Ngày 9/4, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên các mặt hàng trị giá 11 tỷ USD của Liên minh châu Âu, làm gia tăng căng thẳng về tranh chấp trợ giá máy bay xuyên Đại Tây Dương.
Mỹ và châu Âu từ lâu đã mắc kẹt trong cuộc cãi vã kéo dài nhiều năm về các yêu cầu viện trợ trái luật cho các gã khổng lồ máy bay, cụ thể là Airbus và Boeing, để họ có được lợi thế trong sân chơi kinh doanh máy bay phản lực toàn cầu.
Cuộc phân xử đã được WTO tiến hành trong gần 15 năm, và giờ nó đang đi đến hồi kết.
“WTO đã phát hiện ra rằng các khoản trợ giá của EU cho Airbus đã tác động xấu đến Mỹ, nên giờ chúng tôi sẽ tăng thuế quan lên mức 11 tỷ USD cho các sản phẩm của họ! EU đã lợi dụng Mỹ về mặt thương mại trong nhiều năm. Điều đó sẽ sớm dừng lại!”, Trump viết trên Twitter.
TT Trump nói chuyện với các quan chức Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Sự chỉ trích công khai của Tổng thống Donald Trump diễn ra ngay cả khi chính quyền ông vẫn chưa thực hiện xong các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay các nước láng giềng Mexico và Canada.
Một ngày trước đó, đại diện Thương mại Mỹ đã đề xuất đánh thuế các sản phẩm của EU, từ máy bay thương mại cho đến rượu vang, sản phẩm từ sữa. Danh sách cuối cùng dự kiến được trình ra ngay mùa hè này.
Đáp lại, Ủy ban châu Âu cho biết họ đã vạch ra kế hoạch trả đũa các khoản trợ giá của Boeing.
“Ủy ban đang bắt đầu chuẩn bị để EU có thể kịp thời hành động dựa trên quyết định của trọng tài quốc tế về quyền trả đũa trong trường hợp này. EU vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ để đi đến một kết quả công bằng”, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nói.
Airbus cho biết họ không thấy có cơ sở pháp lý nào cho hành động của Mỹ và lên tiếng cảnh báo về tình trạng căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
EU đã phải đối mặt rào cản thuế quan mà Mỹ đặt ra cho ngành thép và nhôm. Trump cũng nhiều lần đe dọa sẽ tấn công vào mặt hàng xe hơi từ EU như một đòn trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire, nói tại hội nghị ở Paris rằng 2 bên cần đạt được thỏa thuận thân thiện.
“Khi tôi chứng kiến tình trạng tăng trưởng toàn cầu hiện nay, tôi không nghĩ chúng ta đủ khả năng để tham gia vào một cuộc xung đột thương mại, ngay cả khi cuộc chiến đó chỉ gói gọn trong ngành công nghiệp máy bay giữa Mỹ và EU”, Le Maire nói.
Bên cạnh vấn đề máy bay, thuế quan cho ôtô cũng gây đau đầu đến các quốc gia trong EU. Đức đặc biệt e ngại loại thuế này khi Mỹ là thị trường lớn cho hãng sản xuất như Volkswagen, Daimler và BMW.
Tập đoàn tài chính Moody đánh giá thuế quan của Mỹ lên ôtô và các phụ tùng có khả năng gây nguy hiểm đến tăng trưởng toàn cầu cũng như cản trở đà tăng trưởng kinh tế ở Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.