Tổng thống Donald Trump ngày 4/6 đồng ý cho Sư đoàn Lính dù 82 từ Washington D.C. trở về doanh trại. Bước đi phần nào xoa dịu căng thẳng giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vài ngày qua, xoay quanh vai trò của quân đội ứng phó cơn sóng biểu tình toàn quốc.
Trên thực tế, chưa có binh lính nào tiến vào thủ đô. Họ giữ vị trí ở ngoại ô. Vệ binh Quốc gia là lực lượng bảo vệ các địa điểm gần Nhà Trắng và nội đô.
Dù vậy, quyết định triển khai Sư đoàn Lính dù 82 đến thủ đô đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ giới lãnh đạo Lầu Năm Góc. Các tướng lĩnh không muốn can dự vào thực thi pháp luật trong nước hoặc những toan tính chính trị mùa bầu cử, theo New York Times.
Vệ binh Quốc gia đối mặt người biểu tình tại thủ đô Washington D.C, khu vực gần Nhà Trắng. Ảnh: NYT. |
Giằng co giữa hai tòa nhà quyền lực
Binh lính rơi vào tình thế chưa từng có tiền lệ. Họ kẹt giữa mong muốn thể hiện sức mạnh của Tổng thống Trump và tôn chỉ trung lập trước chính trị đảng phái của quân đội.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 3/6 cố điều động một bộ phận trong 1.600 quân về doanh trại. Điều đó khiến Tổng thống Trump phát điên và đòi Bộ trưởng Esper rút lệnh ngay trong buổi họp cùng ngày.
Đến ngày 4/6, Tổng thống Trump cuối cùng cũng ngầm đổi ý, theo tiết lộ của một quan chức giấu tên.
Bộ trưởng Esper sau đó cho 700 lính dù trở về Pháo đài Bragg, bang North Carolina. Theo tiết lộ của một quan chức khác trong Lầu Năm Góc, 900 quân còn lại cùng đơn vị quân cảnh thuộc Pháo đài Drum, bang New York, sớm nhất là ngày 5/6 cũng rút đi.
Hơn 2.000 lính Vệ binh Quốc gia vẫn ở lại Washington, với quân số dự kiến tăng lên 4.500 người.
Người biểu tình sáng 4/6 quay lại khu vực xung quanh Nhà Trắng, tiến đến sát cánh bắc quảng trường Lafayette vì không còn hành lang an ninh của Vệ binh Quốc gia. Chính phủ đã gia cố lại khu vực, bổ sung thêm rào cản bằng bê tông sau rào sắt vòng ngoài Nhà Trắng.
Những diễn biến trong ngày 4/5 được New York Times ví von như một "hiệp định đình chiến" giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Điều này không đồng nghĩa rằng bất đồng giữa hai tòa nhà quyền lực đã kết thúc.
Nguồn thạo tin tiết lộ các cố vấn Nhà Trắng đang thuyết phục Tổng thống Trump đừng sa thải Bộ trưởng Esper. Nhà lãnh đạo vẫn chỉ trích người đứng đầu Lầu Năm Góc cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, vì đã phản đối ý tưởng đưa quân "áp đảo" biểu tình tại các thành phố Mỹ.
Theo một số nhân vật đã trao đổi cùng Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo 73 tuổi chê ông Esper "yếu đuối" trong cuộc khủng hoảng lần này. Dù vậy, qua các trao đổi cá nhân, ông Trump hiểu rõ quyết định sa thải Bộ trưởng Esper sẽ chuốc lấy thêm chỉ trích từ giới tướng lĩnh đương nhiệm lẫn về hưu, gây bất lợi cho chiến dịch tái tranh cử đầy cam go.
Richard Kohn, chuyên gia quan hệ dân sự-quân sự, Đại học North Carolina, nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay giữa giới lãnh đạo chính trị và tướng lĩnh là câu chuyện không mới trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng lần này có yếu tố bất thường và đặc biệt đáng quan ngại.
Trong khi đó, Kori Schake, cựu trợ lý an ninh quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, cảnh báo nhà lãnh đạo đương nhiệm đang làm xói mòn sự chuyên nghiệp của quân đội.
"Việc có quá nhiều sĩ quan tại ngũ lẫn cựu sĩ quan ra mặt bảo vệ hiến pháp cho thấy vụ việc đang làm tổn hại khế ước giữa nhân dân Mỹ và quân đội", bà nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper (giữa, thường phục) lệnh cho 700 lính dù rời thủ đô và trở về doanh trại tại North Carolina. Ảnh: NYT. |
Quân đội độc lập chính trị
"Đây là thời khắc quyết định liệu Bộ Quốc phòng sẽ độc lập về chính trị giữa giai đoạn này, tập trung vào vai trò chính là phòng vệ an ninh quốc gia, hay đơn giản trở thành cánh tay chính trị cho tổng thống", cựu bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nhận định.
Tổng thống Trump đã đe dọa dùng đến Đạo luật Chống nổi loạn năm 1807 để lần đầu tiên sau hơn 2 thế kỷ huy động quân tại ngũ trấn áp biểu tình.
Ý định này khiến nhiều quan chức hàng đầu trong quân đội lo ngại. Tướng Mark Milley đã liên tục phản đối mong muốn của ông Trump, cho rằng quân sự hóa cách phản ứng liên bang là không cần thiết và sẽ làm hại đến quân đội trong nhiều năm sau.
Ngày 3/6, Bộ trưởng Esper cũng công khai ủng hộ lập trường của tướng Milley.
Thời điểm đó, cả hai quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc đối diện nhiều chỉ trích vì tháp tùng Tổng thống Trump đến nhà thờ St.John đêm 1/6. Chuyến đi ngắn của phái đoàn băng qua quảng trường Lafayette gây tranh cãi khi dùng vũ lực để giải tán người biểu tình ôn hòa.
Vụ việc gây bất mãn trong cộng đồng quân đội. Cựu bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đêm 1/6 lần đầu công khai cáo buộc Tổng thống Trump đang tìm cách chia rẽ đất nước. Thông điệp của vị tướng uy tín hàng đầu trong giới quân sự Mỹ nhận được nhiều ủng hộ từ các cựu tướng lĩnh và cả thượng nghị sĩ Lisa Murkowski của đảng Cộng hòa.
Tướng Mark Milley thậm chí phải gửi thông điệp nhắc nhở bộ sậu tư lệnh chủ chốt rằng tất cả quân nhân Mỹ đã thề bảo vệ hiến pháp và hiến pháp "trao cho người dân Mỹ quyền tự do ngôn luận và tụ tập ôn hòa". Động thái cho thấy nhóm lãnh đạo Lầu Năm Góc lo ngại đánh mất sự ủng hộ trong dư luận Mỹ, theo tiết lộ của New York Times.
"Một số lãnh đạo trong quân ngũ cũng ra chỉ thị chống lại phân biệt chủng tộc. Tôi nghĩ họ chỉ có thể làm đến mức đó khi vẫn khoác trên người bộ quân phục và không nộp đơn từ chức", James G. Stavridis, cựu đô đốc và tư lệnh NATO, chia sẻ.
Một số chỉ huy Vệ binh Quốc gia cũng lo ngại việc hỗ trợ cảnh sát dập tắt biểu tình có thể làm hoen ố hình ảnh của lực lượng. Thiếu tướng Thomas Carden, lãnh đạo Vệ binh Quốc gia bang Georgia, cảnh báo việc triển khai binh lính nhằm bảo vệ người sinh sống trong lãnh thổ Mỹ không nên trở thành một hình ảnh quen thuộc.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ bất kỳ lúc nào được huy động, nhưng tôi cầu nguyện không bao giờ phải làm chuyện này thêm lần nào nữa", ông nói.