Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đây là văn bản pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ.
Nghị định có rất nhiều điểm mới, tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Trong Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định người đi xe đạp, xe đạp điện có thể bị phạt 80.000-100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở.
Người đi ôtô có nồng độ cồn ở mức cao nhất có thể bị phạt đến 40 triệu đồng, tước GPLX 2 năm. Ảnh: Hoàng Lam. |
Phạt 200.000-300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/l khí thở; 400.000-600.000 đồng khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở.
Với người đi xe máy, người có nồng độ cồn trong máu, hơi thở chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ xử phạt nếu tài xế vượt quá mức này và phạt tiền thấp nhất 1,5 triệu đồng.
Với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt tiền 4-5 triệu đồng.
Mức phạt từ 6 đến 8 triệu đồng áp dụng với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở (mức hiện tại là 3,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Với tài xế ôtô, vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Các lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, gấp đôi mức hiện tại; tước giấy phép lái xe 16-18 tháng thay vì 1-3 tháng như hiện hành.
Nếu vi phạm nồng độ cồn mức trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, cao gấp đôi mức luật hiện hành đang áp dụng (16-18 triệu); tước giấy phép lái xe 22-24 tháng thay vì mức 4-6 tháng như hiện nay.
Mức phạt này cũng áp dụng cho những lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy…
Nghị định 100 bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm. Nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì chủ phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm.