Những cậu bé loắt choắt cưỡi ngựa với chân trần, không yên ngựa, đội mũ bảo hiểm in hình Hello Kitty không phù hợp để bảo vệ đầu và giắt theo lá bùa dưới lớp quần áo để tổ tiên phù hộ, xuất hiện như những "kỵ mã" thực thụ lao vào trường đua khốc liệt ở Indonesia. |
Điều gần nhất cậu bé Firmansyah, 8 tuổi, nhớ được là cuộc đua với hai kỵ sĩ khác, nhỏ không kém. Firmansyah "nhắm mắt nhắm mũi" nắm chặt bờm ngựa và phi nước đại đến nỗi con ngựa Isidia của cậu ngã xuống đất. |
Firmansyah không nhớ nổi mình đã đập đầu vào lan can gỗ dọc theo trường đua bao nhiêu lần. Cậu cũng không nhớ mình đã được cảnh sát bế lên xe máy phóng đến phòng khám như thế nào. Và cậu hoàn toàn không có ký ức về việc chú cậu đắp thuốc thảo dược vào vết thương của cậu tối hôm đó. |
Nhưng khi Firmansyah thức dậy vào sáng hôm sau, cậu đã tuyên bố rằng cậu đã "cảm thấy khỏe" và sẵn sàng cho cuộc đua ngày hôm đó. Chỉ vài giờ sau, Firmansyah đã xuất hiện ở cổng xuất phát cho chặng đua khác của giải giành cúp Cảnh sát Trưởng Khu vực 2018. Cậu mang theo những vết bầm tím trên cơ thể. |
Tại thành phố Bima trên đảo Sumbawa, miền Trung Indonesia, việc huấn luyện những đứa trẻ trở thành người đua ngựa chuyên nghiệp - jockey - là truyền thống lâu đời. Độ tuổi của những đứa trẻ jockey ngày một giảm, giờ đây chúng được chọn trong khoảng chỉ từ 5-10 tuổi. |
Những người ủng hộ phúc lợi trẻ em khẳng định việc để những đứa trẻ đua ngựa là lạm dụng và bóc lột, cần bị loại bỏ. Luật lao động trẻ em ở Indonesia không mấy khi được thực thi. Nhiều người ở đây coi những jockey trẻ em là nguồn thu nhập chính của gia đình họ, nó được chấp nhận ở một trong những vùng nghèo nhất của Indonesia. |
Cưỡi ngựa là văn hóa của người dân tộc Sumbawa. Ở đó, trẻ 4 tuổi được tập cưỡi những con ngựa lùn và khỏe mạnh trên đảo. Cưỡi ngựa cũng là truyền thống của nhiều gia đình, jockey trẻ em lớn lên trong những gia đình nơi anh em và cha của chúng cũng thi đấu. |
Tuy nhiên, không phải tất cả đứa trẻ đua ngựa đều theo truyền thống gia đình. Theo Arist Merdeka Sirait, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận, họ đã tìm thấy những đứa trẻ bị đưa vào trường đua bởi những người đàn ông đóng giả làm cha của chúng. |
"Đó rõ ràng là hoạt động kinh doanh dựa trên sự bóc lột trẻ em", ông Sirait nói. "Những con ngựa phi rất nhanh trong khi các cậu bé cưỡi ngựa không được trang bị đồ bảo hộ phù hợp. Đây là hành vi bạo lực đối với trẻ em. Khi còn nhỏ, các em không thể nói 'không' với cha mẹ hoặc bất cứ ai bắt chúng cưỡi ngựa". Theo ông Sirait, đó là một tội ác và cần bị loại bỏ. |
Bất chấp lời kêu gọi của những người này, những kẻ bóc lột không dừng lại. Tuần đua ngựa là một sự kiện thu hút khách du lịch của thành phố. Các khán đài ngập tràn khán giả mỗi trận chung kết cuối tuần. Họ đến để cổ vũ cho con ngựa mà họ đánh cược dù hoạt động cờ bạc bị cấm ở Indonesia. |
Trong mỗi 300 cuộc đua một tuần, chủ sở hữu ngựa gom tiền cá cược cho 30 jockey trẻ em và chỉ trả cho chúng từ 50.000-100.000 rupiah (3,5-7 USD) một chặng đua. Khi những đứa trẻ đua ngựa tiến vào vòng chung kết, người chủ có thể thu về một triệu rupiah (70 USD), tương đương một nửa mức lương tối thiểu hàng tháng nơi đây. |
Các chủ sở hữu như Edy Poky, 42 tuổi, người buôn bán than và gạo địa phương, có hơn 10 con ngựa, ra sức cạnh tranh để giành về phần thưởng 482.000.000 rupiah (khoảng 34.000 USD). |
Một trong những jockey trẻ em, Imam Dudu, 8 tuổi, thi thoảng phải bỏ học để tham gia cuộc đua. Dudu mơ ước trở thành cảnh sát và được đua với mũ bảo hiểm SpongeBob SquarePants và balaclava. |
Mẹ của Imam, bà Tiara, 36 tuổi, cho biết việc đua ngựa đem lại thu nhập cho gia đình. |
Khi những đứa trẻ lớn lên, chúng có thể đi thi đấu ở các hòn đảo lân cận, bao gồm Lombok - địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi jockey trẻ em hơn 14 tuổi vẫn tham gia đua ngựa. |