Washington đã ngừng cấp vốn cho WHO từ giữa tháng 4, cáo buộc WHO quá gần Bắc Kinh và ứng phó kém với đại dịch.
Ngày 18/5, ông Trump đăng lên Twitter ảnh chụp bức thư ông gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và nói mọi người có thể tự hiểu.
Trong bức thư, ông Trump liệt kê danh sách những thiếu sót của WHO trong ứng phó đại dịch, bao gồm không chú ý tới các dấu hiệu ban đầu cho thấy virus đang lây lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times. |
“Rõ ràng những sai sót lặp đi lặp lại của các ông và tổ chức của các ông trong việc ứng phó với đại dịch đã gây tổn thất rất lớn cho thế giới. Cách duy nhất để tiếp tục là WHO phải chứng tỏ sự độc lập đối với Trung Quốc”, ông Trump viết trong thư.
“Nếu WHO không cam kết cải thiện tình hình đáng kể trong vòng 30 ngày tới, việc ngừng cấp vốn đang từ tạm thời sẽ thành vĩnh viễn, và chúng tôi sẽ xem xét lại việc tham gia vào WHO”, ông nói.
Trước đó, ngày 18/5, WHO cho biết sẽ đánh giá độc lập về cách phản ứng đối với đại dịch Covid-19.
Trong buổi họp trực tuyến này, ông Tedros thừa nhận đã có những thiếu sót và cho biết ông hoan nghênh các lời kêu gọi điều tra.
Từ tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tổ chức họp báo gần như hàng ngày về virus và đã luôn cảnh báo các lãnh đạo thế giới rằng “cánh cửa” ngăn chặn lây lan “đang đóng dần”.
Các quan chức chính quyền Trump và cơ quan kiểm dịch Mỹ (CDC) vốn làm việc chặt chẽ với WHO. CDC từ đầu dịch đã luôn lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh tại Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump lại công khai phản bác lại CDC.
Trước đây, chính ông Trump đã ủng hộ ông Tedros cho vị trí tổng giám đốc WHO.
Không chỉ dừng ở việc tạm ngưng cấp vốn, chính quyền Mỹ dường như đang có các động thái khác xa hơn đằng sau hậu trường, theo bản tin cuối tháng 4 của Washington Post.
Theo đó, các quan chức Bộ Ngoại giao đang xóa đi các điểm nhắc đến WHO trong các bản thông tin về virus và Ngoại trưởng Mike Pompeo ra lệnh “bỏ qua đối tác trung gian” khi nói đến các dự án y tế cộng đồng mà Mỹ trước đó đã triển khai thông qua WHO.
Thay vào đó, Mỹ đang cố chuyển hướng các quỹ dành cho WHO sang các tổ chức phi chính phủ khác trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
Nhưng nếu vậy, có rủi ro là tiền của Mỹ sẽ bị phân tán, thiếu hiệu quả. Nhiều ý kiến đặt dấu hỏi về việc tìm những đối tác khác khi dịch bệnh đã đến mức như hiện nay.