Ngoài yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú đến khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép), Thủ tướng giao chính quyền các địa phương cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Chuyên gia cho rằng để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần lên kế hoạch chi tiết để hỗ trợ người dân theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục và thời gian.
Rút ngắn thủ tục để hỗ trợ tức thì
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nhấn mạnh trách nhiệm này thuộc về các địa phương. Theo ông, các tỉnh, thành phố phải lên kế hoạch chi tiết, khoa học.
Trước tiên, chính quyền cơ sở, từ cấp tổ dân phố, phải thống kê được số lượng, địa chỉ người đang gặp khó khăn, bị đói ăn, đứt bữa và cần hỗ trợ.
Cơ quan chức năng có thể ứng dụng công nghệ để người dân có điện thoại tự kê khai, sau đó chính quyền thống kê, xác thực lại. Đồng thời, chính quyền địa phương cần giao nhiệm vụ cho lực lượng trực thông tin, không chỉ tiếp nhận thông tin hỗ trợ về dịch bệnh mà cần trợ giúp những trường hợp khó khăn trong cuộc sống, bị thiếu đói.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, việc hỗ trợ người dân khó khăn trong vùng dịch cần rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng có thể giao các chốt kiểm soát dịch trên các địa bàn gồm công an, lực lượng dân phòng, y tế… tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ từ người dân. “Trong những trường hợp cấp bách, người dân có thể đến các chốt này yêu cầu được hỗ trợ”, ông Dũng nói.
Song ông lưu ý việc này cần được lên kế hoạch chi tiết và khoa học vì TP.HCM và những địa phương đang có dịch phức tạp có thể sẽ không đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này. Với hàng triệu người lao động từ nơi khác đến, TP.HCM có thể hỗ trợ cho họ trong vòng một tuần nhưng kéo dài cả tháng là áp lực rất lớn.
Về việc có nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện, ông Dũng nhận định đây là việc làm có ý nghĩa nhưng sẽ có tình trạng người nào may thì được nhận. Vì thế, địa phương cần vận động các tổ chức từ thiện hoạt động theo kế hoạch, có sự phối hợp cùng chính quyền.
Theo ông Dũng, các địa phương khác có thể chung tay đóng góp để san sẻ gánh nặng, áp lực nhưng khó đóng góp được nhiều vì liên quan đến ngân sách. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố không bị dịch bệnh phức tạp có thể kêu gọi, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế trên địa bàn đứng ra cùng đóng góp. Thông qua Hội đồng hương ở những vùng đang có dịch cũng là kênh để hỗ trợ cho công dân của tỉnh mình.
“Chúng ta cần xây dựng một chiến dịch có mục tiêu, kế hoạch và biện pháp cụ thể, như vậy sẽ hiệu quả vì dịch bệnh còn có thể kéo dài. Song mấu chốt là thời gian và quy trình phải hết sức rút gọn”, TS Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý.
Với việc trợ giúp tức thì cho người đang muốn về quê mà phải ở lại vùng dịch, chỉ cần căn cứ vào thông tin kê khai của người dân và sự xác thực của chính quyền cơ sở như tổ dân phố, cơ quan chức năng có thể giải ngân trợ giúp ngay, tránh trình lên nhiều cấp.
Không để ai quá khó khăn mà không được trợ giúp
Là cơ quan tiếp nhận, phân phối các nguồn hỗ trợ chống dịch Covid-19, ngày 2/8, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn (tương đương 51 tỷ đồng) cho các tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Số tiền này lấy từ nguồn kinh phí tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, nhằm giúp các địa phương có thêm động lực đẩy lùi dịch bệnh.
Chia sẻ với Zing, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết những suất ăn này sẽ được các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội mà không thuộc diện hưởng chính sách đã có.
Trước đó, lãnh đạo MTTQ Việt Nam đã trao số tiền hỗ trợ 23 tỷ đồng cho TP.HCM và 5 tỷ đồng cho tỉnh Bình Dương. “MTTQ Việt Nam yêu cầu MTTQ các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận, sử dụng khoản kinh phí này theo đúng quy định, đúng phương châm không để ai quá khó khăn mà không được trợ giúp", bà Ánh nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Quang Vinh. |
Bà Ánh cũng cho biết MTTQ Việt Nam đã có văn bản đề nghị MTTQ các địa phương tăng cường chia sẻ với các tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Còn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi vận động được sẽ phối hợp chuyển hàng hỗ trợ đến cho những nơi đang khó khăn vì dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía nam. Một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang… cũng đang thực hiện rất tốt việc hỗ trợ hàng hóa bằng cả đường thủy và đường bộ.
“Đó chính là tinh thần đoàn kết, là sự ủng hộ, chia sẻ lẫn nhau giúp nhân dân vượt qua khó khăn để chống dịch”, Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam chia sẻ.
Theo bà Ánh, các địa phương, nhất là vùng có dịch, cần chăm lo cho dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, bị mất việc và không có thu nhập. Còn MTTQ và các đoàn thể có thể kêu gọi hỗ trợ bữa ăn và lương thực, thực phẩm giúp bà con đảm bảo cuộc sống.
Chia sẻ điều còn băn khoăn, bà Ánh cho rằng thông tin từ các địa phương về việc hỗ trợ cho người lao động tự do, không có hộ khẩu thường trú được tiêm vaccine có rất muộn, khiến nhiều người dân lo lắng nên phải về quê tránh dịch. Từ thực tế đó, bà mong các địa phương có chính sách cho người lao động tự do ở các tỉnh lẻ sớm được hỗ trợ như người dân của địa phương.
Với số tiền các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch, bà Ánh cho biết 80% được chuyển cho Quỹ vaccine, 20% còn lại sẽ thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ và hỗ trợ cho người khó khăn, đặc biệt là những người lao động tự do mất việc làm, duy trì cuộc sống trong tình hình mới.
Ý nghĩa của chính sách an dân
Nói về ý nghĩa của chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong thời điểm này, TS Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá việc này rất quan trọng. Những giải pháp cụ thể không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân trong lúc đại dịch mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế lâu dài.
“Việc hỗ trợ người dân trong đại dịch rất quan trọng giúp thực hiện được mục tiêu kép vừa an dân, vừa chống dịch. Vì an dân tốt thì mọi người sẽ yên tâm cách ly, nếu không, dân sẽ chạy và làm lây lan dịch bệnh khắp nơi”, ông Dũng phân tích.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Ngoài ra, việc giúp người dân không có thu nhập trong lúc chưa biết bấu víu vào đâu sẽ giúp họ thấy rằng luôn có Nhà nước ở phía sau chăm lo. Niềm tin của người dân dành cho Nhà nước cũng vì thế được củng cố.
“Hơn nữa, thịnh vượng của TP.HCM không chỉ do TP.HCM tạo nên mà do hàng triệu người khắp cả nước về đó đóng góp, nếu không bảo vệ được nguồn lực này thì phục hồi kinh tế của TP.HCM sau đại dịch sẽ rất khó”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Ông nhấn mạnh các chính sách này rất cần thiết cho phát triển kinh tế về dài hạn. Vì chúng ta đang tiến tới xu hướng đô thị hóa. Nhiều gia đình gồm vợ, chồng, con cái cùng về TP.HCM làm việc và trở thành cư dân thành thị. Nếu để họ bất an mà quay về nông thôn là đi ngược lại mục tiêu phát triển. Bởi kinh tế, dịch vụ chỉ có thể phát triển nếu đô thị hóa thành công.