Bức hình đầy ám ảnh, trong đó bé gái 23 tháng tuổi Valeria vẫn ôm lấy vai người cha Óscar Alberto Martínez Ramírez, 26 tuổi, cho đến hơi thở cuối cùng trên dòng sông Rio Grande ngăn cách Mexico và Mỹ, một lần nữa buộc công chúng Mỹ đối mặt với thực tế.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo, đã tồn tại quá lâu và cướp đi quá nhiều mạng người, vẫn tiếp diễn không phải ở một nước nghèo, mà ở ngay chính cửa ngõ của Mỹ.
Thi thể hai cha con Ramirez và Vanessa dạt vào bờ sông Rio Grande được tìm thấy vào sáng 24/6. Ảnh: AP. |
Nhiều tờ báo đã so sánh với bức ảnh năm 2015 của bé trai ba tuổi người Syria, Alan Jurdi, bị chết đuối ngoài khơi Kos ở Hy Lạp, sau đó đã hướng sự chú ý của thế giới vào khủng hoảng di dân ở châu Âu.
Cái chết chực chờ
“Trump phải chịu trách nhiệm về những cái chết này”, Beto O’Rourke, cựu nghị sĩ bang Texas, một trong số hơn 20 ứng viên tổng thống bên phía đảng Dân chủ viết trên Twitter. “Chính quyền đã không tuân thủ luật: ngăn cấm người tị nạn ra trình diện để xin tị nạn ở các cửa khẩu. Họ buộc các gia đình phải vượt biên, không đi qua cửa khẩu, với cái chết chực chờ”.
Bức ảnh năm 2015 của bé trai người Syria, Alan Jurdi, chết đuối ngoài khơi Kos ở Hy Lạp, đã hướng sự chú ý của thế giới vào khủng hoảng di dân ở châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California cũng đang tranh cử 2020 bên phía đảng Dân chủ lên án bức ảnh là “vết nhơ trong lương tâm của chúng ta”. Bà viết: “Những gia đình muốn tị nạn đang chạy trốn bạo lực kinh khủng. Và khi họ đến đây thì sao? Ông Trump nói: ‘Ở đâu đến thì về đấy đi’. Như vậy là vô nhân đạo. Trẻ em đang mất mạng”.
Cory Booker, thượng nghị sĩ bang New Jersey và ứng viên đảng Dân chủ cho 2020, cũng đổ lỗi cho tổng thống trên Twitter: “Chúng ta không nên làm ngơ. Những chính sách nhập cư vô nhân đạo và vô đạo đức của ông Donald Trump đều có hậu quả”.
Trong khi đó, tại một buổi gặp mặt cử tri, ứng viên Elizabeth Warren cũng của đảng Dân chủ ngay lập tức đồng ý sẽ đến thăm trung tâm tạm giam dành cho người vượt biên ở bang Florida, sau yêu cầu từ một khán giả. Bà kêu gọi “thêm viện trợ” cho vùng Trung Mỹ.
Cung đường chết chóc
Tuy nhiên, hai ứng viên dẫn đầu của đảng Dân chủ là Joe Biden và Bernie Sanders vẫn im lặng. Tổng thống Trump thì dùng cơ hội này để công kích đảng Dân chủ, và kêu gọi xây tường biên giới.
“Nếu họ thay đổi luật thì họ đã không (xảy ra chuyện) như vậy”, ông Trump nói với các phóng viên tại bãi cỏ Nhà Trắng hôm 26/6.
Ngay sau đó, ông viết trên Twitter: “Các thành viên đảng Dân chủ nên sửa đổi các lỗ hổng và luật tị nạn để có thể cứu được các mạng sống ở biên giới phía nam của chúng ta. Họ nói rằng không có khủng hoảng tại biên giới, điều đó chỉ là bịa đặt. Nay họ thừa nhận rằng tôi đúng – Thế nhưng họ phải làm gì đó về vấn đề này. Hãy sửa chữa luật ngay!”.
Alessandro Gisotti, một người phát ngôn của Giáo hoàng Francis nói rằng ông đã vô cùng đau buồn khi nhìn thấy bức ảnh thương tâm. “Đức Thánh Cha vô cùng đau buồn khi nhìn hình ảnh người cha và đứa con gái nhỏ chết đuối trên sông Rio Grande trong lúc tìm cách vượt qua biên giới giữa Mexico và Mỹ”, ông Gisotti nói.
“Giáo hoàng vô cùng thương cảm trước cái chết của họ và cầu nguyện cho hai cha con cũng như tất cả những di dân đã mất mạng sống khi đang tìm đường chạy trốn chiến tranh và bất hạnh.
Bức ảnh gây rúng động được đăng tải sau nhiều tuần có các vụ việc đau lòng liên quan đến di dân cố gắng vào Mỹ, đặc biệt qua tuyến vượt sông Rio Grande chảy xiết.
Nhiều tuần nay có nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến di dân cố gắng vào Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Biên giới Mỹ - Mexico dài hơn 3.200 km từ lâu đã là "cung đường chết chóc". Tổng cộng 283 trường hợp di dân tử vong được ghi nhận trong năm 2018. Con số năm nay được cho là tăng vọt, song chưa được công bố.
Tuy nhiên, AP cho biết đã có nhiều bi kịch của di dân chỉ trong vài tuần qua. Hai trẻ sơ sinh, một trẻ 1-2 tuổi, và một phụ nữ chết vì sốc nhiệt ngày 23/6. Ba trẻ em và một người lớn từ Honduras chết vì lật bè vào tháng tư. Một trẻ 6 tuổi từ Ấn Độ chết ở bang Arizona, nơi có nhiều sa mạc, khi nhiệt độ vượt quá 38 độ C.
Ngày 26/6, khủng hoảng tiếp diễn ở Điện Capitol tại thủ đô. Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật nhằm gửi viện trợ xuống biên giới phía nam, sau khi bác bỏ một dự luật viện trợ biên giới khác được Hạ viện do đảng Dân chủ thông qua ngày 25/6. Giờ đây, dự luật mới sẽ được chuyển sang để Hạ viện hòa giải các khác biệt.