Trưởng nhóm Big Toe cùng vợ Quỳnh Trang đã chia sẻ với các cha mẹ có con đam mê nghệ thuật về tham vọng trong ngành nghệ thuật nhảy ở Việt Nam và vở vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ 2019”.
- Anh có thể kể về cái duyên với nghề đào tạo vũ công nhí?
- Đến với nghệ thuật hơn 20 năm, tôi nhìn thấy con đường phát triển của làng nhảy múa Việt kể từ những ngày đầu tiên. Tôi và bạn bè đã trải qua nhiều năm tập luyện, tự tìm hiểu mà không ai dạy dỗ. Sau khi trưởng thành, anh em mỗi người một bến đỗ, có người làm sản xuất âm nhạc, có người sang nước ngoài lập nghiệp, có người chuyển nghề khác và để lại đam mê phía sau.
Riêng tôi, tôi nhìn thấy cơ hội lớn ở trẻ em Việt Nam. Tại sao không làm gì đó truyền thụ lại cho thế hệ sau? Chúng tôi nên là người khởi đầu, mang tới cho trẻ em một hệ thống giáo dục nghệ thuật chuyên nghiệp hơn, không để chúng lăn lê bò toài ngoài công viên như các thầy của chúng ngày xưa (cười).
Viết Thành và Quỳnh Trang sáng tạo vở vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ 2019” cho các vũ công nhí Việt Nam. |
- So với người lớn, vũ công nhí hơn gì và kém gì?
- Cái hơn rõ ràng nhất là cơ hội. Trẻ em được tiếp cận với xã hội mở, cha mẹ cũng trẻ trung, hội nhập hơn. Từ nhỏ, nhiều em đã được cha mẹ dẫn tới sân tập, được thầy cô dạy bài bản. Những bài tập luôn có những động tác khó, không cẩn thận sẽ dẫn đến chấn thương. Việc khởi động, uốn dẻo rồi mới tập động tác giúp các bé nắm bắt rất nhanh. Trẻ em ngày nay cũng năng động hơn khi từ nhỏ đã xem video và nhảy theo.
Còn việc kém hơn ở đâu thì khó nói, không thể bảo rằng trẻ em ít trải nghiệm hơn được, vì đó là đương nhiên. Có chăng là chúng “ngại” khám phá hơn thế hệ ngày xưa, bởi giờ có người chỉ dẫn hết rồi.
- Người ta nói làm vũ công rất vất, vũ công nhí còn khổ hơn. Các bạn nhỏ nhận được gì khi đi theo con đường chuyên nghiệp?
- Vũ công nào cũng có cái khổ và cái sướng. Được theo thứ mà mình yêu thích là mê nhất rồi. Sức khoẻ, thể lực, phát triển cảm xúc, tôi nghĩ đấy là những thứ quý giá nhất trẻ sẽ nhận được. Ngoài ra, khi đi theo con đường chuyên nghiệp, cách thể hiện tâm tư và tính cách của các bạn nhỏ cũng khác. Có khi tập luyện cả ngày mà đôi mắt của bé vẫn tỏ rõ quyết tâm, khác với những đứa trẻ cùng tuổi khác vì mệt một chút là bắt đầu nhõng nhẽo.
Trẻ em ngày nay có điều kiện tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp ngay từ nhỏ. |
- “Sắc màu tuổi thơ” là một vở diễn tham vọng của anh chị. Theo thông tin, mùa 3 sẽ diễn ra vào tháng 9 sang năm. Anh chị có ý tưởng gì với vở diễn lần này?
- Lần này rất tham vọng. Chúng tôi đã dành ra 5 năm trời để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Từ những mùa đầu tiên, chúng tôi khá lo lắng khi đưa ý tưởng này lên sân khấu lớn. Để 15-20 bé có thể biểu diễn thuần thục trong suốt 70 phút của một vở kịch nối tiếp, chúng tôi phải rất mạo hiểm. Trải qua 2 mùa, chúng tôi có thể mạnh dạn và tham vọng 100 vũ công nhí trên sân khấu lớn sẽ được hiện thực hoá tại mùa 3 này.
Chúng tôi sẽ xây dựng câu chuyện “Đại cổ tích” trong vở diễn này. Truyện cổ tích Việt hay lắm, giờ sẽ ra sao nếu khai thác dưới góc nhìn vũ kịch? Tôi tin rằng câu chuyện lần này sẽ đủ sức thu hút khán giả không chỉ trong nước mà còn là những chuyên gia nước ngoài. 12 tháng tập luyện với lộ trình chuẩn, các bạn vũ công nhí sẽ hoàn toàn tự tin trình diễn một vở hoàn hảo.
- Anh chị mong chờ gì nhất với buổi diễn này?
- Chúng tôi mong nhận được tán thưởng từ người xem trước đã. Sau đó về xa hơn, chúng tôi muốn vở vũ kịch lần này đến được công chúng nước ngoài. Họ sẽ biết về một Việt Nam với khả năng trình diễn nghệ thuật tầm cỡ, trẻ em Việt Nam nhiều tài năng có thể vươn xa.
Trẻ em Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật nhảy múa. |
- Anh chị đánh giá thế nào về khả năng nhảy của trẻ em Việt Nam?
- Tôi từng dẫn rất nhiều học trò đi thi đấu nước ngoài. Giải Vàng, giải Bạc cũng nhiều. Trẻ em mình được các nước lớn trong khu vực đánh giá cao. Ở Đông Nam Á thì có thể tự tin là số một, trong khu vực châu Á thì còn nhiều ông lớn khác. Cần cố gắng hơn để có thể sánh vai. Điều quan trọng là cần thời gian và những điều kiện phù hợp.
- Có điều gì anh chị muốn nói với cha mẹ các bạn nhỏ không?
- Cha mẹ là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy và định hướng con. Con thành công hay không phần nhiều nhờ tới phụ huynh. Việc nhảy múa có thể mang lại cho trẻ nhiều điều tích cực như giải toả căng thẳng, cải thiện cảm xúc.
Xương khớp của trẻ như những cánh cửa, nếu không vận động sẽ đóng lại, những thứ độc hại cứ thế kìm hãm trong cơ thể. Nói cho cùng, phụ huynh phải thực sự hiểu con, và nghiêm túc chuẩn bị cho con trên chặng đường trở thành vũ công nhí.
Với mong muốn tìm kiếm con đường quốc tế cho vũ công nhí Việt, hai biên đạo múa đã sáng tạo nên vở diễn mang âm hưởng văn hoá Việt “Sắc màu tuổi thơ”. Bằng việc kể những câu chuyện cổ tích thông qua vũ đạo và sự biến hoá giữa các phong cách từ ballet, đương đại, hip hop hay dancesport, vở diễn là tham vọng của bộ đôi biên đạo cùng dàn 100 vũ công thế hệ mới. |