“Đây là nguy cơ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng phải đối mặt trong năm nay. Thực sự là như vậy, kể từ khi đại dịch bắt đầu”, Thủ hiến vùng lãnh thổ thủ đô Australia, ông Andew Barr cho biết.
Đường phố ở Australia vắng lặng trong thời đại dịch. Ảnh: BBC. |
Sau giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020, thành phố Canberra chưa phải thực hiện phong tỏa. Cũng theo ông Barr, ca bệnh mới nhất đã tiếp xúc nhiều với cộng đồng kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2, AFP đưa tin.
Sau nhiều tháng theo đuổi chiến lược “không có ca mắc Covid-19”, giờ đây Australia lại chật vật trước biến chủng Delta. Hơn 10 triệu dân ở các thành phố lớn nhất cả nước, như Melbourne hay Sydney, cũng phải phong tỏa để hạn chế tốc độ lây nhiễm.
Phần lớn tiểu bang New South Wales đã bị phong tỏa từ cuối ngày 11/8, trước lo ngại cộng đồng người bản địa dễ bị ảnh hưởng trong đại dịch.
Bác sĩ Marianne Gale từ hệ thống y tế New South Wales Health tuyên bố: “Tôi yêu cầu các cộng đồng thổ dân hãy ở nhà, đi xét nghiệm nếu có triệu chứng và vui lòng tiêm bất kỳ loại vaccine ngừa Covid-19 nào trong thời gian sớm nhất có thể”.
Thành phố Sydney đang trở thành tâm dịch ở Australia, ghi nhận gần 6.500 ca mắc và 36 ca tử vong từ đợt bùng phát dịch vào giữa tháng 6. Từ ngày 12/8, thành phố bắt đầu phong tỏa, dự kiến ít nhất 9 tuần, với nhiều quy định khắt khe hơn tại các điểm nóng.
Năm 2020, công tác chống dịch của Australia từng được dư luận quốc tế đánh giá cao. Song chiến dịch tiêm chủng ở nước này chưa tương xứng với biến chủng Delta siêu lây nhiễm. Australia cũng trở nên phụ thuộc vào lệnh phong tỏa mỗi khi có cụm dịch mới.
Với dân số 25 triệu dân, hiện Australia ghi nhận hơn 37.500 ca mắc và 946 ca tử vong vì Covid-19.