food and Drug Administration - Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ). Những loại thực phẩm có dấu FDA đều ghi thông tin rất chi tiết trên bao bì, bảo đảm về độ sạch và ghi rõ lượng calori để mình dễ tính toán. Và cái giá của nó cũng... trên trời! Ví dụ 1kg thịt bò bình thường chỉ 30 USD nhưng loại thịt bò mà Ánh Viên ăn và có dấu FDA kiểm nghiệm đàng hoàng lên đến 70 USD/kg!”.

“Chưa kể một chuyện hết sức quan trọng về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm mà tôi rất ngại ở nước mình, đó là việc sử dụng chất tăng trưởng khi nuôi trồng. Chẳng may ăn trúng những thực phẩm ấy, dễ dính doping một cách hết sức oan uổng”, HLV Tuấn cho biết.

Đến đây chúng tôi mới hiểu vì sao HLV Tuấn ngại “thả” Ánh Viên về nhà hay về nước với thời gian thật ngắn rồi vội vã quay lại Mỹ. Cứ thử nghĩ về nhà rồi ăn thịt kho hột vịt, mắm, lẩu... hay các loại thực phẩm không hề biết nguồn gốc như ở VN thì chỉ có phá sản sự nghiệp bơi lội của “cô gái vàng”.

Ăn là nhiệm vụ

Con gái tuổi mới lớn, hầu hết đều thích ăn vặt. Ánh Viên cho biết cô cũng vậy, nhưng phải dẹp hết. Tất cả những gì cô ăn uống đều phải có ý kiến của HLV Tuấn. Hỏi ăn uống mà mất tự do như thế có ngán không, Ánh Viên trả lời: “Dạ ngán chứ, nhưng biết sao được, ăn là nhiệm vụ mà. Chưa kể riết rồi cũng quen”.

http://thethao.tuoitre.vn/tin/2015/06/21/cac-mon-khac/tu-bua-an-cong-viec-cua-anh-vien/67847.html

Theo Huy Thọ/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm