Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'Black Friday' đến kinh tế lễ hội

“Black Friday” không chỉ lan tỏa mạnh mẽ như một loại hình kinh doanh “ăn theo” trên mạng xã hội, mà sẽ trở thành Black Friday riêng của VN. Vậy, liệu nó đang trông chờ sự bùng nổ?

Kinh tế lễ hội không phải xa lạ ở Việt Nam nhưng thật sự tận dụng và hưởng lợi thì chỉ mới gần đây và năm nay Black Friday là sự khởi đầu đầy hứng khởi.

Bùng nổ nhờ mạng xã hội

Black Friday 2014 diễn ra vào ngày 28/11 theo giờ Mỹ (bắt đầu từ khoảng trưa ngày 29/11 theo giờ Việt Nam). 18 giờ mua sắm liên tục chỉ chui vô xe ăn và nghỉ ngơi những lúc cần thiết, Huyền Trân, một người Việt Nam sống ở New York, đã có một ngày săn hàng giá rẻ đến mệt rã rời nhưng hài lòng vô cùng.

Trong khi mua sắm online bùng nổ trong ngày Black Friday, thì kiểu mua sắm truyền thống ở các trung tâm thương mại vẫn chưa mang màu sắc của Black Friday
Trong khi mua sắm online bùng nổ trong ngày Black Friday, thì kiểu mua sắm truyền thống ở các trung tâm thương mại vẫn chưa mang màu sắc của Black Friday.

“Tôi đi bộ từ sáng đến tối, hai ngày đi thâu đêm suốt sáng, hàng gom không xuể”. Khách hàng mà Huyền Trân đang nói đến là những người ở Việt Nam đã đặt hàng qua mạng nhờ cô mua rồi bán lại.

Qua Mỹ sống gần năm năm, từ một người thích mua sắm, Trân đã chuyển sang kinh doanh. Cô chủ động theo dõi sát sao các trang web giảm giá, cập nhật thông tin cho khách, khách đặt hàng trả phí và tiền vận chuyển.

Đơn đặt hàng từ Việt Nam trong dịp này mà Trân nhận được tăng gấp năm lần so với bình thường, giá đơn hàng thấp nhất trên 1 triệu đồng, có người lên đến gần 10 triệu đồng, mặt hàng chủ yếu là đồng hồ, nước hoa, quần áo, đồ chơi trẻ em... 

Từ thành phố Westminster thuộc Quận Cam (bang California), Vân Đặng, một người chuyên bán hàng hiệu “xách tay” trên trang Facebook ở Việt Nam, mô tả quang cảnh tại các siêu thị địa phương như Shun Fat, Wesminter Mall hay Best Buy chỉ đông đúc hơn những dịp cuối tuần bình thường chút ít.

Không có cảnh chen lấn và xô đẩy nhau để giành những món hàng được giảm giá tới 50 - 70%. Là một người bán hàng online, Vân Đặng chẳng bao giờ rời chiếc iPhone trên tay chỉ trừ khi ngủ. Và cô thích kết hợp mua sắm hàng giảm giá dịp Black Friday cả bằng việc trực tiếp tới siêu thị và săn hàng online, nhưng online nhiều hơn.

Đó có thể là một phần lý do khiến các siêu thị, trung tâm mua sắm tại Mỹ không quá đông đúc đến nghẹt thở ngày Black Friday.

Chị Hoài Ân, một đầu mối chuyên nhận đặt hàng Mỹ khác, cho biết nhiều năm trước, ngày Black Friday chỉ các cửa hàng của Mỹ mới giảm giá mạnh nên hình thức đặt hàng qua mạng từ Việt Nam chưa rầm rộ. Nhưng gần đây, xu hướng mua hàng giảm giá trên mạng lại được các nhà bán lẻ Mỹ lựa chọn. Chính sách giá trên mạng nhiều khi tốt hơn rất nhiều so với mua tại cửa hàng.

Có thể nhà bán lẻ Mỹ muốn có thêm lựa chọn cho khách, tránh được tình cảnh đông đúc, xếp hàng dài trong thời tiết lạnh và tránh được chuyện mất đồ do khách quá đông, nhưng quan trọng nhất là sự phát triển của những chiếc điện thoại thông minh và thiết bị đã giúp mọi người có thể mua sắm bất cứ khi nào, ở đâu miễn là có kết nối mạng.

Một chiếc túi tại cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đã giảm 50%, nhưng trong dịp cuối tuần sẽ giảm thêm 20% nữa nếu mua hàng thanh toán qua mạng. “Dù thanh toán qua mạng bạn vẫn có thể chọn nhận hàng tại cửa hàng, nhưng phần lớn chọn mua qua mạng để được giao hàng về tận nhà” - chị Hoài Ân nói.

Những người săn hàng cho biết mua hàng dịp này cần chịu khó thức khuya, chọn hàng sớm để có giá tốt và quan trọng là chọn đúng thời điểm. Có những đợt giảm giá 40-50%, dịp cuối tuần nhà bán lẻ có thể giảm thêm 15-20% chỉ trong một vài thời khắc nào đó. 

Tương tự tại TP.HCM, Lan Chi, một người chuyên bán hàng hiệu “xách tay” trên Facebook, đã chọn mua hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc đồng hồ và túi xách trên các trang web Mỹ như Macy’s, Amazon, Best Buy... từ nhiều ngày trước. Tất cả đều được giảm giá 50-60% nhân dịp Black Friday.

Cô cho biết chỉ có một vài trang web bán hàng Mỹ chấp nhận chuyển hàng tới Việt Nam. Phần lớn số hàng cô mua được chuyển tới địa chỉ nhà người thân tại Mỹ và được đưa về Việt Nam qua đường “xách tay”. Kể cả với chi phí vận chuyển thì giá các sản phẩm này vẫn rất rẻ so với hàng nhập chính thức tại Việt Nam.

Ví dụ, một chiếc đồng hồ hiệu Movado có giá lên tới 17-18 triệu đồng ở các cửa hàng trung tâm TP.HCM, nhưng Lan Chi có thể mua từ Mỹ với mức giảm giá đáng kể và bán cho khách hàng chỉ với giá 4-6 triệu đồng.

Manh nha kinh tế lễ hội

Trong khi đó ở Việt Nam, tối thứ sáu cuối cùng của tháng 11, một số cửa hàng, trung tâm mua sắm tại TP.HCM cũng trở nên bùng nổ vì dòng người đổ về để mua hàng giảm giá Black Friday.

Mới 19h, trước một cửa hàng chuyên về giày dép, túi xách có thương hiệu nước ngoài trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), hàng chục khách hàng, chủ yếu là người tiêu dùng trẻ đứng chầu chực để săn hàng giảm giá ở đây.

Cánh cửa sắt phải hạ xuống vì lượng khách quá đông, bảo vệ cửa hàng đành chọn phương án cho từng tốp khách vào, nhóm này đi ra thì nhóm khác mới được vào để đảm bảo an ninh, an toàn.

Chương trình hấp dẫn nhất trong năm đã kéo các món hàng vốn có giá bạc triệu ở những ngày bình thường xuống còn vài trăm ngàn trong Black Friday. Những đôi giày giá 1,2-2 triệu đồng giảm còn 300.000-500.000 đồng/đôi, quả là hấp lực cho giới trẻ.

Không bỏ lỡ cơ hội, một số cửa hàng trong trung tâm thương mại Parkson hay Bitexco, Vincom ở TP.HCM cũng tung ra nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, khiến dòng người xếp hàng dài ra mãi... Một tín hiệu khá lạc quan là không có cảnh chen lấn xô đẩy xấu xí như năm trước.

Theo quan sát của chúng tôi, tất cả những điểm bán hàng đông đúc này đều của thương hiệu nước ngoài, gần như các thương hiệu trong nước còn dè dặt với cuộc chơi này.

Trên các con đường được mệnh danh là “phố mua sắm” như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (quận I), Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)... gần như cửa hàng nào cũng tổ chức hoạt động “ăn theo” Black Friday, nhưng cùng lắm là mở nhạc thật to và treo bảng giảm giá... không khác ngày thường là mấy.

PNJ, một thương hiệu thời trang trong nước, nằm trong số ít ỏi doanh nghiệp trong nước biết tận dụng xu thế tiêu dùng mới này. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, phó tổng giám đốc PNJ, cho biết kinh tế lễ hội đem lại một sức mua vượt cả mong đợi của nhà kinh doanh này trong vài năm gần đây.

Bắt đầu chỉ đơn giản là phải có hoạt động gì đó trong Ngày lễ tình nhân, Ngày quốc tế phụ nữ... PNJ đã mạnh dạn triển khai các hoạt động bắt mắt, mời gọi người tiêu dùng và thành công. 

6 kiểu mua hàng kỳ lạ nhất ngày Black Friday 2014

Mặc đồ lót đứng chờ được nhận quần áo miễn phí, hay miễn phí ô tô nếu tuyết rơi vào Giáng sinh được cho là những kiểu mua hàng kỳ dị nhất ngày giảm giá Black Friday năm nay.

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20141206/tu-black-friday-den-kinh-te-le-hoi/681189.html

Theo Như Bình - Hiếu Trung/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm