Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền kinh nghiệm thương trường tới bạn đọc

Diễn giả tham gia tọa đàm "Doanh nhân viết và viết về doanh nhân" nói sách của doanh nhân Việt sẽ phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, truyền cảm hứng cho người trẻ.

Trưng bày Tủ sách doanh nhân tại đường sách. Ảnh: Chí Hùng.

Tiếp nối những thành công từ hai năm tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và sách, tại trụ sở của Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức tọa đàm "Doanh nhân viết và viết về doanh nhân" hôm 5/10. Đây là sự kiện được phối hợp tổ chức với hai đơn vị đại diện chính là Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP.HCM. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mang lại chuyển biến tích cực trong việc đón nhận dòng sách của doanh nhân trong nước.

“Có lẽ, đây là lần đầu tiên, doanh nhân và nhà văn, người làm ra giá trị vật chất và người tạo nên giá trị tinh thần chính thức gặp gỡ nhau…”, đây là một ý trong diễn văn khai mạc của nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.

Tiếng nói của doanh nhân Việt Nam

Kinh tế có tác động lớn trong xã hội. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, doanh nhân cần cất lên tiếng nói sau bao năm chinh chiến thương trường để hướng dẫn, dự báo và trấn an thế hệ sau. Một cách làm có sức lan tỏa rộng rãi chính là qua sách. Việc doanh nhân viết sách và các tác giả chấp bút viết cho doanh nhân ở Việt Nam không phải là điều mới. Nhưng dường như các tác phẩm này về số lượng và chất lượng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường độc giả trong nước.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chủ tịch HĐQT Saigon Books, đơn vị phát hành chuyên về mảng sách kinh tế - tài chính cho biết: "Thống kê trong 18.000 ấn phẩm mới được phát hành trong 5 năm qua của thị trường sách ở Việt Nam, sách viết về doanh nhân chỉ có số lượng khoảng 100 đầu, chiếm tỉ lệ cực nhỏ”. Đây là một bức tranh tương phản khi dòng sách này trên thế giới thường được in ra cả triệu bản, thuộc vào hàng "best-seller" của các thể loại sách. Ngay cả ở Việt Nam, sách của những doanh nhân tầm cỡ quốc tế khi được dịch ra cũng bán rất chạy.

"Điều đó cho thấy bạn đọc tại thị trường VN rất mong muốn đọc sách doanh nhân viết. Nhưng chúng ta chưa có đủ về mặt số và chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu có thực của thị trường", ông Quỳnh nói.

Nhận định về vấn đề ngoại văn chiếm ưu thế, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, nói: "Điều ấy tốt nhưng chưa trọn vẹn, khi chúng ta khác với họ. Do vậy, đứng ở góc nhìn này, việc có nhiều sách hay của doanh nhân Việt phục vụ nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, truyền cảm hứng cho người học là rất quan trọng".

Nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn cho rằng nhiều doanh nhân Việt có tầm vóc, song chưa được biết đến bởi thiếu những cuốn sách viết về họ. Ông Nhơn nói sở dĩ, những tiểu thuyết viết về doanh nhân khá ít ỏi vì xã hội Việt Nam không có mấy nhà văn lăn lộn trong thương trường hoặc am tường lĩnh vực kinh tế…

"Giá trị thông tin và giá trị thẩm mỹ của dòng sách doanh nhân vẫn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Điểm yếu không phải ở tầm vóc nhân vật mà điểm yếu nằm ở yếu tố chân thực. Doanh nhân tự viết sách thì có tâm lý 'xấu che'. Tác giả viết về doanh nhân thì có tâm lý của kẻ làm thuê, nhân vật thích thế nào thì cứ viết thế ấy, cho nên, hầu hết cuốn sách liên quan đến doanh nhân Việt được thiết lập theo tiêu chí 'người tốt, việc tốt'”, ông Nhơn nói.

sach doanh nhan anh 1

Khó khăn của doanh nhân và nhà văn

"Thời gian là vàng bạc", với người làm kinh doanh giá trị của điều này càng rõ ràng. Việc viết lách của họ sẽ phải san sẻ cùng công việc và hiếm khi được ưu tiên. Với nữ doanh nhân, quỹ thời gian viết của họ lại càng hạn hẹp.

“Ban ngày tôi làm việc, tối về phải lo cho gia đình. Chỉ ngủ mỗi tối 2-3 tiếng rồi dậy ôm máy tính ngồi viết. Vừa viết vừa khóc, tim đập nhanh vì phải làm chủ con chữ của mình…”, bà Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ. Đến nay bà đã viết 3 cuốn sách ra mắt lần lượt năm 2000, 2007, 2013.

Những khó khăn của các nhà văn lại nằm ở việc thấu hiểu tâm lý. Trích lời nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - người từng viết hồi ký cho các nhà tình báo. Bà nói: "Doanh nhân Việt Nam có nhiều câu chuyện hay và họ sẵn sàng kể. Nhưng nhà văn làm sao hiểu, diễn đạt lại cho đúng với cách người đương thời muốn nghe mà vẫn giữ được dấu vết của những cuộc đời đã qua chứ không làm thành một bảng liệt kê thành tích mới là khó và hữu ích với cuộc sống hiện đại".

Với nhà văn Trầm Hương, viết sách về doanh nhân giống một món nợ. Vì viết về doanh nhân rất khó nhưng vẫn phải viết để làm rõ cuộc đời, công trạng và khó khăn họ phải trải qua. Phải viết để xóa tan những hiểu lầm cho thương gia là "gian thương".

Cái khó của bà Trầm Hương có hai điều. Đó là người viết - nhân vật phải trở thành tri kỷ của nhau. Cả hai cần dành thời gian để cùng trò chuyện, mà thời gian với doanh nhân và nhà văn đều rất quý giá. Thứ hai là cần vượt qua những rủi ro vốn là tính chất tự nhiên trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ở đây giá trị làm nên người làm kinh doanh khó giữ được sự vững vàng, khoảng cách giữa thành - bại rất mong manh.

Đáp lại băn khoăn của những doanh nhân mong muốn viết sách, tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Hội Nhà văn TP.HCM đã chính thức ký kết nội dung hợp tác. Đây là sự kết hợp của nhà văn, doanh nhân nhằm đưa kiến thức, kinh nghiệm của doanh nhân đến bạn đọc thông qua những phương pháp kể chuyện thú vị.

Câu chuyện khởi nghiệp cho những doanh nhân tương lai

Bộ truyện "Thương vụ nước chanh" của Jacqueline Davies kể những câu chuyện hài hước, độc đáo và giàu nhân văn cho thiếu nhi thời hiện đại.

Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc tận dụng cơ hội ra sao để bứt phá

Dù ở thời kỳ nào, doanh nhân cũng luôn nhìn thấy cơ hội. Giữa các đợt sóng cao ập đến, ai cũng có thể bắt đầu đón nhận những thử thách mới cho riêng mình.

Minh Thư

SÁCH HAY