Trở về Việt Nam sau 19 năm làm việc tại Nhật Bản, TS Phan Hữu Duy Quốc, Phó trưởng đại diện Tập đoàn Xây dựng Shimizu, đã đóng vai trò cầu nối quan trọng tại dự án trọng điểm quốc gia metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Từng là vận động viên vô địch Taekwondo ở nhiều giải đấu, Phan Hữu Duy Quốc thừa nhận không đủ dũng cảm để tiếp tục hoài bão trên con đường thể thao.
Năm 1997, ông khép lại giấc mơ võ thuật để theo đuổi học vấn tại Đại học Tokyo Nhật Bản. Tại mảnh đất xa xôi này, TS Phan Hữu Duy Quốc trở thành người nước ngoài đầu tiên được Tập đoàn Xây dựng Shimizu chọn làm nhân viên chính thức sau 210 năm lịch sử của tổ chức.
Sau 19 năm tu nghiệp tại Nhật, ông trở về nước và trở thành Phó trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu, xúc tiến dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
- Khởi đầu ở vị trí nghiên cứu sinh, ông đã chinh phục và được nhận làm việc tại Tập đoàn Shimizu Nhật Bản như thế nào?
- Sau 8 năm học tập và nghiên cứu tại Đại học Tokyo, từ năm 1997, tôi nhận thấy trường đại học không mang lại nhiều kiến thức thực tiễn nên quyết định xin vào làm việc tại Tập đoàn Shimizu - một tập đoàn xây dựng lâu đời và lớn nhất Nhật Bản.
Để được nhận vào nhân viên chính thức, trong quá trình làm việc, tôi phải chủ động chứng tỏ năng lực thông qua các dự án thực tiễn lẫn hiệu quả về phát minh công nghệ.
Trải qua 7 năm làm việc tại Shimizu, lần đầu tiên họ chấp nhận một người nước ngoài chính thức vào biên chế sau 210 năm lịch sử của tập đoàn.
Đây không chỉ là sự thay đổi lớn của công ty mà còn là dấu hiệu cho thấy việc sẵn sàng quốc tế hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi lúc đó, lĩnh vực xây dựng vẫn là một ngành tương đối bảo thủ tại Nhật.
- Những cơ hội và thách thức nào đã đến với ông?
- Tôi được sớm tiếp cận rất nhiều công nghệ về xây dựng cũng như cách thức quản lý trong tập đoàn lớn, việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổng thể, việc phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng, hay tiếp cận xây dựng công trình ngầm phức tạp trong đô thị. Đó là những cơ hội dù ở lâu trong trường đại học cũng không thể tích lũy được.
Để vào biên chế Shimizu, năng suất làm việc của mình buộc phải ngang hàng thậm chí hơn người bản xứ. Ví dụ, người Nhật thường làm việc ngoài giờ khoảng 80-100 giờ/tháng, họ lao động rất chăm chỉ, thường làm cho xong việc chứ không làm hết giờ. Mình “nhập gia tùy tục” nên cũng phải nỗ lực như thế.
Mặt khác, các công ty tại Nhật rất quan trọng vấn đề về thâm niên. Nhưng tôi dù đến sau, đã luôn mạnh dạn đề xuất các nghiên cứu, công nghệ và cách làm mới. Tôi mong muốn chứng minh cho họ thấy thâm niên không phải thứ duy nhất để đánh giá năng lực một kỹ sư. Tất nhiên, điều đó rất khó khăn trong một nền văn hóa mà mọi thứ đều chuẩn chỉ và theo trình tự như Nhật.
Việc vượt qua văn hóa tôn trọng thâm niên để đề cao năng lực cá nhân là một thách thức rất lớn.
- Vậy làm thế nào để ông thích nghi trong môi trường làm việc kỷ luật nghiêm khắc tại Shimizu cũng như Nhật Bản?
- Luôn có kế hoạch cẩn thận và tỉ mỉ nhất có thể, đúng giờ và giữ lời hứa, vì người Nhật ít chấp nhận lời xin lỗi cho việc trễ deadline, thậm chí họ không muốn lắng nghe điều đó.
- Những trở ngại ông thường gặp phải trong quá trình làm việc cho một tập đoàn lớn và nguyên tắc như Shimizu là gì?
- Với lòng tự tôn có phần bảo thủ của người Nhật, tất nhiên họ không dễ dàng đón nhận tôi. Có lần, trong vai trò hướng dẫn kỹ thuật cho một công trình vùng xa, tôi bị các kỹ sư mời về và nói không cần đến. Tôi hiểu rằng những người ở đây chưa thật sự sẵn sàng đón nhận việc một người nước ngoài như tôi chỉ dẫn họ.
Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Dù vậy, người Nhật cũng rất công bằng. Họ ghi nhận việc tôi đến từ một đất nước xa xôi nhưng không ngại bản thân là người nước ngoài đã mạnh dạn tiếp cận, viết email trao đổi công việc… Có thể chính tả của tôi không hoàn hảo như người Nhật nhưng suy cho cùng, họ đánh giá cao thái độ của mình.
Hay việc tôi đưa ra những phát minh công nghệ cũng cơ số lần bị từ chối. Nhưng khi những phát minh có thể ứng dụng ngay vào công trường thì họ đã thay đổi suy nghĩ.
- Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án trọng điểm của TP.HCM cũng như cả nước. Đây có phải dự án phức tạp đầu tiên ông tham gia với vai trò điều phối và kỹ sư "cầu nối"?
- Ở Nhật tôi tham gia nhiều dự án xây dựng trong đô thị. Nhưng dự án metro số 1 chính là lý do tôi trở về nước sau 19 năm tu nghiệp ở Nhật Bản.
Tôi được tập đoàn cử về Việt Nam xúc tiến dự án metro và một số dự án khác trong vai trò điều phối và làm cầu nối. Sau dự án metro, tôi tiếp tục với dự án cầu Bình Khánh (trên cao tốc Bến Lức - Long Thành) có quy mô trên 200 triệu USD.
- Điều gì đã khiến Shimizu lựa chọn ông đến Việt Nam thực hiện dự án metro số 1 thay vì nhiều nhân sự trong nước dày dạn kinh nghiệm khác?
Thời điểm đó, tôi đương nhiệm vị trí kỹ sư chủ chốt. Tôi nghĩ có 3 điều để tập đoàn tín nhiệm mình, đó là xây dựng được mạng lưới chuyên gia, đồng nghiệp trong giới xây dựng, nhuần nhuyễn về ngôn ngữ Nhật, Anh, Việt và nắm rõ chuyên môn kỹ thuật.
Tất nhiên kỹ sư giỏi kỹ thuật ở nước bản xứ rất nhiều, nhưng có thể họ còn thiếu về các mảng kỹ năng mềm mà tôi có thể đáp ứng. Chứ để nói chỉ giỏi về kỹ thuật thì có lẽ tôi khó cạnh tranh được với những kỹ sư Nhật.
- Metro số 1 có khác biệt nhiều so với những dự án ông từng tham gia?
- Đối với công trình đô thị, độ phức tạp kỹ thuật là tương tự, khác biệt ở đây chỉ là vấn đề sẵn sàng về công cụ, công nghệ vật liệu thì chưa hoàn toàn.
Về nhân lực, rất ít kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm. Hầu như họ chưa có trải nghiệm đối với các dự án tương tự, mà chưa trải qua thì chưa mường tượng được. Do đó, hiệu quả công việc cũng không đạt được như mong muốn hoặc thấp hơn.
Mặt khác, cũng có những cái khó trong xây dựng đô thị tại metro, ví dụ có rất nhiều chướng ngại vật hay nhiều công trình ngầm ở bên trong lòng đất mình không có bản đồ mà đến khi thi công mới gặp.
- Metro số 1 mất rất nhiều thời gian để hoàn thành hơn 80% như hôm nay, có thể nói là chậm trễ tiến độ, ông có quan điểm như thế nào về việc này?
- Dự án chậm trễ có nhiều lý do. Tuy nhiên chậm trễ không phải vì cá nhân, người quản lý dự án chậm hay ai đó cố tình làm sai.
Trước mắt là việc chuẩn bị đầu tư, vốn ban đầu được xác định phê duyệt vượt thẩm quyền Thủ tướng nên phải rà soát lại. Thứ hai, về năng lực người làm quản lý dự án cũng chưa đủ mạnh để đẩy nhanh quá trình phê duyệt rà soát. Mặc dù họ có rất nhiều nhiệt huyết nhưng đối với những thứ họ chưa từng làm thì đây cũng là một trở ngại.
Một điều quan trọng khác đó là sự phân cấp quản lý, tức dự án tuy ở TP.HCM hay Hà Nội nhưng đều phải thông qua cơ quan Trung ương thẩm tra, phê duyệt nên sẽ làm gián đoạn quá trình. Do đó, chúng ta cần đặt vai trò các dự án giao thông đô thị là cấp bách để có cơ chế phân quyền quản lý, phân cấp hợp lý.
Ở dự án metro số 1, Ban quản lý đường sắt đô thị thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp làm đại diện chủ đầu tư, nhưng cuối cùng họ cũng không có quyền thay mặt Ban quản lý đường sắt để phê duyệt mà vẫn phải thông qua cơ quan chuyên môn của TP là Sở GTVT. Mà thực tế, Sở GTVT cũng không có nhiều nguồn lực để làm điều đó nên phát sinh thêm nhiều sự chậm trễ khác.
- Được biết ông từng là võ sĩ vô địch ở nhiều trận đấu Taekwondo, ông bắt đầu con đường này như thế nào?
- Tôi bắt đầu tập Taekwondo từ năm 12 tuổi, đến năm 20 tuổi thì trở thành kiện tướng quốc gia đầu tiên trong lịch sử thể thao của tỉnh Bình Thuận. Năm 1993, tôi tiếp tục giành huy chương bạc chung kết giải Taekwondo toàn quốc khi đang theo học ngành xây dựng tại Đại học Bách Khoa TP.HCM. Đến năm 1996, tôi trở thành giảng viên Đại học Bách Khoa và được gọi vào đội tuyển quốc gia năm 1997.
Trước SEA Games 19 khoảng 2 tháng, tôi nhận được thư trao học bổng từ trường Đại học Tokyo (Nhật Bản). Khi tôi phân vân giữa 2 con đường học vấn và thể thao, tôi đã chọn sang Tokyo du học. Rất may khi sang Nhật, tôi vẫn có thể duy trì tập luyện song song học tập.
Năm 2002, sau khi hoàn tất luận án tiến sĩ, tôi thi đấu đạt vô địch quốc gia Taekwondo Nhật Bản hạng trung 78 kg, đến năm 2003 thì đánh bại tuyển thủ vô địch hạng nặng Nhật Bản.
Việc giành huy chương cao nhất năm 2002 cũng làm tôi nguôi ngoai cảm xúc tiếc nuối khi phải rời khỏi đội tuyển quốc gia ở Việt Nam. Thời sinh viên, tôi ước mơ một ngày được gia nhập đội tuyển quốc gia. Khi giấc mơ thành hiện thực thì cũng là lúc tôi nhận được học bổng, tôi đành gác lại hoài bão này.
- Trong khi con đường thể thao rất rộng mở, điều gì khiến ông chọn hướng đi khác?
- Thể thao là một đam mê lớn trong cuộc đời mà tôi không đủ dũng cảm để chọn nó. Vì lúc bấy giờ, tôi không dám tưởng tượng và xem võ thuật là một ngành nghề để theo đuổi. Tuy nhiên tôi cũng rất cảm phục những người nghiêm túc với đam mê và dấn thân theo nghiệp thể thao.
Nhưng ở thế hệ này thì khác, với vị trí hiện tại của ngành thể thao, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tin tưởng vào bộ môn mà mình theo đuổi như taekwondo, karate hay bóng đá… Đây có thể là con đường khắc nghiệt nhưng luôn có chỗ đứng cho người tài.
Với tôi, dù bây giờ không còn tập luyện nhiều như ngày xưa, vẫn duy trì một số buổi trong tuần. Tôi theo đuổi việc luyện tập từ 12 tuổi đến nay, giờ đã trên 30 năm. Vì võ thuật không chỉ mang lại sức khỏe, nó còn cho tôi ý chí, lòng kiên định, cả sự tử tế và sự điềm tĩnh để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận