Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TS Phan Hữu Thắng: Hướng dòng vốn FDI để phát triển doanh nghiệp nội

TS Phan Hữu Thắng cho rằng nếu tận dụng tốt dòng vốn FDI sẽ giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, giúp xây dựng một nền kinh tế tự cường, độc lập, tự chủ.

ts phan huu thang anh 1

Ở tuổi 70, TS Phan Hữu Thắng vẫn thoăn thoắt tay chân, tích cực nghiên cứu, viết sách, tư vấn... Dù đã về hưu, ông gần như không có ngày nghỉ tại văn phòng riêng trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội). Ông bộc bạch bản thân vẫn còn đau đáu và tâm huyết với sự nghiệp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), công việc mà ông gần như gắn bó cả đời.

TS Phan Hữu Thắng nguyên là Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Năm 2021, ông xuất bản cuốn sách song ngữ FDI nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới với cái nhìn thời sự về dòng vốn FDI, giữa bối cảnh trong nước và thế giới biến động mạnh. Cuốn sách được các học giả và công chúng đánh giá cao về chất lượng nội dung và lọt vào vòng chung khảo Giải sách quốc gia lần thứ V - 2022.

Nhân dịp này, Zing đã có bài phỏng vấn TS Phan Hữu Thắng. Ông chia sẻ nhiều về tâm huyết thực hiện cuốn sách, cũng như mong muốn FDI đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Hai mặt của dòng vốn FDI

- Là người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp thu hút FDI, ông đã nung nấu và cho ra đời cuốn sách như thế nào?

- Năm 2020 và 2021, thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khối doanh nghiệp FDI cũng không nằm ngoài điều đó. Chính phủ đã đề ra "mục tiêu kép" là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng quá nặng nề đến nền kinh tế.

Trong khi đó, bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi, cạnh tranh địa chính trị, kinh tế giữa các quốc gia liên tục tạo ra những thách thức mới tới kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Là một người có nhiều năm làm việc, quan sát, nghiên cứu về lĩnh vực FDI, tôi thấy rằng việc thu hút dòng vốn này cũng đặt ra "nhiệm vụ kép" của riêng nó. Nghĩa là chúng ta vừa phải có chiến lược thu hút FDI một cách hiệu quả, chất lượng, coi là một động lực quan trọng phát triển đất nước; nhưng cũng phải tận dụng dòng vốn đó để chúng ta xây dựng một nền kinh tế tự cường, độc lập, tự chủ.

Đó cũng là những vấn đề mà tôi mổ xẻ trong cuốn sách, cũng như đề xuất các giải pháp một cách cụ thể.


ts phan huu thang anh 2

Một số tác phẩm của TS Phan Hữu Thắng. Ảnh: H.C.

- "Bối cảnh mới" của dòng vốn FDI đã thay đổi nhanh chóng ra sao thưa ông?

- Trong thế giới ngày nay, tôi thấy rằng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng thể hiện rõ, mà gay gắt nhất là cạnh tranh thương mại. Thế giới cũng ngày càng đa cực hơn, các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... cũng được nhiều nước quan tâm. Gần đây, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Khi thế giới ngày càng thay đổi, các nước lớn đều phải tính lại chiến lược của riêng mình, trong đó có chiến lược thương mại và đầu tư. Quốc gia nào cũng phải sản xuất, phải tồn tại, lo an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế ổn định, triển vọng, vẫn thu hút số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào. Nhiều dự án FDI lớn vẫn đổ vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19.

Chúng ta cũng nhìn ra năng lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa tận dụng một cách hiệu quả những cơ hội mà dòng vốn FDI đem lại.

TS Phan Hữu Thắng

Trong khi đó, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng đến làn sóng thương mại, đầu tư. Việt Nam là một địa điểm sản xuất và đầu tư hấp dẫn để dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tuy vậy, sau nhiều năm thu hút FDI, chúng ta cũng nhìn ra những mặt trái của dòng vốn này với nền kinh tế. Đó là nhiều vấn đề như công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên lao động, chuyển giao công nghệ còn chậm, giá trị gia tăng thấp, chuyển giá, đầu tư núp bóng, đầu tư chui...

Và chúng ta cũng nhìn ra năng lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa tận dụng một cách hiệu quả những cơ hội mà dòng vốn FDI đem lại.

Do vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn nhận rõ bối cảnh mới, để có chiến lược thu hút FDI một cách hiệu quả hơn. Và tôi rất mừng là năm 2019, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã đưa ra một Nghị quyết về chiến lược thu hút FDI với những góc nhìn đầy mới mẻ.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

- Một trong những vấn đề lớn nhất của FDI là việc chuyển giao công nghệ, liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn yếu. Theo ông, vấn đề nằm ở đâu?

- Cách đây nhiều năm, tôi từng dẫn rất nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đi tìm các nhà cung cấp nội địa, nhưng vẫn thiếu doanh nghiệp nội địa đáp ứng đủ khả năng sản xuất. Đó là chưa kể năng lực về quản trị, vốn, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực...

Gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp tạo dựng được vị thế của Việt Nam, có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng số lượng những doanh nghiệp này chưa nhiều.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất để nâng cao mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa là cần phải đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực mũi nhọn, then chốt, tránh tràn lan, dàn trải.

ts phan huu thang anh 3

Sau hàng chục năm đổi mới, Việt Nam là một trong những nước thu hút FDI thành công nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: Hoàng Hà.

Ví dụ, chúng ta xác định công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những lĩnh vực trọng tâm cần đầu tư và phát triển, thì cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Nhà nước có thể đóng vai trò là "bà đỡ" với một số doanh nghiệp nhất định đủ năng lực, hỗ trợ họ về vốn, công nghệ, nhân lực, đất đai... Song song đó, cần đặt ra những điều kiện cụ thể cho các doanh nghiệp FDI về công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam, năng lực sản xuất các sản phẩm cụ thể... Các doanh nghiệp nội địa khi nhận hỗ trợ cũng phải có những cam kết cụ thể tương tự, đảm bảo nâng cao năng lực của chính mình.

Tương tự, chúng ta có thể chọn những ngành có tính chất mũi nhọn như cơ khí chính xác, điện tử, viễn thông, công nghệ số, các ngành công nghiệp 4.0 khác... để đầu tư tương tự. Khi các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và lớn mạnh, họ sẽ lan tỏa trong ngành, lĩnh vực của mình, tiếp tục dìu dắt thêm các doanh nghiệp khác, tạo ra một sự phát triển chung cho cả nền kinh tế.

Tất nhiên, điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải rất thông thoáng, minh bạch, tránh thủ tục phức tạp, cơ chế xin - cho, rất có thể khiến doanh nghiệp nản lòng. Và chúng ta phải lưu ý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số ít lĩnh vực. Đi kèm đó là phải kiểm tra, giám sát và thực thi hiệu quả chính sách.

Cần có chiến lược thu hút FDI

- Hiện tại, nhiều địa phương đổ xô thu hút FDI, đặt ra nhiều điều kiện để thu hút dòng vốn này. Theo ông, chúng ta có nên mở một cách quá thông thoáng hay không?

- FDI là quan trọng với phát triển kinh tế, nhưng không phải là tất cả với các ngành, lĩnh vực. Khi đánh giá trên bình diện chung, tôi thấy rằng rất nhiều nước cũng đưa ra các ưu đãi như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta muốn hướng dòng vốn vào đâu, có hiệu quả hay không thì phải có chiến lược cụ thể và bài bản.

Từ lâu, tôi nghĩ rằng cần có một quy hoạch về thu hút FDI một cách bài bản dựa trên thực tiễn của Việt Nam. Nghĩa là chúng ta xác định ưu đãi đến đâu, thu hút vốn vào lĩnh vực gì, ngành nào, địa bàn ở đâu... chứ không phải ưu đãi chung chung.

Cần có quy hoạch về thu hút FDI một cách bài bản dựa trên thực tiễn của Việt Nam. Nghĩa là chúng ta xác định ưu đãi đến đâu, thu hút vốn vào lĩnh vực gì, ngành nào, địa bàn ở đâu... chứ không phải ưu đãi chung chung

TS Phan Hữu Thắng

Ví dụ, chúng ta cần ưu đãi vào kinh tế số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho nền kinh tế, thì ưu đãi rất cao cho lĩnh vực này. Hoặc nếu muốn thu hút vốn vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng đặt ra các ưu đãi cao, vượt trội.

Một số lĩnh vực có thể chỉ thu hút FDI một cách chọn lọc như bất động sản, nông nghiệp... Chúng ta có những doanh nghiệp bất động sản tốt, chỉ cần thu hút các dự án quy mô lớn, có tính hiện đại cao hoặc là điểm nhận thu hút du lịch mà doanh nghiệp nội địa chưa làm được. Hay trong nông nghiệp thì thu hút vào lĩnh vực chế biến sâu...

Các ưu đãi phải xác định thời gian, điều kiện áp dụng... Ví như chỉ được hưởng quyền lợi này khi đạt được điều kiện kia; tỷ lệ giá trị gia tăng tại Việt Nam là bao nhiêu; dùng bao nhiêu nguyên liệu trong nước...

- Chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện với doanh nghiệp FDI, trong khi các nước trên thế giới lại cạnh tranh khốc liệt để thu hút dòng vốn này. Theo ông, điều đó có gây bất lợi trong cạnh tranh?

- Môi trường đầu tư tại Việt Nam mang tính toàn diện, gồm nhiều vấn đề như chính sách, quản trị, điều hành, thị trường, lao động, sự quan tâm của xã hội... Với các nhà đầu tư, chúng ta đang tích cực hoàn thiện các chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tôi cho rằng không sợ cạnh tranh giữa các nước bởi bản thân các nhà đầu tư sẽ nhận thấy họ làm ăn kinh doanh ở Việt Nam có lãi hay không.

Các nhà đầu tư khi quyết định đổ tiền vào, họ đi khảo sát giữa các nước và luôn đặt ra câu hỏi làm ở nước khác có lãi bằng Việt Nam hay không, an toàn không.

Do đó, khi thiết kế chính sách, chúng ta luôn đặt ra các điều kiện nhưng cân đối lợi ích hài hòa nhà đầu tư - nhà nước - người lao động.

Đôi cánh giúp nền kinh tế chuyển mình

Sách "FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới" nhận định đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những động lực quan trọng trong quỹ đạo thị trường mở cửa hội nhập quốc tế.

Những cuốn sách được đề cử Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm

Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã tập hợp được những tác phẩm hay, có giá trị để xét trao giải năm nay.

Nhung nguoi dan ba yeu cai dep hinh anh

Những người đàn bà yêu cái đẹp

0

“Những người gánh sông trăng” (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt đã tạo sự chú ý. Nhiều người bảo thơ không có độc giả, nhưng tác phẩm này dù mới in 1000 cuốn, vậy mà trong một ngày đã lập tức bán hết một nửa.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm