Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TS Việt kiều Mỹ: Xét nghiệm gộp PCR là khí cụ đặc biệt của VN

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, chuyên gia y sinh từ Đại học California, nói Việt Nam đang có trong tay "khí cụ" đặc biệt để kiểm soát dịch Covid-19 là công nghệ AIMS PCR.

Xet nghiem PCR sieu nhay o Viet Nam anh 1

Tại buổi tọa đàm "Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP.HCM chống dịch" chiều 12/8, tiến sĩ Nguyễn Đức Thái - kiều bào Mỹ và là nhà đồng sáng lập của chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam - chia sẻ về phương pháp xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và đề xuất cải tiến công nghệ PCR siêu nhạy cho TP.HCM.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, chiến lược ngăn chặn Covid-19 quan trọng ở bước đầu tiên là phải xác định được người bệnh. Chính phủ hiện đã sử dụng nhiều chương trình xét nghiệm để sàng lọc đối tượng lây nhiễm.

Trong kế hoạch sàng lọc này, Việt Nam đã trải qua nhiều tiến trình thay đổi linh động để đáp ứng được từng bước và từng giai đoạn chống dịch.

“Tới làn sóng thứ 4 này, Việt Nam đối diện với thử thách hoàn toàn khác khi dịch bùng phát trên diện rộng và ở nhiều nơi”, ông Thái nói.

Tùy theo tình hình dịch trong nước, chính phủ đã sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR khi dịch mới bắt đầu và vẫn trong tầm kiểm soát, và xét nghiệm nhanh khi dịch bùng, cần kiểm soát nhanh.

Trong số các phương pháp xét nghiệm, tiến sĩ Thái đặc biệt chú trọng đến công nghệ xét nghiệm gộp AIMS PCR và khuyến nghị thành phố nên đẩy mạnh phương pháp này.

Tiềm năng lớn từ công nghệ xét nghiệm gộp

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu hôm 15/7 thừa nhận áp lực lấy mẫu theo chỉ tiêu lớn làm nảy sinh vấn đề như nhập liệu và lấy mẫu chất lượng không cao, gây lãng phí.

"Lượng mẫu rất nhiều nhưng năng lực xét nghiệm thực tế không đạt được mức độ lấy mẫu, nên nảy sinh nhiều việc thực hiện không kịp", ông Châu nói.

Nhận thấy rõ hạn chế này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã thành lập trung tâm điều phối công tác lấy mẫu xét nghiệm và khắc phục các hạn chế, phối hợp giữa lấy mẫu đơn, mẫu gộp và xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tiết kiệm thời gian, có hiệu quả cao hơn.

Xet nghiem PCR sieu nhay o Viet Nam anh 2

Bên trong phòng xét nghiệm tại Bệnh viện TP Thủ Đức, một công xưởng xét nghiệm SARS-CoV-2 quan trọng của TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Tiến sĩ Thái cho bết ông và nhóm của mình đã hợp tác với tiến sĩ Hồ Hữu Thọ của Viện Quân y Hà Nội, và nhận thấy tiềm năng lớn của công nghệ AIMS PCR. Tiến sĩ Hồ Hữu Thọ là nhà khoa học về chẩn đoán và công nghệ xét nghiệm.

Về đặc tính công nghệ AIMS PCR, tiến sĩ Thái cho biết đây là công nghệ có độ nhạy cần thiết để truy tìm người bệnh, và có độ chính xác cao.

Ông nói: “Điều này quan trọng vì các biến chủng xuất hiện nhanh, ở nhiều nơi. Vì vậy khả năng xác định chính xác được virus là giá trị quan trọng mà công nghệ này mang lại”.

Tiến sĩ cho biết một giá trị nữa mà công nghệ AIMS PCR đem đến là chi phí thấp vì có độ nhạy cao.

“Nhờ độ nhạy cao, chúng ta cũng có thể pha trộn nhiều mẫu từ cộng đồng trong một lần xét nghiệm, mà vẫn có thể xác định được virus”, ông giải thích.

Cho đến nay, theo tiến sĩ Hồ Hữu Thọ - Trưởng phòng Công nghệ Gene và Di truyền Tế bào, Học viện Quân y Hà Nội, có thể trộn 100 mẫu từ cộng đồng trong một lần xét nghiệm gộp.

“Khí cụ” mà nhiều nước không có

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái nhận định việc xét nghiệm gộp mẫu mang lại 2 giá trị lớn.

“Giá trị thứ nhất là nhanh chóng xác định và khoanh vùng cộng đồng cần tầm soát. Thứ hai, khi làm gộp mẫu của 100 người, chúng ta có thể tiết kiệm được chi phí để truy tìm F0. Từ đó, có thể tìm ra người bệnh mà không cần phải làm xét nghiệm quá nhiều mẫu”, ông Thái cho biết.

Xet nghiem PCR sieu nhay o Viet Nam anh 3

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến chiều 12/8.

Tiến sĩ giải thích thêm rằng trên thế giới hiện nay, một bộ xét nghiệm PCR chuyên dụng có thể chạy 500-1.000 mẫu/ngày.

Với công nghệ PCR mới là xét nghiệm gộp, con số này có thể được nhân lên 100 lần so với trước đây, tương đương 50.000-100.000 mẫu/ngày.

Trao đổi với Zing, ông Thái nhấn mạnh khi đề cập đến công nghệ xét nghiệm PCR siêu nhạy: “Tôi tin rằng phải xét nghiệm diện rộng và nên chú trọng chiến lược này, vì chúng ta đang có trong tay một ‘khí cụ’ mà nhiều nước trên thế giới không có”.

Ông cho biết tại Mỹ, Viện nghiên cứu Broad có thể chạy 100.000 mẫu xét nghiệm trong một ngày, nhưng với trang thiết bị hiện đại và mức đầu tư khổng lồ, lên tới hàng trăm triệu USD.

Trong khi đó công nghệ xét nghiệm PCR siêu nhạy của tiến sĩ Hồ Hữu Thọ rất kinh tế và hữu dụng.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp vướng mắc trong khâu tổ chức, lên chiến lược và phát huy rộng rãi hơn công nghệ này. Hy vọng lãnh đạo TP.HCM sẽ lưu tâm đến các thí nghiệm của tiến sĩ Hồ Hữu Thọ đang thực hiện tại TP.HCM ngay bây giờ”, ông Thái khuyến nghị.

Kiều bào Mỹ này cho biết ông và nhóm của ông đang hợp tác với phía Mỹ để phát triển mô hình quản lý mẫu, big data và quản trị hệ thống nhằm triển khai xét nghiệm diện rộng, như chính quyền thành phố Vũ Hàn đã làm với hơn 11 triệu dân của họ.

“Đó là những vấn đề chúng tôi đang chú trọng phát triển”, ông Thái thông tin.

Xét nghiệm nhanh là "con dao hai lưỡi"

Trả lời câu hỏi của Zing về việc có nên phổ biến sử dụng bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại nhà để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế TP.HCM hay không, tiến sĩ Nguyễn Đức Thái cho rằng mỗi công nghệ xét nghiệm có một ứng dụng riêng.

Xet nghiem PCR sieu nhay o Viet Nam anh 4

Một nhân viên y tế đang xử lý mẫu xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Bộ kit xét nghiệm được sử dụng khi dịch bệnh đã lan rộng, quy trình lấy mẫu cũng như quản lý gặp khó khăn, và dịch bệnh đã ở cấp độ mà phản ứng kháng nguyên (của bộ kit xét nghiệm) có hiệu quả cao.

Khi đó, bộ kit xét nghiệm nhanh là cách phù hợp để áp dụng cho những nơi như bệnh viện, khu cách ly, người dân nghi nhiễm và có biểu hiện triệu chứng tại nhà…

“Tuy nhiên, đây cũng là 'con dao hai lưỡi'. Một số nghiên cứu cho thấy xét nghiệm nhanh có thể bỏ sót khoảng 50% những mẫu dương tính”, ông Nguyễn Đức Thái nhấn mạnh.

Do vậy, nếu ứng dụng bộ kit xét nghiệm nhanh, cần có một quy trình giáo dục cộng đồng và hướng dẫn hữu hiệu. Nếu không, nó sẽ gây ra những hậu quả đáng lo ngại hơn, tiến sĩ Thái cảnh báo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái nhận bằng tiến sĩ tại Đại học California, Mỹ. Ông là người đã tìm ra gene đầu tiên (được đặt tên là TIGR) gây bệnh tăng nhãn áp (glaucoma) - nguyên nhân chính gây mù lòa cho khoảng 70 triệu người trên thế giới.

Phát hiện gene TIGR (còn được gọi là gene Myoc) đã được cấp bằng phát minh tại Mỹ năm 1997 và được biết đến rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Cùng với hai nhóm nghiên cứu về tế bào học và di truyền học, tiến sĩ Nguyễn Đức Thái đã đạt Giải thưởng Rudi Lewin 1998, giải thưởng cao nhất hàng năm của Mỹ về nghiên cứu nhãn khoa.

Cho đến nay, phát hiện về gene TIGR của ông và đồng nghiệp được nhiều trung tâm nghiên cứu nhãn khoa ở các nước tiếp tục nghiên cứu để áp dụng cho chẩn đoán và điều trị.

Với việc khám phá gene TIGR, ông có lẽ cũng là người Việt Nam duy nhất đóng góp một gene có bệnh lý quan trọng cho Bộ gene Người (được hoàn thành và công bố năm 2001), theo Tạp chí Hoạt động Khoa học (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Ông cũng là người đồng sáng lập chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam.

Đầu năm 2010, tiến sĩ Nguyễn Đức Thái được mời về nước tham gia tư vấn thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) tại Khu Công nghệ cao (CNC) TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến ở TP.HCM tồn đọng mẫu xét nghiệm

Số lượng mẫu xét nghiệm tại các Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 và bệnh viện dã chiến bị tồn đọng gây khó khăn trong điều trị và xem xét cho người bệnh xuất viện sớm.

Phó thủ tướng gợi ý TP.HCM tập huấn dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định việc lấy mẫu xét nghiệm là đơn giản và TP.HCM có thể tập huấn để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh, có sự giám sát của nhân viên y tế.

Hương Ly - Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm