Truyền thống ném đá đẫm máu ở Ấn Độ
Phong tục bạo lực được gìn giữ hàng trăm năm nay tại Ấn Độ khiến nhiều người chết mỗi năm.
Hơn 300 năm qua, người dân ở Pandhurna và Sawargon, hai ngôi làng nằm bên bờ sông Jaam, Ấn Độ, rất háo hức tham gia vào phong tục kỳ lạ mang ý nghĩa tâm linh - trận chiến ném đá Gotmar Mela. Hậu quả là, mỗi năm có tới hàng trăm người bị thương, thậm chí tử vong.
Chiến tranh đá Gotmar Mela diễn ra vào ngày thứ hai sau ngày trăng mới Bhadrapad. Một cây gỗ được cố định giữa sông Jaam, trên đó có một lá cờ. Vào ngày sự kiện đẫm máu này diễn ra, dân chúng ở hai ngôi làng Pandhurna và Sawargaon tụ họp hai bên bờ sông và mang theo rất nhiều đá.
Những thành viên dũng cảm nhất của mỗi làng lao tới cây gỗ và cố gắng leo lên để chộp lấy lá cờ, trong khi đối phương ra sức dùng đá ném vào người đó để ngăn cản cướp cờ. Làng nào chạm vào cờ trước sẽ thắng.
Theo đó, những người tham gia phải chấp nhận hậu quả nặng nề. Họ có thể bị thương hoặc mất đi tính mạng. Mỗi năm, nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận sau ngày Gotmar Mela.
Ngày nay, truyền thống ném đã vẫn được người dân Pandhurna và Sawargaon duy trì và được xem là một trong những phong tục đẫm máu nhất trên thế giới. Quan chức địa phương đã cố gắng khuyên người dân từ bỏ sự kiện bạo lực này, thậm chí ban lệnh cấm, nhưng họ luôn vấp phải áp lực từ cộng đồng hai ngôi làng.
Đến năm 2001 và 2002, họ đưa ra phương án sử dụng bóng cao su thay vì đá, nhưng cả hai làng đều không đồng ý. Mỗi năm, sau khi sự kiện diễn ra, địa phương chỉ còn phương án cung cấp cứu trợ y tế tốt nhất.
Cuộc chiến Gotmar Mela năm nay gây ra thương tích cho 329 nạn nhân, trong đó 7 người trong tình trạng nguy kịch. Dù vậy, con số này vẫn còn ít, đỉnh điểm là năm 2008 với 800 người bị thương, 1 người chết.
Theo truyền thuyết, nghi thức tâm linh Gotmar Mela bắt nguồn từ câu chuyện của người cai quản vùng Pandhurna. Nhân vật này từng nghe đến cô con gái xinh đẹp của đức vua Sawargaon, nên quyết định vượt sông và bắt cóc cô gái.
Khi người làng Sawargaon biết tin, họ rượt đuổi kẻ bắt cóc và dùng đá để ném kẻ thù. Người dân vùng Pandhurna cũng tập hợp bên bờ sông để bảo vệ lãnh tụ. Kể từ đó đến nay, nghi thức Gotmar Mela vẫn được duy trì ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Theo Baomoi