Thay vì đào bới hàng ngàn m3 bùn đất để tìm kiếm dấu vết của những nền văn minh đã không còn tồn tại, Sarah Parcak, một chuyên gia của Đại học Alabama tại Mỹ, sử dụng vệ tinh để tìm kiếm dấu vết của chúng. “Khi nhắc đến thuật ngữ khảo cổ không gian, nhiều người nghĩ đó là việc sử dụng vệ tinh để truy tìm cuộc sống ngoài trái đất. Tuy nhiên, chúng tôi đang tìm kiếm bằng chứng về sự tồn tại của con người trên chính địa cầu”, Parcak chia sẻ.
Một di chỉ khảo cổ ở Ai Cập. |
Bay ở độ cao gần 500 km so với mực nước biển, vệ tinh có độ phân giải cao sở hữu công nghệ hồng ngoại và tầm nhiệt cho phép các nhà khoa học nhận dạng chính xác những đối tượng có đường kính lớn hơn 1 m. Do các thiết bị hồng ngoại của vệ tinh có bước sóng dài hơn ánh sáng nên chúng có thể xâm nhập sâu hơn vào bề mặt trái đất.
Dựa vào ảnh chụp độ nét cao của các vệ tinh, các chuyên gia khảo cổ không gian sẽ phân tích nhằm xác định những khu vực bất thường trên mặt đất. “Tất cả bí mật nằm sâu dưới lòng đất đang chờ con người khám phá. Chúng chính là câu trả lời cho thắc mắc của nhân loại về những sự kiện từng diễn ra trong quá khứ”, cô Parcak khẳng định.
Theo tài liệu được BBC đăng tải, trong năm 2011, Parcak và nhóm nghiên cứu đã xác định vị trí của 17 kim tự tháp, 1.000 ngôi mộ và 3.100 khu vực định cư cổ đại.
Với 15 năm làm việc ở Ai Cập cùng chồng và các đồng nghiệp, Parcak dành cho quốc gia này những tình cảm hết sức đặc biệt. Tuy nhiên, bạo lực bùng phát ở Trung Đông – Bắc Phi, trong đó Ai Cập là điểm nóng, khiến công việc của Parcak buộc phải hoãn lại. Giờ đây, với công nghệ mới, Parcak hoàn toàn có thể giải mã những bí ẩn về nền văn minh Ai Cập mà không phải đối mặt với bất kể đe dọa nào từ bất ổn và bạo lực.