Vượt lên chính mình
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) diễn ra sáng nay (26/12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những thành tích toàn diện của ngành TT&TT, Bộ TT&TT, các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành đã đóng góp một phần quan trọng vào kết quả chung trong trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong một năm có rất nhiều khó khăn vừa qua.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rằng, ngành TT&TT đã trở thành một trong những ngành mở đường cho đổi mới. |
"Trong năm qua ngành TT&TT có đóng góp rất đáng tự hào, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đem lại quyền tự do, làm chủ của người dân; đóng góp vào chính sách xã hội, tạo điều kiện tốt cải thiện đời sống của người dân ở nhiều vùng miền, tham gia vào điều hành lãnh đạo... Những kết quả này không phải một ngày mà có được, nhớ lại mấy chục năm trước (cuối những năm 80) khi đất nước đứng trước yêu cầu đổi mới, với sự tận tâm, sáng tạo, đặc biệt là vô cùng dũng cảm, ngành TT&TT đã vượt lên chính mình, trở thành một trong những ngành mở đường cho đổi mới", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận định về xu hướng phát triển của ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: dấu mốc quan trọng của ngành bưu điện mấy chục năm trước là số hóa, khi chuyển từ analog sang số hóa, sau đó là giai đoạn phát triển Internet gắn với cạnh tranh rồi vật lộn giữa các quan điểm, tới những năm sau này thì nói rất nhiều về hội tụ. Bây giờ là gì? Xu thế hiện nay dường như thông tin cả về nội dung và kỹ thuật đều hướng về cá nhân, kể cả về thiết bị lẫn nội dung. Ngoài hệ thống báo chí xuất bản chung, báo điện tử thì nhìn vào mạng xã hội, blog sẽ thấy rõ thông tin được cá nhân hóa. Làm sao để thông tin của từng cá nhân hợp thành sức mạnh theo đúng định hướng là thách đố vô cùng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ngành TT&TT. Chúng ta "đón" được điều này và cố gắng như 30 năm trước "đón" số hóa để thúc đẩy lên trở thành ngành mở đường, tạo động lực đổi mới mạnh mẽ hơn, đưa đất nước đi lên. Đây là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội của ngành TT&TT. Bộ TT&TT, các hiệp hội, các doanh nghiệp (DN) chủ lực và nhiều DN khác phải cùng tham gia "cuộc chơi" này, kết hợp với các nhà khai thác và chân rết ở các địa phương dùng công nghệ để tạo sức bật mới.
Đánh giá về Đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin truyền thông", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhận xét, ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam có đi trước một bước nhưng nếu nói Việt Nam đã trở thành "Nước mạnh về CNTT" một cách toàn diện thì chắc là chưa. Đây là thách đố trực diện, chính chúng ta đặt ra rồi mà không thực hiện được thì mất nhuệ khí. Làm sao để CNTT thực sự trở thành động lực cho cả nền sản xuất dịch vụ, cả nền hành chính là đòi hỏi rất lớn của đất nước.
Tổng kết lại hoạt động của ngành TT&TT trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: "Hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục vận động theo đúng định hướng của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Các cơ quan báo chí, xuất bản đã thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, sự kiện chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện ngày càng được tăng cường. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và công tác nhân đạo, phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn đảm bảo thông suốt, kịp thời. Việc đẩy mạnh quản lý thông tin trên mạng Internet đã đi đôi với thúc đẩy phát triển Internet trong đời sống xã hội. Công tác phòng, chống và đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng hơn để tạo môi trường tin cậy cho ứng dụng CNTT tiếp tục phát triển. Hoạt động của điểm BĐVHX góp phần tích cực đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hoạt động hợp tác quốc tế sôi động với nhiều cuộc đàm phán song phương, đa phương trong lộ trình hội nhập quốc tế đạt hiệu quả theo kế hoạch".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc đẩy mạnh quản lý thông tin trên mạng Internet cần đi đôi với thúc đẩy phát triển Internet trong đời sống xã hội. |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, số liệu của Tổng cục Thông kê cho thấy, ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2013 về điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,7 tỷ USD, tăng 78,8% so với năm 2012; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,2 tỷ USD, tăng 41,8% so với năm 2012 (như vậy, giá trị XK của nhóm ngành CNTT và truyền thông đạt 33,9 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của cả nước - 132,2 tỷ USD). CNTT đã trở thành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp hơn 7% GDP của đất nước. Trong tổng thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2013 là 174,2 nghìn đồng thì đóng góp của 02 tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực VNPT và Viettel là trên 21.000 tỷ đồng, chiếm 12%.
Bàn về những "điểm nóng" của ngành TT&TT khiến dư luận xã hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn cho rằng, sự phát triển nóng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như tin nhắn rác, lừa đảo qua dịch vụ thông tin di động; mạng xã hội từ máy chủ nước ngoài đưa thông tin xuyên tạc, sai lệch; các cuộc tấn công mạng xuất hiện tần suất gia tăng… Đây là những thách thức lớn trong công tác quản lý nhà nước thời gian tới.
Trong phiên họp buổi chiều ngày 26/12 của Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chính thức phát động phong trào thi đua năm 2014 của Bộ TT&TT.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, trong năm 2014, ngoài nhiệm vụ trọng tâm và 9 giải pháp đã được đưa ra trong báo cáo, cần nhấn mạnh một số điểm như sau:
- Nhanh chóng cụ thể hóa chương trình công tác của Bộ năm 2014.
- Tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng lòng tin và sự đồng thuận xã hội trước những quyết sách của Đảng, Nhà nước.
- Xây dựng các dự án Luật An toàn thông tin, Luật Báo chí sửa đổi; tham mưu thực hiện xây dựng quy hoạch báo chí toàn quốc đến 2020.
- Tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng với trọng tâm là Nghị định 72 đã được ban hành.
- Tăng cường bảo đảm an toàn - an ninh thông tin, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội.
- Thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp
- Kiện toàn tổ chức bộ máy ở cả Trung ương và địa phương...