Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyện tranh được giải quốc tế lấy cảm hứng từ văn Sơn Nam

Hai tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên chia sẻ về tác phẩm "The first journey" đã đem lại cho họ giải thưởng của Hội đồng Phát triển Văn học Singapore.

- Rất bất ngờ khi giải thưởng dành cho tác phẩm "The first journey" của các bạn đã được trao từ tháng 6 mà tới nay, cộng đồng người yêu truyện tranh ở Việt Nam cũng như báo giới mới được biết đến sự việc. Các bạn cố ý "giấu" thành tích hay vì lý do gì?

Thật ra thì lúc được giải chúng tôi cũng có chia sẻ trên facebook cá nhân, mà chắc mọi người không để ý. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa hoàn thành xong cuốn sách nên chưa có gì nhiều để nói về nó. Hy vọng tới cuối năm nay, "The first journey" sẽ chính thức ra mắt tác phẩm hoàn chỉnh.

Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên nhận giải thưởng của Hội đồng Phát triển Văn học Singapore. Ảnh: RtR

-  Từ khi thông tin về tác phẩm và giải thưởng của các bạn được đăng, rất nhiều độc giả của Zing.vn tò mò về 2 tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên. Các bạn có thể chia sẻ thêm về bản thân? 

- Xin cảm ơn sự quan tâm của mọi người. Quang và Liên hiện đang làm tự do về lĩnh vực minh hoạ ở TP HCM. Chúng tôi có một studio nhỏ riêng tên là Kaa Illustration.

Chúng tôi chủ yếu làm minh họa về sách thiếu nhi, bìa sách và các hạng mục công việc liên quan đến minh họa. Nói chung là vì làm freelance nên cái gì cũng nhận hết. Nhưng chúng tôi cũng còn trẻ, mới bắt đầu theo đuổi công việc nên cũng chưa có nhiều dấu ấn, và chưa được nhiều người biết đến.

Truyện tranh Việt Nam giành giải thưởng tầm cỡ châu lục

Đây là một bất ngờ không nhỏ đối với làng truyện tranh Việt Nam khi tác phẩm không được nhiều người biết đến.

- Quay trở lại với "The first journey", cảm hứng ra đời của tác phẩm này như thế nào?

- Khi bắt đầu thực hiện tác phẩm này, Quang và Liên đang đọc nhiều sách của nhà văn Sơn Nam như cuốn "Hương rừng Cà Mau" và rất thích, nên tụi mình muốn làm một câu chuyện về mùa nước nổi của miền Tây. 

Trong lúc bàn kịch bản, chúng tôi nghĩ về hình ảnh của một chiếc thuyền rất nhỏ đi trên sông và bên dưới là một con rắn khổng lồ, và cả Quang và Liên đều cực kì thích hình ảnh này đến mức quyết định làm cuốn sách từ nó luôn. Nó cũng là trang đầu tiên mà chúng tôi vẽ về cuốn truyện này. 

Từ đó mới có chuyến đi của bé An và cảnh đầu tiên là cảnh bé An bơi xuồng trên sông và bên dưới là một con rắn khổng lồ.

Một bức vẽ của tác phẩm "The first journey".

- Câu chuyện về cậu bé An trên sông nước miền Tây được các bạn chuyển tải sang tranh vẽ rất thú vị và thực sự tạo cảm nhận mới lạ cho người xem. Nhưng các bạn có e rằng sự mới lạ này có thể là "con dao 2 lưỡi" khiến người xem cảm thấy nó... xa lạ với những hình ảnh thực tế của vùng đất này?

- Theo chúng tôi, bản thân một câu chuyện quan trọng nhất là cảm giác mà nó mang đến chứ không hẳn phải hoàn toàn chính xác thực tế như một bộ phim tư liệu. 

Câu chuyện dựa trên góc nhìn của một cậu bé đơn độc trên dòng sông hẳn sẽ khác với cách nhìn của một người lớn, giống như khi còn nhỏ mọi thứ đều trông rất to rộng hơn nhiều so với lúc chúng ta lớn lên. 

Về dấu ấn cụ thể của vùng sông nước miền Tây Nam bộ, các bạn sẽ thấy xuất hiện ở những trang truyện sau mà chúng tôi chưa thể công bố. Ví dụ như hình ảnh đàn cò trắng, bầy trâu len hay chợ nổi trên sông… đều sẽ được tái hiện lại trong tác phẩm.

Sau khi hoàn thiện tác phẩm, các bạn có dự định xuất bản "The first journey"?

- Chắc chắn là có nhưng theo hình thức nào thì chúng tôi cũng chưa tính đến vì tập trung hoàn thiện nội dung đã. Mặt khác, cuộc thi mà chúng tôi tham gia và đoạt giải là do NXB Scholastic Singapore tổ chức nên sau khi chúng tôi hoàn thành tác phẩm có thể sẽ được xuất bản thành sách do nhà xuất bản này phát hành.

Không chỉ là những người cộng sự, Quang và Liên còn là một cặp yêu nhau đã được 3 năm. Ảnh: RtR

Các bạn đã cộng tác với dự án Room to Read từ năm 2012 để ra đời những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Các bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về những tác phẩm này? Chúng đã ra đời chưa và ở định dạng nào (ấn phẩm in hay điện tử) và đối tượng nào đang trực tiếp tiếp cận với những ấn phẩm đó?

- Room to Read là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu giảm tỉ lệ mù chữ tại các quốc gia đang phát triển. Chúng tôi đã  tham gia một chương trình workshop của họ dành cho nhà văn và họa sĩ để thực hiện các tác phẩm truyện cho thiếu nhi. 

Chúng tôi đã thực hiện được 5 tác phẩm nhưng do chương trình của Room to Read nên các đầu sách này chỉ in một số lượng nhất định phục vụ cho các thư viện của dự án dành cho trẻ em vùng sâu vùng xa và không phát hành rộng rãi.

- Đã xảy ra không ít sự việc "mượn" thậm chí là "đạo" các sản phẩm văn chương, nghệ thuật trong bối cảnh "phẳng hoá" cộng đồng những người làm nghề sáng tạo trên khắp thế giới hiện nay.

Cá nhân các bạn có cho rằng người làm công việc sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ luôn cần ý thức cao độ để tránh trở thành hoặc tạo ra những bản sao dù là cố tình hay vô ý?

- Việc đạo tranh hay đạo ý tưởng thời buổi này khá là dại dột vì chỉ vài phút tìm kiếm là người ta sẽ biết hết thôi, chưa kể những hậu quả về vi phạm luật pháp và ghi một dấu sẹo trên hồ sơ của mình (không ai muốn thuê một kẻ cắp làm việc). 

Bạn có thể học hỏi và lấy cảm hứng từ nhiều nguồn, nhưng từ đó hãy chắt lọc tạo ra cái của riêng mình, đó là điều mà mọi người làm công việc sáng tạo trên thế giới đều làm.

Tôi thấy hai bạn đang để trạng thái hẹn hò trên mạng xã hội. Một câu hỏi hơi riêng tư là có phải hai bạn đang yêu nhau?

- Chuyện này đúng là ngại trả lời quá. Chúng tôi đã yêu nhau được 3 năm rồi. Có thể gọi mối quan hệ của chúng tôi vừa là cộng sự vừa là người yêu!

Tháng 6/2015 vừa qua, hai tác giả trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã nhận được giải thưởng Truyện tranh màu về giáo dục xuất sắc - Scholastic Picture Book Award trao bởi Hội đồng Phát triển Văn học Singapore và Châu Á NBDCSSA. Giải thưởng được trao cho tác phẩm The first journey của 2 tác giả.

Hiếu Vân

Bạn có thể quan tâm