Tận cùng là cái chết không phải là tác phẩm ấn tượng nhất của nữ hoàng trinh thám, nhưng nó có nhiều nét đặc sắc riêng. Cuốn truyện đưa độc giả đến với Ai Cập vào khoảng thời gian 2.000 năm trước Công nguyên, tại Thebes nơi bờ Tây con sông Nile hùng vĩ, những cánh đồng màu mỡ dọc hai bên sông, với sinh hoạt của đại gia đình vị tư tế Imhotep giàu có, chủ nhân của những thuyền buôn đầy ắp xuôi ngược từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Nile.
Truyện Tận cùng là cái chết do NXB Trẻ phát hành, Tuấn Việt dịch. |
Vị tư tế góa vợ sống với bà mẹ già mù, gia đình ba người con trai, cô con gái Renisenb cùng kẻ hầu người hạ. Họ đều làm việc và sống dựa vào ông bố giàu có nhưng độc đoán. Ngày ông ta mang một cô tình nhân tuyệt đẹp tên là Norfet về nhà, mọi rắc rối phát sinh và kẻ giết người bắt đầu hành động.
Cốt truyện bí ẩn về vụ mưu sát hàng loạt của Agatha Christie vẫn hoàn hảo như mọi khi và mặc dù bạn là một người hâm mộ Christie, bạn vẫn sẽ khó khăn để đoán ra kẻ sát nhân. Có một loạt các nhân vật có thể gây nhầm lẫn, và khi bạn bắt đầu nghi ngờ người tiếp theo, họ ngay lập tức bị sát hại! Thậm chí, có độc giả không thể nhớ ai là thủ phạm, mặc dù đọc lại đến lần thứ hai, thứ ba vẫn thấy như mới.
Theo tiểu sử được ghi chép lại, người chồng thứ hai của Agatha Christie là một nhà khảo cổ học nổi tiếng, giáo sư Đại học London, trẻ hơn bà 14 tuổi. Sau khi kết hôn, bà đã dành nhiều thời gian du ngoạn khám phá Trung Đông. Không có gì ngạc nhiên khi Christie truyền tải cảnh sắc Ai Cập rất sống động vào cuốn truyện và mang đến cho chúng ta một không gian lịch sử đặc sắc với bối cảnh xứ Thebes cổ đại.
Việc sử dụng lòng mê tín, đức tin của người Ai Cập cổ tạo ra một bầu không khí huyền bí không thể trộn lẫn. Cốt truyện đầy li kì qua từng trang như mạch chảy của sông Nile hùng vĩ qua các mùa trong năm, với các phần tương ứng với ba mùa chính tại Ai Cập cổ đại: mùa lũ, mùa trồng trọt và mùa thu hoạch.
Christie với người chồng thứ hai, nhà khảo cổ Max Mallowan. |
Và khi đối mặt với quyền lợi và dục vọng, người cổ đại cũng như người hiện đại đều cho thấy phần cái ác xấu xí trong góc tăm tối tâm hồn bắt đầu nở rộ. Tận cùng là cái chết cũng cho người đọc thấy rằng đôi khi những người nhẫn nhịn, phục tùng, nhu mì có thể rất bạo lực và hiểm ác bên trong, mặc dù phía ngoài họ không thể hiện bất cứ điều gì. Và nếu họ không thể phản ứng ra ngoài, họ có thể trút cơn thịnh nộ và thất vọng của mình ở đâu?
Tận cùng là cái chết không có sự xuất hiện của thám tử Bỉ nổi danh Hercule Poirot hay bà Marple, nhưng dù với bối cảnh nào đi nữa thì nữ hoàng trinh thám vẫn luôn biết cách đưa ra những lập luận cho sự phạm tội của nhân vật từ những tham sân si trong góc tối của mỗi con người, khiến độc giả phải ngỡ ngàng đến tận trang cuối. Cái ung nhọt nhiều khi không từ bên ngoài đến mà nảy sinh từ chính bên trong mỗi bản thân, mỗi gia đình, nơi không ai có thể ngờ đến.