Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump vô tình lộ thông tin tình báo nhạy cảm khi chế giễu Iran?

Bức ảnh vệ tinh hiện trường bãi phóng nơi tên lửa Iran phát nổ do Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter được cho là xuất phát từ nguồn tin tình báo quân sự.

Trong dòng chia sẻ trên Twitter cá nhân hôm 31/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ không liên quan tới vụ tai nạn xảy ra ở bãi phóng vệ tinh Semnan của Iran, khi Tehran thất bại trong nỗ lực phóng vệ tinh Nahid I. 

"Tôi chúc Iran mọi điều tốt đẹp nhất và chúc họ may mắn trong việc xác định chuyện gì đã xảy ra ở bãi phóng", Tổng thống Trump viết, đồng thời đăng kèm bức ảnh vệ tinh chụp hình bãi phóng của Iran với dấu vết của vụ nổ tên lửa đẩy còn mới.

Tiết lộ thông tin tình báo?

Dòng chia sẻ của Tổng thống Trump lập tức gây ra nhiều tranh cãi, cũng như đặt ra thêm nhiều câu hỏi về vụ phóng vệ tinh thất bại của Iran khi tên lửa đẩy nổ ngay trên bệ phóng.

Vụ phóng hôm 30/8 được Iran tuyên bố là nhằm đưa vệ tinh viễn thông Nahid I của nước này lên quỹ đạo. Trước đó, Tehran từng hai lần tiến hành phóng vệ tinh đầu năm 2019 nhưng đều thất bại.

Trong lần phóng này, vệ tinh của Iran đã không thể rời khỏi mặt đất khi tên lửa đẩy nổ ngay trên bệ phóng. Nguyên nhân thất bại của vụ phóng hiện chưa được công bố.

Tong thong Trump che nhao Iran anh 1
Hình ảnh vệ tinh bãi phóng vệ tinh của Iran sau khi tên lửa phát nổ do Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter. Ảnh: Twitter.

Bức ảnh mà Tổng thống Trump đăng tải cùng dòng trạng thái trên Twitter hôm 31/8 hiện là tâm điểm chú ý. Các chuyên gia cho rằng bức ảnh vệ tinh với độ phân giải cao chụp vào thời điểm nhạy cảm như vậy chỉ có thể đến từ nguồn tình báo quân sự.

Các chuyên gia cho rằng việc đăng tải bức ảnh có tính nhạy cảm cao như vậy, Tổng thống Trump đã giúp toàn bộ các đối thủ của Mỹ có cái nhìn rõ nét vào năng lực và cơ sở thu thập thông tin tình báo của nước này.

Mỹ có can thiệp vào vụ phóng vệ tinh?

Theo BBC, thất bại của vụ phóng vệ tinh hôm 30/8 có thể đơn thuần chỉ là do lỗi kỹ thuật. Thực tế, bất cứ sai sót nào, từ vấn đề nhiên liệu tới thiết kế đều có thể gây ra nổ ngay khi động cơ tên lửa khởi động.

Khả năng này hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay cả những quốc gia có chương trình không gian tiên tiến như Mỹ cũng từng trải qua những tai nạn tương tự.

Đối với Iran, nước này có lịch sử phóng vệ tinh, tên lửa thuộc loại tồi tệ nếu so với các cường quốc không gian. Trong bài phỏng vấn của New York Times công bố hồi tháng 2, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết hai thất bại của Iran hồi đầu năm đều có nguyên nhân từ lỗi kỹ thuật.

Bài báo cũng đồng thời cho biết có tới 67% các vụ phóng vật thể lên quỹ đạo của Iran trong 11 năm qua đã thất bại. Đây là con số "cao đến kinh ngạc" nếu so với tỷ lệ thất bại trung bình của toàn thế giới là chỉ 5%.

Cũng trong bài báo, New York Times cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách tái khởi động chương trình phá hoại nhắm vào các nỗ lực phóng tên lửa của Iran, bằng cách đưa các cấu phần hỏng hóc vào chuỗi cung ứng thiết bị tên lửa của nước này.

Tong thong Trump che nhao Iran anh 2
Iran triển lãm các tên lửa của nước này tại thủ đô Tehran năm 2015. Ảnh: AP.

Chương trình phá hoại này từng được Mỹ triển khai trước đây, nhưng đã bị Tổng thống Obama loại bỏ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.

Hiện nay, không ai có thể khẳng định liệu Washington có dính líu tới vụ phóng tên lửa thất bại của Iran hôm 30/8 hay không. Và việc Tổng thống Trump đăng tải dòng chia sẻ với hàm ý mập mờ trên Twitter càng khiến giới chuyên gia nghi ngờ khả năng can thiệp của Mỹ.

Trong quá khứ, các chương trình nghiên cứu, phát triển quân sự của Iran từng nhiều lần bị các lực lượng bên ngoài can thiệp, phá hoại.

Israel và Mỹ từng can dự trong nỗ lực phá hoại chương trình làm giàu uranium của Iran bằng cách sử dụng virus máy tính, ngăn cản Tehran tiến tới khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học và kiến trúc sư quan trọng đối với chương trình vũ khí của Iran cũng bị ám sát. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh Mỹ hay Israel có dính líu tới những vụ ám sát này.

Chương trình không gian của Iran hiển nhiên bị coi là mối đe dọa đối với cả Israel và Mỹ, bởi hai nước này coi đây là lĩnh vực có liên hệ mật thiết tới tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo của Tehran.

Do đó, Washington và Tel Aviv được coi là có khả năng đã tác động gây ra vụ nổ tên lửa ngay trên bệ phóng ngày 30/8 vừa qua.

Iran liên tục phô diễn khí tài, bắn thử tên lửa mới đối phó Mỹ

Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố đã thử nghiệm thành công loại tên lửa mới, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhà giàu Iran thuê xe cứu thương làm xe riêng để tránh tắc đường

Những người Iran giàu có thuê xe cứu thương làm xe riêng để di chuyển nhanh chóng trên đường, bất chấp vi phạm luật giao thông và ảnh hưởng tới việc vận chuyển bệnh nhân thực sự.


Duy Anh

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm