Ngày 4/3, đảng Dân chủ mở thêm một cuộc điều tra “lạm dụng quyền lực” nhằm vào Tổng thống Trump, bắt đầu bằng việc yêu cầu cung cấp tài liệu đối với hơn 81 quan chức, nhân viên trong chính quyền, gia đình và đế chế bất động sản của ông.
CNN nhận định tổng thống Mỹ đang ở trong thế yếu. Ngay tuần trước, trong 3 ngày điều trần, Michael Cohen, từng là luật sư riêng của ông Trump, đã công khai miêu tả tổng thống là “kẻ lừa đảo”. Trong khi đó, công tố viên đặc biệt Robert Mueller được kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất báo cáo về cuộc điều tra của mình.
Ông Trump viết trên Twitter tối ngày 3/3 gọi đảng Dân chủ là “điên cuồng” và đang “quấy rối tổng thống” đồng thời công kích giới truyền thông là “độc ác và tham nhũng nhất mà một tổng thống từng phải đối mặt”.
“Cơn ác mộng pháp lý” cho TT Trump
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler (Hạ nghị sĩ, đảng Dân chủ) khi trả lời phỏng vấn đài ABC (Mỹ) ngày 3/3 đã nói yêu cầu cung cấp tài liệu nói trên nhằm mục đích “đưa ra để người Mỹ kết luận về việc cản trở công lý, tham nhũng, và lạm dụng quyền lực” của tổng thống.
Khi được hỏi tổng thống có cản trở công lý hay không, ông Nadler trả lời “tôi tin như vậy”. Ảnh: AP. |
Ông nhấn mạnh lập trường của đảng Dân chủ trong Hạ viện là việc luận tội “vẫn còn xa”, để tránh việc đảng Cộng hòa gọi cuộc điều tra mới này là cách lật đổ tổng thống Mỹ, CNN nhận định. Ông nói việc cung cấp thông tin không nằm trong một cuộc điều tra luận tội chính thức.
Nhưng ông Nadler nói ông tin rằng tổng thống đã cản trở công lý, và đây là một vi phạm có thể bị luận tội.
Với quyền lực và chức vị của ông Nadler, những phát biểu của ông trên truyền hình đã khiến “cơn ác mộng về chính trị và pháp lý” của ông Trump càng trở nên trầm trọng, và đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đối đầu giữa phe Dân chủ trong Hạ viện và Tổng thống Trump, theo CNN.
Nhà Trắng sẽ phải chịu thêm nhiều sức ép giữa thời điểm Washington đang đợi diễn biến mới từ báo cáo đã được chờ đợi từ lâu và sẽ sớm được công bố của công tố viên Robert Mueller.
Đối diện với cuộc điều tra của ông Nadler, song song với các cuộc điều tra của các ủy ban giám sát và tình báo trong Hạ viện, tổng thống Trump đã thực sự đứng trước một cuộc đối đầu chính trị với Quốc hội, điều chưa từng xảy ra trong hai năm đầu của nhiệm kỳ khi đảng Cộng hòa nắm cả 2 viện. Tất nhiên, đó là chưa kể đến cuộc điều tra của ông Mueller và của các công tố viên ở bang New York.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, trao đổi với các phóng viên sau phiên điều trần luật sư Michael Cohen. Ảnh: AP. |
Tổng thống bị “bao vây”
Tới thời điểm này, ngay cả khi công tố viên đặc biệt không tìm ra sai phạm nào của Tổng thống Trump, rắc rối về pháp lý của ông vẫn sẽ dai dẳng trong suốt phần còn lại của nhiệm kỳ và sau đó, CNN bình luận. Ông Trump ngày càng tỏ ra giận dữ với việc bị “bao vây”.
Ông dành cả cuối tuần vừa rồi tạo dựng những lý lẽ sẵn sàng biện minh cho bản thân nếu một trong những cuộc điều tra kết luận ông phạm tội, và thắt chặt quan hệ với đảng Cộng hòa, vốn sẽ là nhân tố then chốt cứu tổng thống Mỹ khỏi bị luận tội trên Thượng viện, dù Hạ viện có quyết định như vậy.
“Tôi vô tội nhưng bị truy tố với những người rất xấu và tham nhũng, trong một cuộc Săn Phù thủy phi pháp và không nên được tiến hành”, tổng thống viết trên Twitter ngày 3/3.
Trong một bài phát biểu không chuẩn bị trước tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 2/3, Tổng thống Trump kịch liệt đả kích ông Mueller và cuộc điều tra của ông.
“Có những người làm trong những vị trí, họ làm ở đó quá lâu mà lẽ ra không đáng được ở đó, và tự nhiên, họ tìm cách làm hại bạn với những điều quỷ quái”, Trump nói ở CPAC.
Ông Trump cũng tính trước cách biện minh cho mình về các bê bối liên quan, đặc biệt là việc ông kêu gọi Nga hack thêm email của Hillary Clinton năm 2016, và việc ông sa thải cựu giám đốc FBI James Comey năm 2017.
Ông nói ông chỉ có ý “mỉa mai” khi kêu gọi Nga tiếp tục hack email của bà Clinton, và chỉ muốn cố hài hước với khán giả.
Tổng thống Trump đã đả kích các kẻ thù chính trị của mình tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ hôm 2/3, trong bài phát biểu dài 2 tiếng đồng hồ, dài nhất kể từ khi nắm quyền. Ảnh: AP. |
Nhóm của ông Mueller đã đệ trình cáo trạng đối với 12 nhân viên tình báo Nga, cáo buộc họ đã bắt đầu hack email cá nhân của bà Clinton cùng ngày mà ông Trump kêu gọi - 27/7/2016.
Những người chỉ trích cho rằng lời kêu gọi của ông Trump là ví dụ hiển nhiên cho việc chiến dịch của ông thông đồng với nỗ lực can thiệp bầu cử của Nga.
Tại CPAC, ông Trump cũng phản đối các cáo buộc nói ông đã cản trở công lý khi sa thải ông Comey để chặn cuộc điều tra Nga: “Tôi nói với vợ tôi rằng ‘tôi phải làm điều này, hắn ta là người xấu … nhưng đây sẽ là điều tốt, vì được 2 đảng ủng hộ, và mọi người sẽ đều thích’, vì vậy tôi sa thải ông Comey”.
Nhưng tháng 5/2017, ông Trump nói với NBC News ông có nghĩ đến “vấn đề Nga” khi sa thải Comey.
Phía luật sư của ông Trump đã nói vì là người đứng đầu chính phủ và ngành tư pháp, tổng thống có quyền sa thải bất kỳ ai trong ngành hành pháp, và như vậy không phạm tội cản trở công lý.
Tổng thống không tự tin với kết quả
Cuộc điều tra ông Mueller chưa công bố bằng chứng nào cho thấy ông Trump phạm tội cấu kết với Nga can thiệp bầu cử hay cản trở công lý.
Tuy nhiên, một loạt các cáo trạng nhắm vào một số cố vấn dưới quyền Trump đã gây nhiều đồn đoán về kết luận cuối cùng sẽ được trình lên Bộ trưởng Tư pháp William Barr.
Ông Trump đã liên tục lên án cuộc điều tra của ông Mueller là cuộc “săn phù thủy” và điều tra “bịa đặt”, nhằm làm mất uy tín của những kết luận mà ông Barr sẽ lựa chọn chia sẻ với Quốc hội Mỹ và công chúng.
Nhưng việc ông ngày càng giận dữ, đả kích các cuộc điều tra chính trị và pháp lý khác nhau lại càng tạo ấn tượng rằng ông không tự tin với những kết luận sắp được công bố.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Nadler cáo buộc ông Trump “đã công kích những chức năng cốt lõi … của nền dân chủ”, còn Quốc hội “đã không thực hiện giám sát”. Ông cáo buộc đảng Cộng hòa đã “che chở” cho tổng thống.
Cuộc điều tra của ủy ban của ông sẽ tập trung vào mọi mặt như công việc kinh doanh, chiến dịch tranh cử, chuyển giao chính quyền, lễ nhậm chức và nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, dựa trên các cáo buộc như tham nhũng, cản trở công lý, chuyển tiền để che đậy việc ngoại tình, thông đồng với Nga và các cáo buộc ông Trump đã lạm dụng vị trí của mình cho mục đích cá nhân.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong một buổi điều trần tháng 2/2019. Ảnh: AP. |
Cuộc điều tra rộng lớn này sẽ là cơ sở để đảng Dân chủ có thể luận tội nếu họ chọn đi theo con đường đó.
Đảng Cộng hòa đã cáo buộc ông Nadler cùng đảng Dân chủ đang lên sẵn các cuộc điều tra mới đề phòng trường hợp các kết luận của ông Mueller không đủ để dẫn đến luận tội.
“Tôi nghĩ nghị sĩ Nadler đã muốn luận tội tổng thống kể từ ngày đầu tiên tổng thống nhậm chức”, lãnh đạo phe Cộng hòa thiểu số trong Hạ viện Kevin McCarthy nói trên chương trình This Week của đài ABC. “Ông đã nhắc đến chuyện luận tội từ trước khi ông lên làm chủ tịch Ủy ban Tư pháp”.
Ông McCarthy cũng lập luận rằng việc ông Trump chuyển tiền cho 2 phụ nữ đã cáo buộc ông ngoại tình với họ trước khi lên làm tổng thống không nghiêm trọng tới mức phải luận tội.
Ông Cohen vào tuần trước đã trình ra tờ séc 35.000 USD, là khoản tiền mà ông Trump trả lại ông Cohen sau khi ông Cohen chuyển tiền cho 2 phụ nữ trên thay cho ông Trump. Đây có thể được coi là vi phạm luật tài chính tranh cử. Nhưng ông McCarthy lập luận rằng vi phạm như vậy chỉ đáng bị phạt, chứ không phải cớ để Quốc hội kiện cáo với tổng thống.