Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Cần đúng và đủ

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc, người dùng có thể biết được quá trình nuôi trồng, chế biến, vận chuyển của nhiều loại thực phẩm qua phần mềm QR code.

Tuy nhiên, thông tin nguồn gốc thực phẩm không chỉ cần đúng mà còn phải đầy đủ từ khâu canh tác, ươm giống đến nơi tiêu thụ.

Chỉ bằng một cú nhấp

Nếu coi sơ yếu lý lịch là giấy tờ thiết yếu của mỗi công dân, cung cấp lai lịch của người được cấp thì mã QR code chính là “sơ yếu lý lịch” cho nguồn gốc của các loại thực phẩm an toàn.

Theo đó, người dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm đang được bán tại các nhà phân phối thông qua ứng dụng quét mã QR code cài đặt trên smartphone. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại có kết nối Internet, lúc này camera sẽ quét mã vạch in trên bao bì thực phẩm. Chỉ sau vài giây, tất cả thông tin về sản phẩm, gồm nơi sản xuất, phân phối, ngày sản xuất, ngày hết hạn… đều được hiển thị đầy đủ.

Ngoài ra, chỉ bằng một cú nhấp trên màn hình điện thoại, khách hàng có thể xem bản đồ từ vị trí của mình tới vị trí các nhà cung cấp thực phẩm trong hệ thống.

thuc pham huu co Orfarm anh 1
Khách hàng sử dụng smartphone truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm thịt hữu cơ Orfarm.

Thông tin minh bạch

Lý thuyết là vậy nhưng cho tới thời điểm này, việc truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ.

Hiện nay, ngoài một số cơ quan quản lý nhà nước như Cục quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội và các trung tâm xúc tiến thương mại, nhiều dự án nước ngoài, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân cũng đang rao bán hệ thống truy xuất này cho các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên cả nước, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, thông tin truy xuất khá sơ sài, chưa đáng tin cậy. Do đó, việc khai báo, cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần khách quan, chính xác qua việc xác nhận, giám sát thông tin một cách độc lập.

Mới đây, dự án thí điểm cấp mã truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Cục quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã bước đầu đưa ra tiêu chí khá đầy đủ với thông tin, địa chỉ rõ ràng của cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối… kèm theo chứng nhận thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hệ thống truy xuất đáng tin cậy như trên sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm mình đang sử dụng hàng ngày có thực sự an toàn hay không. Nhưng đến nay, ít doanh nghiệp và sản phẩm đạt đủ các tiêu chuẩn này để được cấp mã QR code.

Phản ứng của người tiêu dùng

Dù đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT để truy xuất nguồn gốc thực phẩm mới được thực hiện thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM.

Chị Nguyễn Thị Sen, đường Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội cho biết: “Tôi luôn ưu tiên tiêu chí sạch cho bữa cơm hàng ngày. Từ ngày dùng smartphone kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, tôi cảm thấy an tâm hơn khi mua một loại sản phẩm nào đó thay vì tiêu dùng bằng niềm tin như trước kia”. Chị Sen cũng giới thiệu nhiều bạn bè về ứng dụng này, đa số đều cảm thấy hài lòng.

thuc pham huu co Orfarm anh 2
Nhiều siêu thị và chuỗi cung ứng tại Hà Nội chậm triển khai dán tem có mã QR code cho nông sản.

Tuy nhiên, do vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm nên chỉ có một số ít sản phẩm được dán mã QR code. Phần lớn các mặt hàng này là nông sản như: rau, củ, gạo và một số loại thịt lợn, tôm…

Tại Tp. Hồ Chí Minh, việc dán tem có mã QR code được thực hiện mạnh mẽ hơn. Ngược lại, ở Hà Nội chỉ có vài đơn vị bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Orfarm - đơn vị được cấp Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn - là một trong những nhà cung cấp đầu tiên triển khai dán tem có mã QR code lên các sản phẩm nông sản.

Sự khác biệt về mức độ triển khai đã dẫn tới thái độ đón nhận khác nhau của người tiêu dùng. Chị Cẩm Nhung, nhân viên quầy nông sản thuộc một siêu thị tại quận Hà Đông, Hà Nội nhận định: “Một số mặt hàng rau củ đã có mã QR code nhưng từ khi triển khai đến nay, không có nhiều khách hàng quét mã. Chủ yếu mọi người vẫn lựa chọn theo thói quen và tên thương hiệu”.

Thêm vào đó, bởi đây là ứng dụng hoàn toàn mới mẻ nên bước đầu triển khai vẫn còn nhiều hạn chế như: tem và phần mềm chưa thực sự nhạy; giá thành tem in riêng cao gây khó cho doanh nghiệp.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm