Truyện Kiều do Hội Kiều học ở Việt Nam và NXb Trẻ vừa ấn hành - Ảnh: L.Điền. |
Quyển Truyện Kiều này được Hội Kiều học biên soạn dựa trên 8 bản Kiều Nôm khắc in trong khoảng từ năm 1866 - 1896, ngoài ra còn tham khảo các bản Kiều về sau, khoảng đầu thế kỷ 20.
Biên soạn Truyện Kiều thường là công việc gây tranh cãi và thường làm phát sinh các dị bản, bởi vấn đề truyền bản Truyện Kiều cho đến nay vẫn chưa tìm/ xác định được đâu là bản gốc của chính tác giả Nguyễn Du.
Bản Kiều 2015 mới nhất này, được biên soạn bởi một tập thể 8 người, đủ thấy mức độ phức tạp và vất vả của công việc, nhưng rồi lại cũng gây xôn xao dư luận. Ở đây chỉ bàn hai vấn đề dễ nhận thấy.
Thứ nhất là cách chú thích. Truyện Kiều là kho tàng kiến thức vừa bác học vừa dân gian, có chơi chữ có dụng điển, ngụ ý ẩn ý vân vân, người đương thời Nguyễn Du đã cần phải chú thích, huống hồ người đời sau, khi mức độ am hiểu các tầng mức văn hóa ngữ nghĩa văn chương mỗi lúc một cách biệt, công việc chú thích Truyện Kiều lại càng cần thiết.
Và ở bản Kiều mới này, PGS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, đại học KHXH&NV TPHCM, có một phát hiện “cười ra nước mắt”.
Đó là ở chú thích trang 29: từ “ca nhi” trong câu “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” được chú thích như sau: “Ca nhi: Tống thư có câu: “Ca nhi, vữ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Rõ ràng nếu chú thích như vậy, thì người đọc sẽ hiểu là ca nhi vốn nằm trong câu “ca nhi, vũ nữ”, và nghĩa của ca nhi là “con trai hát” còn nghĩa của vũ nữ là “con gái múa”.
Mở ngoặc giải thích các chữ “ca nhi vũ nữ” như vậy là vừa bỏ sót nghĩa chữ “nhi”, vừa sai với đối tượng cần được chú thích: là “ca nhi Đạm Tiên”. Nếu hiểu ca nhi là “con trai hát”, thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên hẳn là con trai, đến nay bỗng được gọi “nàng ấy” thì khác nào đã được chuyển giới.
Vấn đề này được một người mê Kiều tại TPHCM phàn nàn: chữ ca nhi có gì mà phải chú thích dài dòng như thế, các cụ túc Nho như Đào Duy Anh cũng chỉ chú thích giản đơn ca nhi = con hát, như thế thì ai cũng hiểu. Ý kiến này đáng quan tâm, bởi chú thích là giúp người đọc hiểu đúng, hiểu rõ những chỗ chưa hiểu hoặc hiểu chưa rõ.
Nếu không chú ý chỗ quan yếu này, mà người làm công việc chú thích sa vào chỗ huy động những kiến thức của mình để show ra, nhiều khi lại đẩy cái phần chú thích đi xa đến mức không ăn nhập gì đến đối tượng đang cần được chú thích. Như huy động kiến thức về Tống thư để dẫn người đọc đến chỗ hiểu ca nhi Đạm Tiên là con trai, là một điển hình cho việc “đẩy xa” ấy.
Cửa nhà Thúy Kiều "niêm phong chặt chẽ" xem ra “hiện đại hóa” quá
Vấn đề thứ hai là cân nhắc để hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nói cân nhắc là vì trước rất nhiều dị bản Truyện Kiều, cần chọn cách ứng xử cho ổn.
Xin nêu mấy trường hợp. Ở câu 285 có cụm từ "động khóa nguồn phong" (đọc theo Đào Duy Anh - LĐ). Trong 4 chữ Nôm này có 3 chữ động, khóa, nguồn trước nay chép khác nhau giữa các bản Kiều.
Giáo sư Đào Duy Anh trong công trình phiên âm chú giải Truyện Kiều và biên soạn Từ điển Truyện Kiều, đã có ý kiến về việc phiên âm ba chữ dị biệt trong cụm "động khóa nguồn phong" này. Theo ông, nên phiên "động khóa nguồn" mới là "đúng cách phiên chữ Nôm".
Và GS Đào Duy Anh giải thích là: “động tỏa là cửa động khóa kín, nguồn phong là nguồn nước bọc kín, tức không có lối vào được chỗ động tiên, chỗ nguồn đào”. Như vậy, theo ý cụ Đào Duy Anh thì ở cụm từ này Nguyễn Du đã sử dụng điển tích.
Sau Đào Duy Anh, bản hiệu chú Đoạn Trường Tân Thanh của tú tài Nguyễn Văn Anh (xuất bản 1958) có giải thích rõ hơn: điển tích ở đây là Lưu Nguyễn tái đáo Thiên Thai (Lưu Nguyễn trở lại tìm tiên).
Nay, bản Kiều 2015 do Hội Kiều học Việt Nam soạn, chỗ câu 285 này dùng cụm từ "đồng tỏa nguyên phong", chú thích là: "khóa bằng đồng đã niêm phong chặt chẽ, giữ nguyên không thể xê dịch…".
Cách hiểu này không mới, trước đây cụ Bùi Kỷ cũng giảng tương tự, và cụ Đào Duy Anh đã chỉ chính rằng "phiên là đồng tỏa nguyên phong mà cắt nghĩa là cái khóa đồng cứ khóa mãi, thì sai".
Như vậy, trong tình trạng hiện nay, nếu phải biên soạn thêm một bản Truyện Kiều, cần cân nhắc chọn lựa giữa khả năng Nguyễn Du dụng điển để lột tả tâm trạng của chàng Kim si tình ngày ngày nhìn cổng nhà Thúy Kiều khép kín mà hình dung tình cảnh mình cũng giống như Lưu Nguyễn trở lại Thiên Thai đứng trước cửa động tiên đóng chặt, nguồn nước bọc kín không vào được, với cái nhìn cho rằng cửa nhà Thúy Kiều bị niêm phong chặt chẽ trước mắt Kim Trọng.
Cái ý cửa nhà Thúy Kiều bị "niêm phong chặt chẽ" ấy xem ra nó “hiện đại hóa” quá, dễ khiến em cháu ngày nay làm văn sai lạc kiểu như: “câu tục ngữ "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" đã “cho thấy sự thông minh của loài ngựa, chúng thấy có một con bị đau là cả bọn bỏ ăn ngay, để đề phòng bệnh lây lan qua đường tiêu hoá"!
Ý kiến của GS Đào Duy Anh về chú thích cụm từ "động khóa nguồn phong". Ảnh: L.Điền. |
Ở câu 492, bản Kiều 2015 này in là “Nhột lòng mình cũng nao nao lòng người”, với chữ “nhột” được chọn ở đây thật khó hiểu. Bởi trong các bản Kiều Nôm mà nhóm biên soạn căn cứ, chỉ có 1 bản Kiều Oánh Mậu dùng chữ “nhột”, các bản khác đều dùng chữ “dột”.
Vấn đề là, hai chữ “dột” và “nhột” ở một số vùng miền trung đọc lẫn nhau, nhưng nghĩa hai chữ này thì khác nhau: dột là trạng thái buồn bã trong lòng; còn nhột là “cảm giác khó chịu ở da thịt bắt phải cười” (từ điển Thanh Nghị).
Như vậy, nếu phải chọn giữa chữ dột và chữ nhột trong câu này - đang nói về cảm giác của Kim Trọng do tiếng đàn Thúy Kiều mang lại, thì hẳn phải là dột, tức là chàng Kim nói nàng đàn làm ta buồn quá. Chứ tiếng đàn Thúy Kiều mà mang lại cảm giác khó chịu ở da thịt Kim Trọng khiến phải mắc cười, thì cách hiểu âm nhạc của Hội Kiều học có phần khó hiểu.
Tất nhiên bản Kiều 2015 này còn không ít chỗ như vậy mà muốn kê cứu ra cho kỳ hết chắc phải cần một bài khảo cứu khoa học.