Phần thứ nhất: Beirut, Friedman đã tái hiện một cách sống động về cuộc nội chiến của người dân Liban. Từ lịch sử cuộc nội chiến, những xung đột nội bộ gay gắt đến chi tiết nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến này bằng cách nào và diễn biến ra sao đều được ống kính phóng viên của ông thu trọn.
Phần thứ hai: Jerusalem, hai chương đầu là bức tranh thu nhỏ nền văn hóa của người Do Thái và nguồn gốc của người Israel, từ đó tác giả đi sâu phân tích lịch sử và diễn biến của cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel.
Với giọng văn sắc sảo, trong sáng, Từ Beirut đến Jerusalem đã chạm sâu hơn vào lịch sử đau thương và vô cùng phức tạp của cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông. Cuốn sách khiến độc giả trải nghiệm hết những cung bậc cảm xúc, từ những đau đớn tột cùng đến những nụ cười sảng khoái. Một cuốn sách không thể bỏ qua đối với bất cứ ai đang tìm kiếm cái nhìn sâu hơn về những nguyên nhân chính trị và những ảnh hưởng tâm lý của cuộc xung đột đa sắc tộc đã bủa vây khu vực chưa bao giờ chấm dứt tiếng súng này.
Tên tuổi của nhà báo Thomas Friedman, ba lần đoạt giải Pulitzer, đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Các cuốn sách nổi tiếng của ông đều là các dịch phẩm bán rất chạy ở Việt Nam: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và Cây Olive, Nóng, phẳng, chật… Thế nhưng "Từ Beirut đến Jerusalem" lại chính là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas L. Friedman cũng như mang đến cho ông giải Pulitzer.
Bìa cuốn sách "Từ Beirut đến Jerusalem". |
Thomas Friedman viết tác phẩm đầu tay “Từ Beirut đến Jerusalem” trong những năm 80 của thế kỷ trước và đã đoạt giải Nation Book Award cho hạng mục phi hư cấu, khi ông còn là phóng viên thường trú khu vực Trung Đông của tờ New York Times. "Từ Beirut đến Jerusalem" là một cuốn sách phi hư cấu bán chạy bất ngờ ở Mỹ. Cho đến nay nó vẫn tiếp tục được tìm đọc, đặc biệt là được các độc giả là anti-fan của Thomas Friedman tìm đọc.
Trái với các cuốn sách kiểu Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive bị rất nhiều độc giả khó tính coi là ba hoa khoác lác, rỗng tuếch và thông thái rởm, cuốn sách đầu tay này của Friedman được đánh giá cao: viết rất tốt, đọc hấp dẫn, đặc biệt là câu chuyện không bị cài cắm như các cuốn sách khác của tác giả này, thay vào đó là các câu chuyện thực, đắng lòng và chua xót của Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ Israel và Palestine.
Thực vậy, mỗi chương, mỗi trang của cuốn sách ghi lại những khoảnh khắc sống động và các trải nghiệm mang tính sống còn giữa ranh giới của sự sống và cái chết mà tác giả đã từng trải qua. Chứng kiến những biến động lịch sử và cách hành xử của con người trong cuộc chiến, "Từ Beirut đến Jerusalem" còn chứa đựng các quan điểm của tác giả trong những cuộc chiến triền miên không hồi kết ở Trung Đông, đôi khi nó là sự hài hước, nhưng có lúc là sự châm biếm, đả kích và cả những trăn trở không thôi về niềm tin của con người và sự thật trong chiến tranh.
Thomas Friedman sinh ra ở Minneapolis năm 1943. Từng tốt nghiệp cao học chuyên ngành văn hóa Trung Đông ở trường Antony, Oxford. Từ năm 1979 đến năm 1981, ông là phóng viên của hãng tin UPI ở Beirut, là phóng viên thường trú của tạp chí New York Times ở Beirut (từ năm 1982), ở Nam Jerusalem (từ năm 1984).
Đầu năm 1989, ông trở về làm phóng viên đứng mục chuyên về ngoại giao của tạp chí New York Times ở Washington, nơi ông hiện đang sống cùng vợ và hai con gái.