Ngày 12/8, Ấn Độ hạ INS Vikrant, tàu sân bay đầu tiên do họ tự đóng, tại thành phố cảng Kochi, bang Kerala. Theo AFP, với trọng tải 40.000 tấn và trị giá 5 tỷ USD, INS Vikrant sẽ thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu mới về quy mô và mức độ phức tạp của tàu sân bay. Sự kiện hạ thủy tàu sân bay mới đưa Ấn Độ vào nhóm các nước tự thiết kế và chế tạo tàu sân bay riêng, gồm Anh, Pháp, Nga và Mỹ.
Hai ngày trước đó, giới chức Ấn Độ thông báo họ sắp thử nghiệm INS Arihant, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do họ tự chế tạo. Giới quan sát nhận định sự ra đời của INS Arihant là bước nhảy vọt trong công nghệ bản địa của Ấn Độ.
Tàu sân bay INS Vikrant. Ảnh: NDTV. |
Trong lúc truyền thông Ấn Độ ca ngợi thành tựu của nền công nghệ đóng tàu quân sự nước nhà thì các tờ báo Trung Quốc lại tỏ thái độ khác.
“Hoạt động nghiên cứu, phát triển tàu ngầm và hàng không mẫu hạm của Ấn Độ vẫn cần thêm thời gian để tiến lên trình độ cao hơn. Ấn Độ cũng cần cải thiện khả năng chiến đấu của hải quân. Họ còn phải làm khá nhiều việc để hiện thực hóa giấc mơ trở thành nước có lực lượng hải quân lớn thứ hai trên thế giới”, nhật báo Quang Minh bình luận.
Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc Nhật Bản công bố tàu trực thăng Izumo vào tuần trước thu hút sự chú ý của giới quan sát Trung Quốc hơn so với sự kiện Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay.
“Với người Trung Quốc, Nhật Bản là mối đe dọa lớn nhất trong số các nước lân cận. Dân thường Trung Quốc hiếm khi nghĩ Ấn Độ có thể đe dọa Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc không chạy đua vũ trang. Tác động lớn nhất của việc Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay đối với Trung Quốc là chúng ta cần tăng tốc độ đóng tàu sân bay”, Thời báo Hoàn cầu khẳng định.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo rằng hàng không mẫu hạm và tàu ngầm mới của Ấn Độ có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
“Việc Ấn Độ công bố tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân cho thấy ý đồ chính trị lâu dài của họ. Tham vọng của New Delhi sẽ không chỉ nằm trong Ấn Độ Dương. Thậm chí họ còn muốn can thiệp sâu hơn vào các vấn đề trên Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc”, Zhao Gancheng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với Oriental Morning Post.