TSMC công bố công nghệ A16 tại Hội nghị công nghệ Bắc Mỹ ở California. Ảnh: VCG. |
TSMC cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất chip 1,6 nanomet vào năm 2026 giữa thời điểm các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới chạy đua giành vị trí dẫn đầu toàn ngành trong thập kỷ tới.
Công ty này vừa giới thiệu công nghệ A16 của mình tại Hội nghị chuyên đề công nghệ Bắc Mỹ ở California vào ngày 24/4. Họ khẳng định công nghệ sản xuất chip 1,6 nm có thể cải thiện đáng kể mật độ và hiệu suất của vi xử lý.
“Tại TSMC, chúng tôi đang cung cấp cho khách hàng bộ công nghệ toàn diện nhất để hiện thực hóa tầm nhìn về AI, nhờ công nghệ silicon tiên tiến nhất thế giới”, ông C.C. Wei, Giám đốc điều hành của TSMC phát biểu tại sự kiện.
Công nghệ mới có các bóng bán dẫn nanosheet được nối với một mạch điện phía sau, giúp cung cấp năng lượng cho chip từ dưới lên thay vì từ trên xuống. Ngoài ra, phương pháp này cho phép tối giản hệ thống dây điện phức tạp bên trong và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo Nikkei Asia, Intel là công ty đầu tiên trong ngành thông báo sử dụng nguồn điện phụ. Công ty cho biết nó sẽ có sẵn ở các công nghệ 20A và 18A (2 nm và 1,8 nm) của Intel ngay sau năm 2025.
Nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ cũng trình làng công nghệ 14A (1,4 nm) vào đầu năm nay.
Nhìn chung, kích thước nanomet nhỏ hơn thường giúp vi xử lý có hiệu năng tốt hơn. Khoảng cách nhỏ cho phép chứa nhiều bóng bán dẫn vào cùng một không gian, giúp tăng cường hiệu suất của chip.
Tuy nhiên, việc sản xuất chip hiện đại ngày càng phức tạp. Ngoài ra, việc phá vỡ các giới hạn của sức mạnh tính toán không chỉ đòi hỏi phải thu nhỏ kích thước của bóng bán dẫn mà còn phải nâng cấp toàn bộ cấu trúc của chúng.
Theo Nikkei Asia, TSMC, Intel và Samsung là những công ty có thể tiếp tục dồn tiền đầu tư để sản xuất bóng bán dẫn tiên tiến và thúc đẩy việc sản xuất chip lên tầm cao mới.
Trong đó, TSMC là công ty dẫn đầu về dịch vụ đúc, gia công chip với thị phần gần 60%, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research. Samsung đứng ở vị trí thứ hai với thị phần khoảng 13%, theo sau là UMC của Đài Loan với 6%.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.