Nhiều trường đại học khối kinh tế có kế hoạch mở các ngành mới liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Ảnh: Pexels. |
Năm 2024, nhiều trường đại học khối kinh tế như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế - Tài chính TP.HCM có kế hoạch mở các ngành mới liên quan đến kỹ thuật, công nghệ.
Trao đổi với Tri thức - Znews, các chuyên gia nhận định việc đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, các trường cần chuẩn bị kỹ càng và tính toán phương án "dài hơi", tránh việc mở ngành theo trào lưu.
Xu hướng tất yếu
TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phổ thông, Tổ chức Giáo dục Equest, cho biết các trường đại học công lập của Việt Nam chủ yếu được thành lập trong giai đoạn thập niên 1960-1970, dưới sự hỗ trợ và theo mô hình đại học của Liên Xô cũ.
Lúc này, mô hình đại học được xây dưng theo đặt hàng của nền kinh tế tập trung và phát triển theo từng chuyên ngành sâu của nền kinh tế.
Các trường như Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Thủy lợi... đều ra đời theo phương thức đó.
Sau đổi mới, với sự tiếp thu mô hình đại học của phương Tây, mô hình trường đa ngành như đại học quốc gia hoặc các đại học vùng đã được sáp nhập hoặc thành lập mới.
Bên cạnh đó, các đại học đơn ngành cũng mở rộng, tuyển sinh những ngành mới ngoài ngành được định hướng ban đầu nhằm mục đích xây dựng đại học đa ngành.
Thực tế, không riêng các trường kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, các trường kỹ thuật như Bách khoa Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Xây dựng cũng mở đào tạo các ngành kinh tế, ngôn ngữ.
"Xét về khía cạnh thị trường, các đại học đang tăng khả năng lựa chọn cho thí sinh, nhất là khi các trường công nghệ đã 'quá tải', dẫn đến điểm đầu vào quá cao. Việc tăng cường thêm các trường đào tạo công nghệ cũng giúp việc cạnh tranh tốt hơn. Đó là những tín hiệu tích cực cho người học và các doanh nghiệp", ông Minh nói.
Ông Minh cũng nhận định hiện nay, nhiều công việc đòi hỏi nhân sự nắm được cả kiến thức công nghệ lẫn kinh doanh. Do đó, nếu nắm bắt được cơ hội, các trường kinh tế hoàn toàn có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
"Thực tế, các nhân sự này thậm chí còn nhận lương cao hơn cả nhân sự kinh tế hay công nghệ đơn thuần. Vấn đề là các trường cần năng động, mạnh dạn đưa ra những chương trình đổi mới và tìm những nhân sự giảng dạy, nghiên cứu tốt để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp", ông Minh nhận định.
Tương tự, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cũng nhận định việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là quy luật tất yếu.
"Đây là xu hướng chung khi bước vào nền kinh tế thị trường. Các đại học muốn ổn định và hoạt động được thì phải phát triển theo hướng đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành", ông Khuyến nói.
TS Khuyến cũng nhận định nhu cầu nhân lực các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ hiện rất lớn. Các trường muốn đào tạo đa lĩnh vực mở các ngành thuộc nhóm này không có gì lạ. Điều này nhằm đảm bảo ổn định quy mô đào tạo của các trường.
Sinh viên có hiểu biết rộng sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở những công việc đa ngành. Ảnh: Pexels. |
Cẩn trọng chất lượng
Việc trường kinh tế mở ngành công nghệ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cũng lưu ý các trường cần tính toán phương án "dài hơi", tức phải kiểm soát chất lượng khi mở ngành mới.
Theo đó, các trường cần có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và nhất là chương trình đào tạo. Những thông tin này cần được công khai minh bạch để người học biết.
"Các trường không thể mở ngành theo phong trào, tuyển sinh ồ ạt nhưng chương trình đào tạo lại không chuẩn bị kỹ. Cần thiết phải có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định để đảm bảo chất lượng đầu ra. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần rõ ràng, nghiêm khắc và kiểm soát chặt chẽ việc này", TS Khuyến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Đàm Quang Minh cũng nhận định vấn đề chất lượng sẽ là câu hỏi lớn, đòi hỏi việc kiểm soát, kiểm định chất lượng cần được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo đầu ra cho người học.
"Các trường cần đầu tư phát triển đội ngũ nhân sự giảng dạy, phối hợp với các doanh nghiệp đầu ngành, tuân thủ các quy trình về kiểm định và đảm bảo chất lượng để có được đầu ra tốt cho xã hội", ông Minh nói.
Thí sinh cân nhắc chọn ngành
Với những sinh viên đang cân nhắc chọn ngành công nghệ tại các trường kinh tế, TS Minh cho hay hiện nay, nhu cầu việc làm rất đa dạng. Sinh viên học liên ngành, có hiểu biết rộng sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở những công việc khác. Nếu có thêm ngoại ngữ, sinh viên cũng có ưu thế hơn.
Ví dụ, trong ngành công nghệ thông tin, nếu nhân sự có thêm tiếng Nhật và nắm được quy trình doanh nghiệp, họ sẽ có cơ hội việc làm nổi trội so với những nhân sự chỉ nắm thuần kiến thức công nghệ.
"Giá trị gia tăng được tạo ra từ những nhân sự này sẽ mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp và bản thân các sinh viên theo học các liên ngành này", ông Minh nói.
Theo ông Minh, vấn đề là các trường cần tìm được đầu ra phù hợp cho các sinh viên, đáp ứng được nhu cầu của kinh tế xã hội và doanh nghiệp.
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương, cho hay chương trình mới mở tại trường sẽ phù hợp với những thí sinh mong muốn học chương trình có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh, đào tạo chuyên sâu theo định hướng phát triển phầm mềm, phân tích dữ liệu trong kinh tế, đổi mới sáng tạo, lãnh đạo/quản lý trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật (đặc biệt là công nghệ thông tin).
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.